Phim Ảnh

Vì sao 'Tây Du Ký' là tác phẩm được làm lại và chiếu lại nhiều nhất?!

Phương Thảo
Chia sẻ

Dù chọn tình huống, nhân vật cũng như câu chuyện để khai thác và phát triển không giống nhau, nhưng những tác phẩm làm lại đều tạo sức hút nhờ kĩ xảo tân tiến, hợp thời, dẫu chưa phiên bản nào thực sự để lại dấu ấn như "Tây Du Ký" bản năm 1986.

Mỗi năm, những phiên bản điện ảnh Tây Du Ký khác nhau lại nhận không ít sự đón chờ của người xem. Các phiên bản chuyến hành trình của bốn thầy trò Đường Tăng luôn đổi mới, đa dạng về nội dung, kịch bản, cũng như tạo hình nhân vật.

Sức ảnh hưởng của “Tây Du Ký” và phiên bản truyền hình “kinh điển” năm 1986

Tây Du Ký là tiểu thuyết kinh điển trong văn học Trung Hoa, được cho là của học giả Ngô Thừa Ân, thuật lại hành trình nhà sư Đường Huyền Trang cùng các học trò đi lấy kinh. Tác phẩm đã chuyển thể thành nhiều phiên bản truyền hình, điện ảnh khác nhau, trong đó, bản Tây Du Ký năm 1986 gây tiếng vang lớn, trở thành di sản, niềm tự hào của văn hóa Trung Hoa.

Ra đời vào những năm 1980 với kĩ xảo còn thô sơ, lạc hậu, Tây Du Ký phiên bản 1986 vẫn trở thành một tác phẩm kinh điển. Vượt qua nhiều mốc thời gian, cho đến nay, phim vẫn được đón nhận bởi khán giả từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Với nội dung là chuyến hành trình của bốn thầy trò Đường Huyền Trang, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, Tây Du Ký không gây nhàm chán, khi kể về những cuộc trừng trị yêu quái, giải cứu nhà sư Đường Tăng, dẹp loạn giúp dân lành. Đặc biệt, mỗi nhân vật đều có tạo hình, tính cách rõ ràng, riêng biệt. Đây cũng là lý do khiến Tây Du Ký phiên bản 1986 trở thành bộ phim truyền hình được phát sóng lại nhiều nhất trên màn ảnh nhỏ.

 Không những vậy, bước ra ngoài màn ảnh nhỏ, các nhân vật trong Tây Du Ký cũng nhận được nhiều tình cảm từ phía người xem. Đường Tăng, Sa Tăng, Trư Bát Giới hay Tề Thiên Đại Thánh là một trong số những nhân vật giả tưởng nổi tiếng và được yêu thích nhất từ thời điểm phim phát sóng cho đến ngày nay. Đặc biệt, vai diễn Mỹ Hầu Vương do Lục Tiểu Linh Đồng đảm nhận trở thành tạo hình kinh điển, chưa một phiên bản nào có thể vượt qua; nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng cuộc sống và sự nghiệp của nam diễn viên.

Thậm chí, vai diễn thành công trong Tây Du Ký phiên bản 1986 tạo cái bóng quá lớn, khiến bản thân Lục Tiểu Linh Đồng không thể thoát khỏi chính mình. Ở tuổi 60, hình ảnh nam diễn viên múa gậy, diễn khỉ, với nét mặt không còn tinh lanh, cử chỉ không còn nhanh nhạy khiến khán giả vài phần chán ngán nhưng không khỏi xót xa. Suốt một đời, ông chỉ có một vai diễn duy nhất, cho đến nay vẫn bấu víu hào quang từ quá khứ.

Như vậy, có thể nói, tiểu thuyết Tây Du Ký cũng như phiên bản truyền hình năm 1986 đã có sức ảnh hưởng quá lớn, khiến khán giả Trung Quốc, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam đều dành tình cảm cho bộ phim và bốn thầy trò Đường Tăng. Chính vì thế, các nhà làm phim có thể tranh thủ sự nổi tiếng từ nguyên tác, gây ấn tượng với người xem ngay từ khi công bố sản xuất, từ đó dễ dàng tiếp cận người hâm mộ.

