Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'100 ngày bên em': Đủ lắng, đủ sâu để cảm xúc và thông điệp đọng lại trong lòng người thưởng thức

Dù khởi chiếu từ ngày 25/4 nhưng "100 ngày bên em" của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng sau hai tuần mới được khán giả chú ý. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi bom tấm "Avengers: Infinity War" được công chiếu cùng thời điểm, choán hết các suất chiếu tại phòng vé và tạo thành hiệu ứng mạnh mẽ với cư dân mạng.

Nhưng rõ ràng 100 Ngày bên em vẫn là bộ phim Việt đáng thưởng thức với sự tái xuất của Khả Ngân, Jun Phạm, B Trần… và mang một màu sắc khác biệt so với thể loại phim hành động.

100 Ngày bên em, như đúng tựa đề của phim là một câu chuyện tình yêu lãng mạn, một chuyện tình “tay ba” nhưng lại không hề có sự giành giật. Ở đó những người yêu nhau thuộc về nhau như một lẽ tự nhiên, như một sự sắp đặt của định mệnh. Và định mệnh đó đôi khi trớ trêu đến nỗi để những người trẻ gặp nhau ở những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Có lẽ bộ phim sẽ rất hợp với “gout” thưởng thức của phần đông khán giả Việt, đặc biệt là phái nữ bởi một cốt truyện ngôn tình đậm chất Hàn.

Việc lựa chọn đề tài tình yêu đã là một tiền đề để những người làm phim tiến vào địa đàng của vườn phim ngôn tình. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng đã một lần nữa khai thác đề tài này, mang lại góc nhìn mới về tình yêu của những người trẻ - những kẻ “sống ảo” ở thời hiện đại.

Trong những bộ phim lãng mạn của Hàn, luôn luôn xuất hiện đâu đó một nhân vật mắc bệnh ung thư, đó dường như là sự lựa chọn đảm bảo cho một cái kết đầy nước mắt. 100 Ngày bên em cũng không đứng ngoài tình tiết éo le ấy, và không phải ngẫu nhiên tựa đề bộ phim lại ẩn chứa thông điệp về hạn định ngày tháng. Nếu như các bộ phim Hàn Quốc thường đặt yếu tố bệnh tật hay cái chết ở giây phút cuối, tạo sự bất ngờ đường đột thì ở đây, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng lại đảo ngược để sự ra đi của nhân vật được “chẩn đoán” ngay từ những phút đầu tiên. Có lẽ bởi thế mà khán giả cảm nhận thấy phảng phất nỗi buồn từ mở đầu dù là những cảnh quay rất đẹp.

100 Ngày bên em không hoàn toàn là sự đếm ngược thời gian của hai kẻ yêu nhau say đắm mà là quãng thời gian để hai kẻ xa lạ gặp gỡ, yêu nhau, lại là một chuyện tình giả mà thật.

Thể loại tình cảm lãng mạn vốn được coi là thứ đặc sản của điện ảnh Hàn Quốc, nhưng dưới góc nhìn của những nhà làm phim Việt Nam, câu chuyện đó còn gắn với quá trình vươn lên tranh đấu với tử thần của những con người còn rất trẻ, rất thích sống ảo.

Bức tranh cuộc sống hiện lên trong 100 Ngày bên em đích xác là một cuộc sống trong mơ của bất kì chàng trai cô gái nào thời hiện đại: Nàng (Khả Ngân) là một vlogger xinh đẹp, tài năng, sở hữu lượng fans đông đảo và khối tài sản khổng lồ. Bên cạnh một nàng công chúa hẳn phải là một hoàng tử (B Trần), đẹp trai, galant, và đặc biệt phải giàu có. Thế nhưng “biến cố” đến với cô gái khiến chuyện tình đang làm khuynh đảo cộng đồng mạng phải chấm dứt. Cô gái là một “thánh sống ảo”, hội tụ đầy đủ phẩm chất của một người nổi tiếng trên cộng đồng mạng: tự tin, kiêu hãnh và nhất quyết không chịu mất mặt. Chính vì thế mà ngay cả giây phút tan nát nhất vì kết quả chẩn đoán bệnh và bị chồng sắp cưới “đá”, nàng vẫn tìm mọi cách để có một chú rể, nàng phải làm fans hâm mộ của nàng phát cuồng. Một kẻ sống ảo khác xuất hiện là chàng trai game thủ nổi tiếng một thời nay thất thế, phải “ăn bám” vợ chồng em trai. (vai của Jun Phạm). Có thể nói 100 Ngày bên em đã phản ánh đúng không khí của thời đại khi mà người trẻ đua nhau sống ảo và coi trọng sĩ diện. Điều đó khiến bộ phim gần gũi với khán giả trẻ và nhận được sự đồng cảm từ họ.

Không dừng lại ở đề tài, kết cấu mà 100 Ngày bên em còn xây dựng tuyến nhân vật đậm chất ngôn tình. Đó là sự đối lập giữa hai nhân vật chính: một bên giàu có, nổi tiếng - một bên nghèo khổ, vô danh. Làm cách nào để hai kẻ cách biệt nhau về đẳng cấp lại có thể đến bên nhau? Khoảng cách đó chỉ có thể xóa bỏ bởi sự đồng cảm, chỉ có những người biết mình không còn nhiều thời gian để sống mới hiểu nhau.

Phim không có những chi tiết khiến người xem đau quặn thắt, không có những tình tiết ngột thở nhưng vẫn có khả năng lấy đi nước mắt của phái nữ như một phản xạ tự nhiên trước một câu chuyện tình chưa gặp gỡ đã biết phải lìa xa.

Dù kịch bản mang hơi hướng Hàn Quốc, là motif quen thuộc của phim lãng mạn Châu Á nhưng 100 Ngày bên em không phải là sự lặp lại hay chắp vá của những câu chuyện tình yêu sẵn có. Tất cả từ mạch phim, cốt truyện, nhân vật, nhịp điệu… đều mạch lạc, hài hòa, mang đậm phong cách của nhà làm phim.

Điểm sáng nhất của bộ phim có lẽ là diễn xuất của hai diễn viên chính: Khả Ngân Jun Phạm. Một dàn diễn viên trẻ đẹp đầy sức sống và khả năng nhập vai tối đa đã khiến bộ phim trở nên trọn vẹn. Họ như đang tái hiện lại chính cuộc sống của mình và những người trẻ khi Khả Ngân vào vai một cô nàng vlogger nổi tiếng, Jun Phạm trở thành một chàng trai nghiện game, mất phương hướng và tự nhận “vô dụng”.

Thế nhưng không nằm ngoài những nhược điểm của phim Việt nói chung, 100 Ngày bên em còn để lại những lời thoại như đang đọc để phát radio, thiếu tự nhiên và có phần gượng gạo. Với một bộ phim tình cảm thì những lời thoại nếu không được xử lí để “tự nhiên hóa” thì sẽ rất dễ khiến khán giả khó chịu bởi sự sến súa nghe đọc diễn cảm. Những tiểu tiết nhỏ như thế, nếu có thể khắc phục sẽ khiến bộ phim hoàn hảo và trơn tru hơn. Ngoài ra không gian trong phim cũng là một đặc thù rất Việt Nam, không gian bó hẹp và lướt nhanh, dường như chỉ tập trung quay tại phim trường - những bối cảnh được dựng, thiếu không gian thực tế sinh động. Giá như các nhà làm phim mạnh dạn hơn trong việc lựa chọn bối cảnh thì bộ phim sẽ chân thực hơn rất nhiều.

Tóm lại, màu phim lung linh, nhịp phim uyển chuyển, nhạc phim bay bổng đã nâng đỡ những cảm xúc đẹp và buồn 100 Ngày bên Em. Một cái kết không thách thức khán giả nhưng đủ lắng, đủ sâu để những cảm xúc và thông điệp còn đọng lại trong lòng người thưởng thức.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bạch Vân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm