Phim Ảnh

Tìm về một thoáng kỷ niệm thời bao cấp qua 'Hạnh phúc không có ở cuối con đường'

Theo Nguyễn Hữu Chiến Thắng
Chia sẻ

Bộ phim 33 tập của đạo diễn Khải Hưng dựng lại một thời kỳ "bản lề" của đất nước, thông qua những số phận để lột tả từng trang ký ức lịch sử, khi Việt Nam chuyển đổi từ hình thức tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường.

Có những tác phẩm văn chương khơi gợi lại kỷ niệm của một thời bao cấp thì cũng có những khuôn hình của cả điện ảnh và truyền hình thương nhớ một thời không quên. Hạnh phúc không có ở cuối con đường của đạo diễn - NSND Khải Hưng là một bộ phim như thế.

Chuyện phim xoay quanh nhân vật Thục Quyên - một người phụ nữ nhỏ bé mảnh mai nhưng đã nỗ lực hết mình để mang lại hạnh phúc cho mình và cho những người thân yêu. Từ một nhân viên bán hàng rồi từng bước tìm hướng đi cho cuộc đời mình - bán hàng tại Nhà Xanh, sự khéo léo, duyên dáng của Thục Quyên không chỉ thu hút được rất đông khách đến mua hàng mà còn chiếm được cảm tình của Giám đốc Tiến Quang.

Quang và Quyên quyết định kết hôn nhưng cuộc sống của họ không may gặp nhiều trắc trở. Theo nhu cầu phát triển định hướng nền kinh tế thị trường, nhà Xanh có nhiều thay đổi khiến Quang mất chức giám đốc. Anh được cử vào TP. Hồ Chí Minh công tác trong lĩnh vực bất động sản.

Thiếu hiểu biết lại cả tin, Quang bị Dương - bố vợ cũ lừa gạt tiền, trở thành kẻ tham ô, chiếm dụng tài sản của Nhà Nước. Không muốn liên lụy vợ con, Quang lừa dối gia đình rằng muốn ly dị với Quyên để một mình gánh chịu tất cả. Tuy nhiên, Thục Quyên không đồng ý, cô tìm mọi cách để cứu giúp Quang. Từ một người bán hàng nhưng có đầu óc kinh tế nhanh nhạy, biết đón đầu thị trường, Quyên mở công ty sản xuất giấy, rồi dần dần trở thành bà chủ của Nhà Xanh khi sở hữu cổ phần hóa Trung tâm này.

Thục Quyên là một mẫu người phụ nữ lý tưởng trong thời đại mới khi cô không chỉ thành công trong gia đình mà ở cả sự nghiệp. Thục Quyên hoàn thành vai trò một người vợ chung thủy, là chỗ dựa tin cậy của chồng, là người mẹ đảm đang, chu đáo với các con và là người con dâu hiếu thảo với mẹ chồng.

Trái với người phụ nữ hiện đại đảm việc nhà, lại quyết đoán, thông minh, dám nghĩ dám làm và nhạy bén trên thương trường là bà Hà - mẹ chồng Quyên, đại diện cho một lớp người cũ, một bà mẹ cũ trong xã hội. Từng là cán bộ tổ chức của Sở Thương mại, bà Hà có tính cách của nhiều vị cán bộ quan liêu thời bao cấp như máy móc, độc đoán, luôn cho rằng mình đúng về mọi mặt. Bà luôn có thái độ đối nghịch khi Quyên quyết đoán, mạnh mẽ trong làm ăn nhưng đến cuối cùng cũng bị tấm lòng của Quyên chinh phục.

Bộ phim khắc họa một thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế, xã hội đầy màu sắc thông qua việc khắc họa tính cách, số phận của 2 nhân vật. Bên cạnh Thùy Dương tươi mới và giàu sức sống trong vai Thục Quyên, nghệ sỹ Diệu Thuần lại vào vai bà Hà với tất cả vốn sống, vốn nghề dày dặn.

Đúng như tên gọi Hạnh phúc không có ở cuối con đường, ta không thể dễ dàng đi tới và nhặt lấy nó. Hạnh phúc hiện ra trên mỗi bước đi, đòi hỏi sự nỗ lực hết mình, cố gắng tranh đấu để giành lấy chiến thắng trên con đường dài luôn nhiều trắc trở - Con đường kiếm tìm hạnh phúc. Đó cũng chính là thông điệp lớn nhất mà bộ phim muốn gửi tới khán giả.

Xem phim, khán giả ở thế hệ trước hẳn sẽ được sống dậy một thời thanh xuân tươi đẹp, khi đất nước đang trên đà đổi mới. Người lao động phải làm việc hăng say, cố gắng gấp nhiều lần để vươn lên trong nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, lớp trẻ như được trải qua, thấu hiểu phần nào những cơ hội, cố gắng của những người đi trước để có được một xã hội văn minh, hiện đại, kinh doanh đa dạng, sầm uất như ngày hôm nay.

Giá trị hiện thực, sự tái hiện những gì chân thật, gần gũi nhất với khán giả trong thời kỳ chuyển đổi chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt, sức hút cho Hạnh phúc không có ở cuối con đường. Tác phẩm truyền hình của đạo diễn Khải Hưng phát sóng khung giờ vàng trên kênh VTV1 vào thứ 5, thứ 6 hàng tuần.

Chia sẻ

Theo

Nguyễn Hữu Chiến Thắng

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất