Thời gian gần đây ngày càng có nhiều ngôi sao Hoa Ngữ đơn phương hủy hợp đồng đại diện của các thương hiệu, điều này đã gây sự chú ý đối với cư dân mạng.
Chiều ngày 13 tháng 8 năm nay, studio Trương Nghệ Hưng đã có bài phát biểu về sự không rõ ràng và lên án Samsung Electronics Global Network, đồng thời tuyên bố hủy bỏ quan hệ hợp tác của nam diễn viên với Samsung Electronics Global Network. Hành động này của Trương Nghệ Hưng đã được cộng đồng mạng và fan hâm mộ tích cực ủng hộ.
Cũng trong ngày này, có cư dân mạng phát hiện trang web chính thức của Swarovski đặt Hong Kong là country, ngay lập tức Giang Sơ Ảnh đã đưa ra thông báo giải thể hợp đồng với lý do: từ trước đến nay nữ diễn viên vẫn luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền Trung Quốc và toàn vẹn lãnh thổ, bất kỳ thời khắc nào sự thần thánh về chủ quyền Trung Quốc và toàn vẹn lãnh thổ đều bất khả xâm phạm.
Với sự phản ứng mang tính tốc độ thế này, Giang Sơ Ảnh nhận được sự khen ngợi của đông đảo dân mạng Trung Quốc. Trước đó, Giang Sơ Ảnh đã hợp tác với thương hiệu này một thời gian rất dài, khó khăn lắm nữ diễn viên mới trở thành người đại diện cho Swarovski ở khu vực Châu Á. Nhưng là một người đại diện cho công chúng, đứng trước lợi ích cá nhân, nữ diễn viên vẫn phải lựa chọn hủy bỏ tất cả, đặt Trung Quốc lên hàng đầu.
“Trào lưu” hủy hợp đồng đại ngôn của các ngôi sao có lẽ được khơi nguồn từ hàng loạt các vụ việc nhầm lẫn về địa lý của các thương hiệu nổi tiếng.
Tháng 8 năm 2019, Versace đã thiết kế một chiếc áo phông, liệt kê tên các quốc gia trên thế giới ở mặt sau chiếc áo này. Nhưng điều đáng nói ở đây, là Versace đã đưa Macau và Hong Kong lên cấp quốc gia. Versace đã liệt kê tên các thành phố và quốc gia bằng tiếng anh, bao gồm Milan - Italy, Boston - USA, nhưng lại có Hong Kong - Hong Kong, Macau - Macau mà không phải China - Trung Quốc.
Hai tiếng đồng hồ sau khi xảy ra sự việc, Studio Dương Mịch đã gửi thông báo hủy hợp đồng đại diện với thương hiệu Versace đồng thời lên tiếng xin lỗi công chúng trước cả thương hiệu này.
Hành động của Dương Mịch được công chúng Trung Quốc ủng hộ nhiệt liệt, ngày 11 tháng 8, Versace đã đưa ra xin lỗi về sự việc này đồng thời thông báo chiếc áo trên đã bị gỡ xuống và tiêu hủy.
Sau Versace, Coach cũng bị phát hiện và nghi ngờ ngầm đưa Hong Kong, Taiwan lên cấp quốc gia.
Ngày 12 tháng 8, Lưu Văn - ngôi sao đại diện cho thương hiệu này đã đưa ra thông báo trên weibo về việc hủy hợp đồng đại ngôn với Coach.
Sau đó, Coach cũng đưa ra lời xin lỗi.
Sự việc tương tự cũng xảy ra với thương hiệu Givenchy khi đã để Hong Kong, Taiwan độc lập cùng cấp bậc với các nước Pháp, Mỹ…
Trưa ngày 12 tháng 8, Studio Dịch Dương Thiên Tỉ cũng đưa ra thông báo hủy hợp đồng đại diện, đồng thời chấm dứt mọi quan hệ hợp tác với Givenchy.
Sự nhầm lẫn về địa lý trên thiết kế áo phông liên tiếp được “lên men” ở các thương hiệu lớn, điều đó khiến cư dân mạng nhớ lại vụ việc “làm nhục người Hoa” của Dolce & Gabanna vào năm 2018. Thương hiệu này đã sản xuất một video quảng cáo, trong đó có một người mẫu Châu Á ăn mỳ ống bằng đũa. Video quảng cáo này sau đó đã bị chỉ trích là mang tính phân biệt đối xử với người Châu Á. Thương hiệu này sau đó cũng đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên lời xin lỗi muộn màng được coi là không thỏa đáng và không nhận được sự chấp thuận của dư luận.
Hậu quả là thương hiệu D&G bị tẩy chay tập thể ở Trung Quốc, các chương trình lớn bị hủy bỏ, hàng chục ngàn sản phẩm thiết kế của D&G bị gỡ xuống khỏi các trang web ở Trung Quốc. Theo báo cáo quý I năm 2019 của D&G, sự tham gia của truyền thông vào thương hiệu này đã bị giảm 98% so với cùng kỳ (kết quả thống kê từ BOF).
Cũng có thể là “bài học” từ D&G năm ngoái, cho nên năm nay các thương hiệu ngay lập tức đưa ra lời xin lỗi và hành động thích đáng khi xảy ra sự việc.
Chúng ta đều biết, khi đơn phương hủy hợp đồng đại diện thương hiệu, người chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là bản thân các ngôi sao. Đầu tiên, minh tinh sẽ phải bồi thường thiệt hại cho đối phương về việc vi phạm hợp đồng gấp 5-10 lần giá trị hợp đồng. Chẳng hạn như Lưu Văn, theo dự đoán Lưu Văn có thể phải trả 160 triệu NDT (644 tỷ đồng) cho việc hủy hợp đồng đại diện với Coach, còn cái giá mà Dương Mịch và Dịch Dương Thiên Tỉ phải bồi thường dao động từ 80-130 triệu NDT.
Thứ 2, hành động đơn phương hủy bỏ hợp đồng có thể sẽ khiến các thương hiệu khác thận trọng khi có ý định mời các ngôi sao này làm đại diện cho thương hiệu của mình. Nhưng vì sao vẫn có nhiều ngôi sao chủ động hủy hợp đồng đại diện thương hiệu như vậy?
Người Trung Quốc khó có thể chịu đựng sự phân chia chủ quyền quốc gia và các lãnh thổ khác trong khu vực. Vấn đề này được xem như một vấn đề cực kỳ nhạy cảm tại Trung Quốc, họ không bao giờ khoan nhượng cho bất cứ ai thách thức chủ quyền của họ.
Là đại diện cho công chúng, các ngôi sao nổi tiếng hiểu rõ điều này và hậu quả mà nó mang lại, có lẽ bởi vậy nên bất luận mức thiệt hại thế nào thì họ vẫn luôn phải đặt lợi ích Trung Quốc lên hàng đầu. Bên cạnh đó, việc đại diện cho một thương hiệu có scandal xấu hay dính phốt lớn thì người nghệ sỹ cũng phải chịu ảnh hưởng tương tự vì họ là “gương mặt” được ủy thác bởi thương hiệu đó.
Trên thế giới, cũng có rất nhiều trường hợp ngôi sao phải vội vàng hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng với các thương hiệu nổi tiếng khi nhãn hàng gặp phải phốt phân biệt chủng tộc, bạo lực hay đụng chạm đến chính trị. Hoặc ít ra người đại diện, phát ngôn của thương hiệu phải lên tiếng khi đại ngôn của mình gặp phải sự cố gì xấu, chứ không được lãng tránh hay coi như không có gì xảy ra.
Nhận được cát sê của thương hiệu, trở nên giàu có và được danh tiếng nhờ sự yêu thích của công chúng, thế nên ngôi sao phải có trách nhiệm đến hai bên chứ không được im lặng làm ngơ khi có biến. “Im lặng là vàng” nhưng im lặng trong sự cố như thế này thì coi như là tiêu tan cả sự nghiệp của một minh tinh.