Sau thành công của MV Em gái mưa, đạo diễn Kawaii Tuấn Anh quyết định đưa câu chuyện học trò ngây thơ này trở thành một tác phẩm điện ảnh chủ đề thanh xuân vườn trường vốn khá quen thuộc với màn ảnh rộng Việt. Ngay từ khi lên sóng hôm 01/06, Em gái mưa bản điện ảnh hầu như luôn xuất hiện ở các kênh báo nổi tiếng tại Việt Nam. Bên cạnh những góp ý chân thành về nội dung và mạch câu chuyện, Em gái mưa vẫn nhận được sự yêu mến từ phía khán giả lẫn giới chuyên môn bởi sự chăm chút kỹ lưỡng trong phần hậu kỳ. Với bối cảnh là ngôi trường phổ thông Thanh Xuân trong những năm 2000, chắc chắn những đồ vật, trò chơi quen thuộc từng là cả một bầu trời tuổi thơ của thế hệ 8x và 9x cũng xuất hiện trong phim. Cùng SAOstar điểm qua xem “kỷ niệm tuổi thơ” ấy là gì nhé!
1. Sưu tầm những quyển báo Hoa học trò để lấy poster thần tượng
Nhìn Khánh Chi (Trang Hý) và Hà Vy (Lê Thùy Linh) “quắn quéo” trong tiệm báo vì poster của anh Bo Đan Trường, chắc cô gái 8x, 9x nào cũng từng như thế, đúng không? Thời đi học, bất kỳ ai mà chẳng có thần tượng - một hình mẫu mà chúng ta muốn lấy làm chồng, có thêm con bạn thân thân cũng thích người ấy nữa, thì còn gì tuyệt vời bằng? Đó là những lần chẳng quản nắng mưa, đội nắng vượt gió đến sạp báo chỉ để lùng sục cho bằng được tấm poster quý báu của thần tượng. Rồi lại cùng cô bạn tán gẫu về những đề tài xoay quanh “chàng trai ấy”, cứ hễ nhắc lại là cả một tuổi thơ ùa về, đúng chứ các cô gái ơi?
2. Anh Bo Đan Trường
Chúng ta hẳn không sao quên được anh Bo Đan Trường - “soái ca” của những năm 2000 trong lòng giới trẻ Việt ngày ấy. Với mái tóc chẻ 5-5 lãng tử, anh Bo hội đủ những tiêu chuẩn mà các cô gái 8x 9x mê mệt. Có thể thấy rõ sự yêu mến của người hâm mộ qua phân đoạn văn nghệ của trường và lúc Khánh Chi hí hoáy tìm hình của anh Bo tại sạp báo trong Em gái mưa. Thú thật đi, năm ấy, anh Bo cũng từng là “người chồng trong tâm tưởng” của bạn đúng không?
3. Thú vui duy nhất: truyện Conan, Doreamon,…
Thời ấy - thuở mà Internet chưa là gì với những người trẻ, thiếu nó cũng chẳng làm sao, các cô cậu 8x 9x chỉ có một niềm vui giải trí duy nhất: những quyển truyện Conan, Doreamon và nhiều bộ truyện khác. Hẳn là ai cũng còn nhớ những ngày đạp xe đến tiệm thuê truyện, chỉ để “canh me” truyện mới ra lò và mình sẽ trở thành người đầu tiên cầm truyện trên tay, đọc “ngấu nghiến, nghiền ngẫm”. Sau đó lại lật đật trả truyện, vì nào có tiền nhiều mà thuê nhiều truyện cùng lúc để đọc. Các bạn còn nhớ không, những lần “trốn” ba mẹ, chui vào trong góc để đọc, liền sau đó là những câu chửi rất yêu từ mẹ: “Mày cứ trốn trong đấy đọc đi con ạ, sau này đeo kính rồi thì đừng có mà hối hận!”
