Mới đây bộ ảnh của Nàng thơ Xứ Huế - Ngọc Trân đang gây nên một cơn sốt trong cộng đồng mạng, nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau khi bộ ảnh được đăng tải., cộng đồng mạng đã lập tức chia thành 2 luồng ý kiến rõ rệt: trong khi một số ít ủng hộ thì còn lại, đông đảo cư dân mạng đều lên án bộ ảnh trên vì rất nhiều lí do.
Trước hết, chúng ta hãy cùng đi vào những chia sẻ của chính Ngọc Trân về bộ ảnh này: “Lấy cảm hứng từ bộ phim Diên Hi Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện đang được trình chiếu, Trân nhận thấy rằng trang phục của họ cũng có nhiều nét tương đồng với áo dài xưa và các hoạ tiết hoa văn Cung đình Huế. Trân nghĩ rằng, trang phục Cung đình Huế cũng không thua kém gì trang phục của các phi tần trong phim cho nên Trân lập tức lên ý tưởng và tìm hiểu qua sách báo để thu thập những tài liệu về các hoa văn Cung đình để lấy ý tưởng và thực hiện bộ sưu tập áo dài đặc biệt này.”
Dưới góc nhìn cá nhân và khách quan nhất, ta hoàn toàn có thể thấy đây là một bộ ảnh mang hơi hướm cổ phong, chất vải rất đẹp, hoa văn tinh tế, nước ảnh nhã nhặn theo hướng cổ, mẫu lại càng không cần bàn cãi. Nhìn chung, nếu tác giả của bộ ảnh nói chung chung đây là bộ ảnh lấy cảm hứng cổ phong Á Đông thì đây sẽ là một bộ ảnh cực kì đẹp và mãn nhãn, và chúng ta không thể nào phủ nhận sự nỗ lực của ê kíp.
Cũng như qua chia sẻ của Ngọc Trân, ta có thể thấy rõ cô đã diễn đạt 2 ý: thứ nhất, đây là bộ ảnh lấy cảm hứng từ Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện, nhưng đồng thời cô cũng khẳng định đã tìm hiểu qua sách báo về trang phục và hoa văn cung đình Huế - triều đại nhà Nguyễn để thực hiện bộ ảnh này. Trong hai ý này thì phần quan trọng hơn cả rõ ràng chính là việc tái hiện lại về trang phục và hoa văn cung đình Huế.
Nhưng đáng buồn thay, từ đầu đến cuối bộ ảnh, từ khóa quan trọng nhất - “Cung đình Huế”, lại gần như không xuất hiện, có chăng cũng chỉ là chiếc áo ngũ thân nhưng cũng dễ bị lầm lẫn sang kì bào của nhà Thanh. Các trang phục còn lại, đều có ảnh hưởng rất rõ từ hai bộ phim cung đấu Thanh triều đình đám nhất hiện nay là Như Ý truyện và Diên Hi công lược. Khi một người thấy giống thì đó có thể là sự lầm lẫn, khi hai người thấy giống thì vẫn có thể là sự hiểu lầm, nhưng khi rất đông khán giả đều có thể thấy như vậy, đó không còn là một sự lầm lẫn nữa. Ảnh hưởng từ các dạng thức trang phục kì bào, cát phục cũng như các loại phục sức như điền tử, vân kiên của nhà Thanh là điều rất rõ ràng, ai cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường chứ chưa cần đến phân tích của người có chuyên môn.
Ở bức hình này, ta có thể thấy chiếc áo dài ngũ thân của Bảo Trân sử dụng màu tím giống chiếc kì bào mà nhân vật Nhàn Phi Na Lạp Thục Thận đang mặc. Bên cạnh đó, họa tiết chim phượng trên áo cùng hoa mẫu đơn không thể nào lầm lẫn vào đâu được. Ngũ thân là một trong những dạng thức áo đặc trưng của người Việt Nam, trong cung đình triều Nguyễn, áo ngũ thân được sử dụng như một loại tiện phục (áo dùng trong các dịp thường ngày) của các bậc hậu phi, tương tự với kì bào của triều đình Mãn Thanh.
Nếu gọi đây là “lấy cảm hứng” thì rõ ràng cần phải xem lại định nghĩa của từ “lấy cảm hứng” khi gần như bộ ảnh đã “bê y nguyên” kì bào của Cao Quý phi Cao Ninh Hinh trong Diên Hi công lược, từ màu áo xanh lá, hoa văn thêu hoa cúc màu vàng đến dạng thức áo xẻ tà đối khâm. Khó có thể nói bộ trang phục của nàng thơ là “lấy cảm hứng” trong khi khán giả có thể thấy 2 chiếc áo gần như giống nhau y đúc, có khác chăng cũng chỉ là chút tiểu tiết mà thôi. Và đặc biệt, phụ nữ trong cung đình triều Nguyễn không hề mặc áo xẻ tà phía dưới.
Đây lại là một trong những trang phục bị ném đá dữ dội nhất của toàn bộ sưu tập. Thứ nhất, ở chiếc “mấn” (tạm gọi là mấn vậy) bị cho là quá giống cấu tạo của một chiếc điền tử quan đính điểm thúy của nhân vật Kế hậu Ô Lạt Na Lạp Như Ý trong Như Ý truyện hoàn toàn không hề xuất hiện trong lịch sử Việt Nam. Thứ hai, lớp khoác ngoài màu tím chính là một dạng vân kiên của bộ sưu tập Trung Quốc trong khi triều Nguyễn không hề sử dụng vân kiên trên áo của phụ nữ cung đình.
Một trang phục tạm xem là tương đối ổn trong tổng thể bộ sưu tập.
Trang phục cung đình Huế, đặc biệt là của phụ nữ trong cung đình Huế hoàn toàn không giống như vậy, tư liệu ảnh chụp lại có thể cho chúng ta có một cái nhìn tương đối rõ ràng về diện mạo trang phục cung đình Huế.
Đến đây, khán giả sẽ thật sự mình rất thắc mắc cô và ê kíp đã “dày công” đọc những tài liệu nào để có thể oanh oanh tuyên bố bộ áo do họ thực hiện lấy cảm hứng từ trang phục thời Nguyễn, bộ áo của họ “gợi lại cảm hứng một thời vàng son của Cung đình Huế xưa”? Muốn gợi lại áo dài cung đình Huế xưa thì tại sao không xuất phát từ cái áo dài thời Nguyễn để phát triển thêm? Trang phục hậu cung nhà Nguyễn cũng phong phú và cầu kỳ đâu kém? Và đặc biệt, phải hết sức chú ý là trang phục hậu cung nhà Nguyễn tuy có những điểm tương đồng với nhà Thanh nhưng về tổng thể thì rất khác, nhìn vào có thể phân biệt ngay.
Văn hoá Việt Nam học hỏi văn hoá Trung Quốc rất nhiều thứ, nhưng với tâm thế là một nền văn hoá độc lập, chúng ta tiếp thu những thứ đó một cách có chọn lọc và chuyển hoá cho phù hợp với tư tưởng, phong tục Việt Nam chứ không bê nguyên, rập khuôn hay sao chép toàn bộ.
Hiện nay, cổ phong Việt Nam đang có nhiều bước phát triển, tài liệu cho phục dựng, tham khảo cũng ngày một đủ đầy, không ít hội nhóm, công ty, cửa hàng nghiên cứu, phục dựng cổ phong được dựng lên để cố gắng rũ bỏ lớp bụi đã đóng dày trong mắt giới trẻ về văn hoá nước nhà, song song đó là số người tìm hiểu, đọc về cổ phong Việt Nam cũng ngày một tăng lên. Khi làm các dự án, lý do không có tài liệu đã không còn đúng, nhất là về nhà Nguyễn, mà nói trang phục cổ Việt Nam nghèo nàn lại càng sai. Vậy nên, đừng hô hào thái quá nếu bản chất của nó không phải vậy. Đừng nói trang phục gợi lại nét vàng son cung đình Huế nếu nó không có nét gì của cung đình Huế.
Không phải cứ khoác lên mình những chiếc áo kiểu truyền thống, đặt vào một bối cảnh “truyền thống” thì đều có thể tự khoác lên mình lớp vỏ “Cung đình Huế”. Thậm chí một chiếc áo Nhật bình - tạm gọi là một “biểu tượng” đặc trưng của trang phục cung đình nhà Nguyễn - còn không có, thì âu ê kíp cũng nên có lời đính chính chính thức.