Trong danh sách theo dõi của Box Office Mojo, một chuyên trang khảo sát phòng vé, người đẹp 31 tuổi vừa thăng hạng đến vị trí thứ 10, vượt qua “trợ-thủ-của-Batman” Gary Oldman. Tính cả những vai chính và thứ chính, Johansson đã góp mặt trong nhiều siêu phẩm như The Avengers, Captain America: Winter Soldier và Jungle Book (lồng tiếng cho nàng rắn Kaa). Vai chính thành công nhất của nàng là Lucy trong bom tấn cùng tên, xếp hạng 7 trong danh sách cá nhân, dù vẫn thu về 463 triệu USD trên toàn thế giới.
Vậy còn “giá trị thương hiệu” của cô thì sao? Yếu tố này được ước định như thế nào?
“Giá trị thương hiệu” chính là giá trị một cá nhân có thể đem lại cho một bộ phim cụ thể. Sức hút của Johnny Depp trong vai Captain Sparrow đương nhiên sẽ khác biệt hoàn toàn so với khi ông đóng cho The Rum Diaries. Vậy những chỉ số “thương hiệu” nhắm tới việc định giá cho một diễn viên trong những bộ phim mới và xa lạ, những bộ phim chưa có danh tiếng. Đây là kiểu thông tin giàu giá trị thương mại mà người trong ngành thường giấu kín, tuy vẫn được thống kê trong những chuyên trang khảo sát online như The Numbers. Tính đến hết năm 2015, cái tên “đáng giá” nhất trong ngành công nghiệp phim ảnh là đạo diễn Steven Spielberg, theo sau là nam diễn viên Samuel L Jackson (người cũng xếp hạng 2 sau Harrison Ford trong bảng xếp hạng doanh thu), ngay trước “cây hài” Adam Sandler.
Phải tới vị trí thứ 20 thì kiều nữ đầu tiên, Angelina Jolie Pitt mới xuất hiện, nối gót là Sandra Bullock hạng 21. Scarlett Johansson vắng mặt trong top 35. Tuy vậy, nàng Black Widow hẳn cũng nguôi ngoai khi được tạp chí Forbes nhận định là nguồn đầu tư sinh lời tốt thứ 3 chỉ sau đội trưởng Mỹ Chris Evans và thiên nga đen Mila Kunis (dựa trên tỉ lệ doanh thu/thù lao diễn xuất).
Sự chênh lệch về giới tính của cả hai bảng xếp hạng liệu có đáng lo ngại?
Dưới một góc nhìn, những số liệu này không phản ánh hoàn toàn hành vi của khán giả. Nhiều sao nam có thứ hạng cao trong danh sách doanh thu của Box Office Mojo đều được “hưởng lợi” từ những vai nhỏ trong nhiều siêu phẩm bom tấn như Ford, Jackson và Morgan Freeman. Johansson cũng không phải ngoại lệ, khi tham gia những tác phẩm siêu anh hùng mà “hiệu ứng người hâm mộ” luôn áp đảo dù diễn viên có là ai đi chăng nữa. Nhưng, ở tuổi 31, sự nghiệp của nàng đã phát triển với một tốc độ chóng mặt so với nữ giới. Hai tài tử “trẻ tuổi” nhất trong top là Johnny Depp và Tom Cruise đều bước sang tuổi 53, trong khi Freeman và Michael Caine đã 79 và 83 tuổi.
Vậy những nữ ứng viên khác đâu hết rồi? Một nghiên cứu của Polygraph được thực hiện bởi Hannah Anderson và Matt Daniels đã cho thấy số lượng câu thoại của nữ diễn viên độ tuổi 42-65 đã giảm đi nhanh chóng, trong khi bên “cánh đàn ông” thì lại tăng đột biến. Kết luận: Cơ hội diễn xuất của phái nữ sẽ “bốc hơi” nhanh chóng sau tuổi 40.
Liệu có sự chênh lệch giới tính trong khán giả không? Đàn ông liệu có đi xem phim nhiều hơn nữ giới?
Câu trả lời là không. Những số liệu năm 2015 của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ cho thấy tỉ lệ khán giả hai giới đi xem phim là gần sát 50/50. Nhưng những bộ phim riêng rẽ thì thu hút “phe này” nhiều hơn “phe kia”. Trong 100 khán giả đi xem Star Wars: The Force Awakens, nam giới chiếm 58; trong khi bên rạp Inside Out thì “tỉ số” là 54/46 nghiêng về phái đẹp.
Liệu những định kiến của Hollywood cần được can thiệp?
Nhắc đến những tựa phim Pitch Perfect 2, Mad Max: Fury Road và Fifty Shades of Grey, tạp chí Variety đã giật tít: “Phim về phái nữ vẫn kiếm tiền tốt, nhưng tại sao chúng không được sản xuất nhiều hơn nữa?”. Peggy Rajski, trưởng bộ phận sản xuất phim của Đại học New York đã chỉ ra rằng “những con số tự nói lên tất cả, không phải chỉ có phụ nữ mới đi xem những tựa phim trên”. Vậy nên họ chẳng cần bận tâm nhắc nhớ tới lãnh địa riêng nhỏ bé của phái nữ giữa ngành công nghiệp đồ sộ này.
Huyền thoại Meryl Streep, người từng giành được vô số giải thưởng về diễn xuất, đã dám nói dám làm khi quyên góp vào chương trình hỗ trợ viết kịch bản cho những nữ diễn viên trên 40 tuổi, sau khi xác định rõ rằng sự thiếu hụt biên kịch nữ chính là vấn đề từ gốc rễ. Một email bị lộ ra từ hãng phim Sony cho thấy những nhà sản xuất sẵn sàng nhượng bộ trước sự chênh lệch thù lao so với giới tính, và vì thế đối xử với phụ nữ như một “giai cấp” thấp kém hơn. Chỉ những tên tuổi lớn như Jennifer Lawrence và Charlize Theron mới đủ sức phản kháng và giành lại công bằng cho mình. Những chiến dịch như We Do It Together (kêu gọi đấu tranh giành lại nữ quyền trong điện ảnh và truyền thông) đang cố gắng đem lại nhiều cơ hội cho họ hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để cho thấy được sức ảnh hưởng.