4. Trò chơi Đông Tây Nam Bắc
Ai mà chẳng có nhiều ước mơ, và những ước mơ ấy được thể hiện cả qua trò chơi Đông Tây Nam Bắc của hầu hết các bạn lúc bấy giờ. Ước mơ nhà văn, cô giáo, bác sĩ, kỹ sư thuở con nít ấy, nghĩ lại mà thấy vui. Giấc mơ năm ấy chẳng cần tô vẽ, cũng chẳng cần phải biết nó có thực tế hay không, chỉ cần biết rằng được mơ ước, đã là điều hạnh phúc nhất của tuổi ấy rồi. Đông Tây Nam Bắc vẽ ra câu chuyện giấc mơ của hàng trăm cô gái chàng trai 8x 9x, như để vun vén cho sự tròn đầy về một tương lai rực rỡ. Năm cấp ba ấy, bạn đã từng mong bản thân trở thành “nhân vật” gì của xã hội?
5. Bói tình yêu bằng tên
Thời ngây ngô ấy, làm gì có những thứ hiện đại như Internet để mà lên google search một phát là ra hàng trăm hàng ngàn kiểu bói tình yêu khác nhau. Bởi vậy, cô gái chàng trai 8x 9x nếu mà lỡ thương nhau, cũng chỉ biết cầu mong cho sự hòa hợp của cả hai đạt đến con số 100%…. qua việc bói tên. Càng hòa hợp thì con số ấy sẽ càng tăng, và hẳn là cô nàng nào cũng rất vui khi “crush” của mình lại hòa hợp với mình tận 100% đúng không? Hầu như đi đâu, từ cấp ba sang cấp hai, cứ lỡ thinh thích ai, là sẽ đem tên của mình và người ấy ra mà gạch gạch bói bói. Vậy mà vui hẳn ra nhỉ?
6. Tiệm băng đĩa, cuốn băng, đồ quay cuốn băng
Một chi tiết nhỏ trong Em gái mưa vừa xuất hiện, khán giả dường như được trở về thuở thiếu thời với những ngày chạy xe nhanh ra tiệm băng, thuê cuốn băng và đồ quay về, chỉ để xem được những bộ phim kiếm hiệp Kim Dung hay một tập của Hoàn Châu Cách Cách. Không có Internet, không có smartphone, cuốn băng lúc ấy là cả một thế giới giải trí của thế hệ 8x 9x. Đồ quay băng cũng quan trọng không kém. Vừa chẳng tốn công ra tiệm phim, vừa có thể dùng để tua lại đoạn nào hay muốn xem.
7. Điện thoại đập đá
Những năm 2000, điện thoại đập đá là cả một gia tài với một người trẻ. Điện thoại đập đá thì chỉ có nhắn tin và gọi điện, con người trao đổi bằng cách tiếp xúc trực tiếp, trò chuyện với nhau, hiếm khi dùng điện thoại vì đâu phải ai cũng có. Bởi thế mà sự thân thiết giữa người và người cao hơn hẳn, điện thoại chỉ còn là một công cụ để người ta liên lạc nhau, không phải là một vật quá mức cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Những năm ấy, sống vậy mà thấy thân thương quá!
8. Bút xóa vẽ lên bàn
Ngày đó, nói hộ giấc mơ của những người trẻ không phải là chiếc loa phát thanh của trường, hay cánh phượng hồng, đó lại là cây bút xóa. Ngoài công dụng xóa những chỗ viết sai trong từng quyển tập, bút xóa còn vẽ lên giấc mơ của họ - những giấc mơ mà người lớn tưởng chừng như viển vông, nhưng với họ là cả một câu chuyện và hành trình tương lai phía trước. Như Hà Vy trong Em gái mưa, cô dùng bút xóa để ghi lại việc mà mình muốn làm nhất - ngồi trên khinh khí cầu, bay cao giữa bầu trời, và cuối cùng cô cũng đã thực hiện được ước mơ ấy.
Em gái mưa chỉ gói gọn trong khoảng 2 giờ đồng hồ, vậy mà tinh ý một chút thôi, ta sẽ nhận ra được có biết bao kỷ niệm tuổi thơ xuất hiện. Điều này cũng chứng minh cho sự quan tâm và chăm chút kỹ lưỡng của đoàn làm phim cho công tác chuẩn bị. Dù còn nhiều khuyết điểm trong bố trí tình tiết, nhưng Em gái mưa vẫn xứng đáng là lựa chọn cho khán giả vào những lúc giải trí.