Sau chuỗi thành công xen lẫn thất bại của X-Men: Days of Future Past, Fantastic Four và Deadpool, 20th Century Fox dường như đã biết cần phải làm gì đối với các tác phẩm của mình để không bị tụt lại trong cuộc đua ở mảng siêu anh hùng. Và X-Men: Apocalypse đã chứng tỏ rằng X-Men vẫn là một thương hiệu hàng đầu thế giới.
Gần 10 năm sau các sự kiện trong X-Men: Days of Future Past, mỗi người trong nhóm X-Men đều đã có một cuộc sống riêng. Charles Xavier (James McAvoy) mở trường học dành cho các dị nhân trẻ, Erik Lensherr (Michael Fassbender) rửa tay gác kiếm, xây dựng gia đình riêng, Mystique (Jennifer Lawrence) lưu lạc “giang hồ”… Những tưởng thế giới đã tạm bình yên, thế nhưng, Apocalypse (Oscar Isaac) - gã dị nhân đầu tiên và cũng là hùng mạnh nhất trong lịch sử - sau hàng ngàn năm ngủ vùi nay đã trở lại. Hắn chiêu mộ cho mình nhóm tứ kị sĩ gồm Storm (Alexandra Shipp), Angel (Ben Hardy), Psyloke (Olivia Munn) và Magneto cùng với âm mưu hủy diệt toàn bộ thế giới loài người. Một lần nữa, giáo sư X cùng với các đồng đội cũ của mình và lớp học trò mới phải đứng lên chiến đấu để bảo vệ cho cả nhân loại.
Toàn bộ dàn diễn viên chủ đạo của X-Men: First Class đều trở lại với vai diễn của mình. Ngoài ra phim còn có thêm sự góp mặt của Sophie Turner, Tye Sharidan, Olivia Munn lần lượt thủ vai Jean Grey, Cyclops và Psylocke cùng khá nhiều diễn viên trẻ trong vai các dị nhân mới. Cũng như các phần phim trước mà mình tham gia, cả Giáo sư X lẫn Mageto của James McAvoy và Michael Fassbender đều diễn tả được nội tâm sâu sắc của mình nhờ vào tài năng diễn xuất đã được khẳng định. Đối với Magneto, nỗi đau mất mát quá lớn khiến anh về phe Apocalypse, đi theo con đường hủy diệt loài người nhưng sâu bên trong anh vẫn còn chút điều thiện sót lại, vẫn tranh đấu tới cùng để hướng anh trở lại với nẻo ngay. Người xem có thể dễ dàng liên tưởng tới hình ảnh của chúa tể Darth Vader (Star Wars) huyền thoại trong con người của Magneto. Còn với Giáo sư X, anh vẫn luôn phải cảm nhận và chịu đựng nỗi đau của người khác khi kết nối với họ qua Cerebro. Anh hiểu được mỗi người đều có mặt tối, nhưng dù thế nào, anh vẫn quyết tâm bảo vệ nền hòa bình và sự kết nối giữa hai giống loài dị nhân và người thường. Tham vọng xây dựng một ngôi trường tồn tại cả hai loài của anh là minh chứng cho mong muốn đó. Ngay cả Mystique và Beast cũng đã trưởng thành hơn phần trước và trở thành người dẫn đường cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, X-Men: Apocalypse cũng tập trung khá nhiều vào phần giới thiệu dàn dị nhân mới, những người đóng vai trò chủ đạo trong các phần phim tương lai. Trong số đó thì Jean Grey của Sophie Turner chính là điểm sáng nhất. Với năng lực ngoại cảm, Jean cũng phải chịu chung nỗi đau như Giáo sư X khi cô có những “giấc mơ tiên tri” mạnh mẽ và đáng sợ. Đồng thời, cô còn phải vật lộn để kiềm chế sức mạnh to lớn của mình trước sự kỳ thị của chính các dị nhân khác. Dù còn khá trẻ nhưng Sophie Turner đã diễn tả hoàn toàn một người có quá nhiều vấn đề tâm lý như Jean Grey. Một nhân vật phụ gây được ấn tượng khác là Quicksilver (Evan Peters) nhờ tính cách hài hước và màn xuất hiện quá “bá đạo”. Trong khi đó, Nightcrawler của Kodi Smit-McPhee lại có những hành động dễ thương, ngây thơ trái ngược với vẻ bề ngoài gai góc.
Tuyến phản diện cũng là một điểm nhấn của phim. Apocalypse của Oscar Isaac là một kẻ ác xứng tầm với sức mạnh khủng khiếp và có khả năng làm nên chuyện. Không những thế, hắn còn có tư tưởng “hủy diệt để làm lại từ đầu” khó có thể tranh luận đúng hay sai. Apocalypse liên tục thể hiện tư tưởng này và khả năng xoay chuyển tâm lý con người suốt phim. Tuy nhiên, màn trình diễn sức mạnh của hắn ở cuối phim lại chưa thỏa mãn được khán giả ưa những cảnh hành động hoành tráng, và nhân vật phản diện này có vẻ hơi quá… tin người.
Rút kinh nghiệm từ phần trước, X-Men: Apocalypse tiếp tục đánh mạnh vào mặt tâm lý. Những hình ảnh flash-back của quá khứ được khéo léo đưa vào không chỉ làm người xem thấy thích thú và còn đóng vai trò rất lớn cho việc phát triển nội tâm của nhân vật. Ngoài ra, phim không thiếu những tình huống gây cười để người xem cảm thấy bớt căng thẳng và nặng nề. Đặc biệt, đoạn xuất hiện chớp nhoáng của Wolverine để lại cảm xúc lắng đọng cho khán giả.
Vốn nổi tiếng về mặt kĩ xảo, X-Men: Apocalypse lại tiếp tục làm hài lòng người xem về “phần nhìn” vô cùng mãn nhãn. Quyền năng to lớn của Apocalypse, Magneto cho tới những tia sét của Storm, Cyclops hay lưỡi dao tâm linh của Psyloke đều được chăm chút kĩ lưỡng khiến cuộc chiến giữa các dị nhân với nhau trở nên hoành tráng và ác liệt hơn bao giờ hết. Hơn nữa, phần nhạc phim kết hợp uyển chuyển giữa nhiều loại nhạc (pop, rock, giao hưởng) cũng đã đóng góp một phần không nhỏ cho thành công của bộ phim khi khiến các trường đoạn chiến đấu hay bộc lộ cảm xúc của nhân vật trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cốt truyện không mới nhưng có nhiều điểm nhấn của X-Men: Apocalypse chắc chắn sẽ khiến cho khán giả không thể rời mắt khỏi màn hình.
Dù ra đời đầu tiên, nhưng có lẽ X-Men lại hụt hơi so với The Avengers của Marvel Studios và Justice League của Warnes Bros trong cuộc đua giữa các phim về nhóm siêu anh hùng. Tuy nhiên, X-Men: Apocalypse là một phim tuyệt vời và hoàn toàn có thể giúp Fox giành lại được vị thế của mình. Khán giả đang mong chờ phần phim này sẽ tái thiết lại toàn bộ vũ trụ X-men theo hướng mới mẻ, chính xác và dễ hiểu hơn so với các phần phim trước đó.
Xem thêm >>> Những X-Men bị… ‘dìm hàng’ thê thảm khi lên phim
Xếp hạng các phần X-Men: ‘Apocalypse’ sẽ là bộ phim hay nhất?
‘Ngôi nhà cho những đứa trẻ không tưởng’ - trường học X-men phiên bản kinh dị
Nàng Mystique lại suýt… vấp ngã trong buổi ra mắt phim ‘X-men: Apocalypse’