Hành trình “Tây Du Ký” và muôn vàn câu chuyện có thể khai thác

Nguyên tác phim truyền hình Tây Du Ký gồm 2 phần với 41 tập phim, kể về chuyến hành trình gian nan, vượt qua hàng chục kiếp nạn của bốn thầy trò Đường Tăng. Tại đó, mỗi vùng đất, mỗi loài yêu quái lại mang những câu chuyện riêng. Không những vậy, xuất thân và tính cách mỗi nhân vật cũng là “tài nguyên” có thể khai thác. Nếu Sa Tăng hiền lành, cần cù nhẫn nại; Trư Bát Giới tượng trưng cho tính tham và dục; Tôn Ngộ Không đại diện lý trí, cùng 72 phép thần thông; thì Đường Tăng là con người giàu lòng từ bi, nhân hậu, quyết tâm tu hành vượt qua cám dỗ, nhưng tính cách có phần nhu nhược.

Từ 2 phần với 41 tập phim ở bản truyền hình, nhiều bộ phim điện ảnh đã được làm lại với nội dung độc lập, kịch bản mới lạ, hấp dẫn. Các tác phẩm hiện đại có thể khái quát hành trình của bốn thầy trò dưới một góc nhìn mới lạ, hoặc khai thác và xoáy sâu vào những số phận, câu chuyện hay mối quan hệ riêng lẻ.

Những hình ảnh trong “Tây du ký phần 1: Nguyệt quang bảo hợp”.

Những tác phẩm làm lại được khai thác đa dạng, phong phú. Năm 1995, trong Tây du ký phần 1: Nguyệt quang bảo hợp, phim bắt đầu bằng thân phận Chí Tôn Bảo thời hiện đại - hậu thân của Tề Thiên Đại Thánh, hay ở Tây Du Ký: Mối tình ngoại truyện (2014), bộ phim xoáy sâu vào phần rất “đời”, rất “người” của các nhà sư: tình cảm đôi lứa. Còn đối với Ngộ Không kỳ truyện (2017), Tề Thiên Đại Thánh mang tư tưởng con người làm chủ vận mệnh, không phụ thuộc vào ý trời hay duyên số: “Trời áp bức ta, ta chẻ đôi bầu trời. Đất cản lối ta, ta đạp bằng mặt đất”.

“Ngộ Không kỳ truyện” (2017).

Đặc biệt, trong tác phẩm làm lại Tây Du Ký ra rạp vào dịp Tết Nguyên đán năm nay Tây du ký: Nữ Nhi Quốc (2018), chuyện tình đẹp đẽ, trong trẻo và đầy ý nhị giữa Đường Tăng và Nữ vương của Tây Lương Nữ Quốc từng khiến bao người hâm mộ tiếc nuối đã được khai thác sâu hơn. Chọn một tình huống rất đắt ở nguyên tác để phát triển thành bộ phim trên màn ảnh rộng, vừa là hướng đi thông minh, vừa là thử thách không nhỏ đối với nhà làm phim.

Chuyện tình giữa Đường Tăng và Nữ vương của Tây Lương Nữ Quốc từng khiến bao người hâm mộ tiếc nuối ở phiên bản 1986.

Dù chọn tình huống, nhân vật cũng như câu chuyện để khai thác và phát triển không giống nhau, nhưng những tác phẩm làm lại đều tạo sức hút nhờ kĩ xảo tân tiến, hợp thời, dẫu chưa phiên bản nào thực sự để lại dấu ấn như Tây Du Ký bản 1986. Vì thế, bên cạnh tính đổi mới, sáng tạo, Tây Du Ký “đời sau” vẫn ít nhiều giữ lại nét đặc trưng, cũng như tư tưởng hướng thiện mà khán giả yêu mến ở nguyên tác.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất