Trở thành Spider-man trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel đã giúp Tom Holland nhanh chóng trở thành một trong những ngôi sao trẻ sáng giá ở Hollywood. Nhưng với chàng trai 21 tuổi sinh ra ở vùng Kingston, phía Tây Nam thủ đô London, nước Anh, thành công này chỉ là kết quả sau một quá trình lao động vất vả. Không những thế, nó còn chứa đựng rất nhiều kỷ niệm đặc biệt khó phai.
Sự háo hức bị ngó lơ
Sau khi gửi 5 đoạn video ghi lại các cảnh tự nhào lộn, Tom đã mất đến 5 tháng ròng rã để thực hiện thêm 8 vòng thử vai cùng với 1500 ứng cử viên khác. Cậu không được đánh giá nổi trội so với ứng cử viên hàng đầu lúc đó là Asa Butterfield. Nhưng việc Asa rút lui và đặc biệt là màn diễn tay đôi lần lượt với Robert Downey Jr cùng Chris Evans đã thay đổi tất cả.
“Lúc diễn thử với Chris Evans, mặt tôi như kiểu: ‘Em lộn vài vòng cho mọi người xem nhé?’. Mấy vị ở Sony đáp lại bằng vẻ mặt: ‘Cậu làm được hả?’. Trời ơi, tôi đã gửi 5 cái clip nhào lộn cho họ suốt năm tháng qua mà họ không hề biết gì ư?”.
Kỹ năng ballet và kinh nghiệm tập thể dục dụng cụ khi tham gia huấn luyện cho vở nhạc kịch Billy Elliot từ năm 2006 đến 2008 đã giúp Tom khá nhiều. Kevin Feige - giám đốc điều hành của Marvel cũng thừa nhận khả năng vận động dẻo dai, nhanh nhẹn khiến Tom có ưu thế hơn các ứng viên khác: “Cậu ta có thể thực hiện được vài động tác của Spider-man còn tốt hơn cả diễn viên đóng thế”.
Tuy nhiên, quyết định chỉ được đưa ra khi Tom Holland có màn diễn thử trực tiếp với Robert Downey. Theo Kevin, khi gặp Downey Jr. lần đầu tiên, Tom vừa lo lắng lại vừa phấn khích - hoàn toàn giống với mô tả về mối quan hệ giữa chàng fanboy Peter Parker/Spider-Man với tay chơi nổi danh Tony Stark/Iron Man.
Trải qua bài học kiên nhẫn từ…Sony/Marvel
Trong buổi thử vai cuối cùng, khi hỏi chừng nào sẽ có kết quả tuyển vai, Tom Holland chỉ nhận được lời hứa hẹn có vẻ chắc chắn: “Mai nhé!”. Tuy nhiên, Tom đã ở lại nhà họ hàng ở Atlanta, Mỹ suốt 1 tuần liền mà không có bất cứ tin tức hồi âm nào.
Sau đó, cậu trở về Anh và sống trong cảnh ngóng trông tin tức thêm…5 tuần nữa. “Đó là khoảng thời gian chờ đợi rất mệt mỏi, mỗi ngày tôi đều kiểm tra điện thoại tầm 20 phút/ 1 lần để xem kết quả. Nhưng hoàn toàn chẳng có tin tức gì”.
Vào ngày đẹp trời giữa năm 2015, một thông báo lạ gửi đến Instagram của Tom và mời cậu đăng nhập website với lời nhắn: “Cùng tìm hiểu xem Spider-Man mới là ai nhé”. Bên cạnh tấm hình Spider-Man với trang phục đỏ quen thuộc là cái tên mới: Tom Holland.
Và chàng trai đã hét toáng lên, nhảy khỏi sofa để thông báo tin vui với gia đình. Đáp lại, cậu em trai Harry Holland lạnh lùng nói: “Đừng có tưởng bở, nếu đậu thì họ đã gọi anh rồi. Sony vừa mới bị hack đó, nhớ không?” (Cuối năm 2014, Sony phải đối mặt với vụ hack toàn bộ email quan trọng trong nội bộ hãng).
Rất may, Kevin Feige (Giám đốc của Marvel) đã xuất hiện với cú điện thoại đem đến “giấc mơ có thật” cho chàng fanboy của Spider-Man.
Peter Parker từ truyện tranh bước ra
So với hai đời Người Nhện trước, Tom Holland được xem là diễn viên nhỏ tuổi nhất từng đảm nhận vai này. Nhưng sức trẻ, sự năng động và gương mặt còn khá “non” của cậu lại vô cùng phù hợp với bối cảnh Peter Parker chỉ vừa mới 15 tuổi trong dự định của Marvel. Cả Tobey Maguire lẫn Andrew Garfied đều phải “cưa sừng làm nghé” từ những người đàn ông 26, 27 tuổi để trở thành một sinh viên vừa tròn tuổi 20.
Tom Holland cũng là người Anh “chính gốc” đầu tiên vào vai Người Nhện - một trong những siêu anh hùng nổi tiếng nhất của nước Mỹ. Andrew Garfield, nam chính The Amazing Spider-Man trước đó, mang hai quốc tịch Anh-Mỹ, anh được sinh ra ở Mỹ và chỉ về Anh sống khi lên 5 tuổi.
Khi được hỏi cảm giác thế nào khi một người Anh lại trở thành biểu tượng anh hùng Mỹ, Robert Downey Jr lắc đầu nói rằng: “Chí ít thì tôi cũng thích cậu bé Tom Holland này lắm, về tính cách ấy”. Ngay cả Amy Pascal cũng thừa nhận: “Chúng tôi cũng cố tìm ai đó không phải là dân Anh nhưng bạn biết đó… chúng tôi muốn ai đó trông thật giống Peter Paker, và ai đó mà chúng ta có thể đồng cảm cùng. Hơn nữa, đó phải là người nỗ lực nhất”.
Và Tom Holland xuất hiện, giống như một Peter Parker giữa đời thật. Với bản châm biếm cố hữu của dân Anh trong máu, cậu lại còn hồ hởi khoe khoang: “Spider-Man lại là người Anh nữa rồi nè! Tin vui cho đội nhà Anh Quốc nhé!”.
Tự hại mình vì tính châm biếm của người Anh
Tuy nhiên, tính châm chọc này đã khiến Tom “lãnh đủ” khi cậu lỡ nói đùa về việc muốn được trải nghiệm cảm giác đi học ở một trường trung học Mỹ là như thế nào. Và thế là Marvel đã nghiêm túc gửi cậu vào trường Trung học Khoa học Bronx để học chung với các thiên tài trong ba ngày. Giữa rừng “mọt sách” thứ thiệt, Tom chỉ biết ngơ ngác với đống kiến thức vĩ mô và tẽn tò khi tiết lộ thân phận thật cho 1 cô gái mà chẳng ai chịu tin.
“Tôi chỉ có ý đùa khi nói muốn trải nghiệm cảm giác học đường ở Mỹ. Vậy mà Marvel lại làm thật. Thế là tôi phải đăng ký tên giả và học ở trường trong ba ngày. Tôi còn phải nói giọng Mỹ nữa. Vấn đề là, trường đó toàn thiên tài. Ai cũng tò mò tôi làm gì ở đó. Các thầy cô cứ kiểm tra tôi về kiến thức khoa học… mà tôi thì có phải đâu chứ? Tôi chỉ là diễn viên thôi mà!”.
Ngoài ra thì Tom Holland cũng gặp phải một tai nạn vì chất giọng Anh của mình. Bình thường trong phim, Tom phải giả giọng Mỹ để hóa thành cậu học sinh trung học Peter Parker. Cậu phải nhờ một huấn luyện viên phương ngữ để giúp mình phát âm thật tốt. Tuy nhiên, trên phim trường hôm đó, Tom lại hoàn toàn quên mất giọng Mỹ mà đọc thoại bằng chất giọng Anh của mình.
“Hôm đó, chẳng hiểu sao tôi lại nói bằng âm điệu của dân London mà không nhận ra. Mọi người xung quanh cũng không hề để ý nữa. Cho tới khi xem lại băng ghi hình thì, trời ơi, mọi chuyện bung bét hết. Thế là cảnh phim đó phải được chỉnh sửa lại và họ phải cắt mặt tôi đi khi tôi nói từ 'Xin chào' lúc tôi bước vào tiệm mua sandwich”.
Căng thẳng tới mức phải… đem mẹ theo
Khi đi thử vai, Tom Holland đã gặp khá nhiều căng thẳng. Và sau khi nhận được vai diễn này, cậu lại còn căng thẳng hơn nữa. Đó là những áp lực khi phải bắt tay vào thực hiện bộ phim.
Trong ngày đầu tiên gặp gỡ với đạo diễn Jon Watts để bàn về mục tiêu của phim cũng như nhân vật, Tom đã hoảng tới mức phải đòi mẹ đi cùng. “Tôi quá lo lắng về nó. Tôi ở trong xe với mẹ và tự nhủ: 'Sao lại đem mẹ theo? Mày đang làm gì thế hả? Trông mày giống một thằng nhóc quá!'.
Nhưng rất may, Jon Watts - vị đạo diễn trẻ sinh năm 1981 cũng có cùng cảm giác như Tom. Anh chỉ mới thực hiện vài video và phim ngắn, chưa hề có một tác phẩm nào nổi bật và lần đầu gánh vác một bom tấn lớn như Spider-Man: Homecoming. Cả hai đã có một buổi trao đổi thân tình và thấu hiểu. “Còn mẹ tôi thì có một khoảng thời gian rất đáng yêu”, Tom bồi hồi nhớ lại.
Sau khi Spider-Man: Homecoming ra mắt, Tom Holland đã hoàn toàn chinh phục người xem khi hóa thân thành hai cá tính riên biệt trong cùng một con người - một Peter Parker nhút nhát và một Spider-Man dũng cảm. Và từ đó, cậu chính thức trở thành Spider-Man “nguyên bản nhất” trong mắt hàng triệu khán giả trên toàn thế giới.