Phim Ảnh

Từ Spotlight, Silenced đến Hope: Điện ảnh đã chống lại tội ác ấu dâm như thế!

Minh Phúc – Đỗ Duyên
Chia sẻ

Bạo lực tình dục trẻ em luôn là vấn đề nhức nhối của mọi xã hội mà không phải lúc nào, pháp luật cũng có thể bảo vệ người bị hại và không phải lúc nào, cũng được xã hội quan tâm đúng mực.

Ấu dâm là đề tài khó khai thác trong điện ảnh bởi bản chất của nó vốn gây ra căm phẫn và đau đớn cho người xem. Cũng chính vì vậy mà đây cũng là chủ đề dễ chạm đến cảm xúc của tất cả khán giả ở mọi nền văn hoá. Những bộ phim như Spotlight (2015), The Celebration (1998),… đã từng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về nạn ấu dâm. Và nối tiếp tại châu Á với Hope (2013), Silenced (2011),…

Dựa trên những câu chuyện có thật

Nếu Spotlight từng làm cả thế giới chấn động khi giành giải Oscar cho bộ phim hay nhất hồi 2016. Thì câu chuyện đằng sau đó mới càng khiến người ta sửng sốt. Dựa trên sự kiện nhóm nhà báo của tờ Boston Globe vào 2003 đã phanh phui bí mật ấu dâm kéo dài 34 năm trong hệ thống nhà thờ Mỹ. 249 kẻ đội lốt linh mục đã lạm dụng hàng trăm trẻ em mà hoàn toàn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Nhóm nhà báo trong Spotlight (2015)

Trong khi đó, The Celebration lại kể về tội ác ấu dâm của chính người bố doanh nhân thực hiện với 2 người con của mình - một cặp anh em song sinh. Sau khi em gái tự sát, người anh đã đứng lên tố cáo bố mình. Không ai tin vào câu chuyện đó, cho đến khi bức thư tuyệt mệnh của cô em gái được đưa ra.

Người thầy đi tìm công lý trong Silenced (2011)

Nhưng sự cay nghiệt không dừng ở đó. Những thước phim u tối của Silenced (2011), đã khiến khán giả ngỡ ngàng, khi mà kẻ thủ ác đã không tha cho cả những đứa trẻ khuyết tật! Suốt từ năm 2000 - 2005, tại trường học dành cho trẻ khiếm thính thành phố Gwangju (Hàn Quốc), những đứa trẻ không thể nghe và nói đã bị những con thú - dưới vỏ bọc thầy cô giáo - bạo hành, lạm dục tình dục; trong câm lặng. Cách duy nhất để các em giao tiếp là ký hiệu - thứ ngôn ngữ đã cứa vào lòng người xem.

Vốn là một đề tài quá đau đớn, hầu như khó có thể khiến những thước phim trên trở nên tươi sáng hơn. Tác phẩm Hope cũng bắt đầu với sự u ám ấy. Dựa trên vụ án Nayoung xảy ra năm 2008. Cô bé 8 tuổi bị 1 kẻ say rượu cưỡng hiếp. Kẻ thủ ác bị bắt nhưng chỉ bị phán 12 năm tù vì: “Tôi không nhớ gì” - gã nói. Từng gây rúng động dư luận Hàn Quốc và là nỗi nhục của quốc pháp. Hope kể về quá trình hồi phục chấn thương tâm lý của cô bé, khi mà bất kỳ người đàn ông nào - kể cả bố mình - tiến lại gần cũng khiến cô sợ hãi. Chỉ đến cuối phim, nỗi đau mới được phần nào xoa dịu khi cô gái bé nhỏ nhận ra bố mình.

Đấu trí và Xúc cảm

2 mảng phương Tây và phương Đông giao hoà

Có thể nhận thấy các tác phẩm ấu dâm của phương Tây có xu hướng thiên về việc tìm ra công lý, hành trình khám phá sự thật. Trong đó, pháp luật đóng một phần vô cùng quan trọng. Pháp luật trừng trị kẻ phạm tội, bắt chúng trả giá. Còn trong các tác phẩm đề tài ấu dâm của phương Đông, cảm xúc là trọng tâm và được đẩy lên cao nhất. Nỗi đau của nạn nhân, của người thân trước, trong và sau khi tội ác diễn ra; sự thờ ơ của xã hội, sự trâng tráo của kẻ tội phạm thú vật. Cảm xúc khiến người xem ức nghẹn, cay đắng, căm phẫn; khiến họ nhận ra nỗi đau này là có thật, là tội ác; chúng không xa vời, chúng hiện hữu ở khắp mọi nơi, trong từng phút trôi qua.

The Celebration là tác phẩm Đan Mạch, có tên gốc là Festen. Bộ phim đoạt giải Ban giám khảo LHP Cannes (1998).

Những tác phẩm đề tài ấu dâm ở phương Đông thường u ám với những thước phim lột tả chân thực đến kinh hoàng. Không khí ma mị bao phủ khắp các khung hình. Có lẽ bởi vì luật pháp tại các quốc gia phương Đông về ấu dâm chưa thực sự mạnh mẽ. Trẻ em Châu Á cũng có xu hướng khép mình hơn trẻ em các quốc gia phương Tây nên việc phát giác cũng khó khăn hơn.

Tuy nhiên tựu chung lại, tất cả những bộ phim về đề tài ấu dâm đều chỉ ra một sự thật rằng: Mọi trẻ em bị bạo hành tình dục đều-cần-sự-giúp-đỡ. Tổn thương thể xác sẽ hoá tổn thương tâm hồn, còn nỗi sợ sẽ hoá câm lặng.

Ai sẽ đấu tranh?

Một cảnh trong Silenced (2011).

Trong vụ án của Silenced, điều đáng căm phẫn là chỉ có 2 kẻ chịu án phạt từ 8 tháng đến 2 năm, 2 kẻ bị quản chế, còn lại thoát tội. Năm 2007, 2 người nữa bị đưa ra toà, trong đó có hiệu trưởng. Vậy mà năm 2008, một số kẻ còn được nhận trở lại trường. Chỉ khi Silenced ra đời, 6 năm sau, sự phẫn nộ của 4 triệu người xem mới khiến ngôi trường đóng cửa và 20 trẻ em ở đây được chuyển đến nơi khác.

Vậy là dù tội ác ấu dâm có gây ra bao nhiêu hậu quả khủng khiếp, kẻ phạm tội vẫn có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hoặc chịu một sự trừng phạt nhẹ nhàng, thậm chí không bị trừng phạt như trong Spotlight. Chỉ khi dư luận phẫn nộ, hàng triệu người cùng lên tiếng, tình hình mới thay đổi. Nhưng ai sẽ đấu tranh đây? Xã hội - đôi khi nghĩa là không ai cả.

Có lẽ sẽ mất khá lâu để điện ảnh Việt Nam quan tâm và khai thác đề tài nhạy cảm này. Nhưng giống như Hope, hy vọng luôn tồn tại, trong cả những tình cảnh tăm tối nhất. Vậy thì hãy cứ đấu tranh, và không ngừng hy vọng. Điện ảnh có thể tạo nên thay đổi - như Silenced đã từng.

Chia sẻ

Bài viết

Minh Phúc – Đỗ Duyên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất