Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Tiền giả là phạm pháp, thế tiền trong phim từ đâu ra?

Ở Hollywood có những công ty chuyên sản xuất tiền giả cho phim và MV ca nhạc, và họ có những cách rất thú vị để tuân thủ luật pháp trong khi in ra cả triệu đô la mỗi ngày.  

Tiền xuất hiện trong các bộ phim, nhất là các cảnh liên quan đến cướp ngân hàng, trao đổi tiền tệ… trông rất giống thật phải không? Bạn đã bao giờ thắc mắc rằng nếu giống thật như thế, tại sao nhân viên đoàn làm phim không lấy ra để… tiêu xài hay chính phủ lại để cho các dự án phim sử dụng tiền giả với số lượng lớn?

Tiền giả là phạm pháp, thế tiền trong phim từ đâu ra? Ảnh 1

Câu trả lời nằm ở Rich “RJ” Rappaport nhà sáng lập của công ty RJR Props - một trong số ít những nhà cung cấp “tiền đạo cụ” sử dụng cho các phim như The Wolf of Wall Street, The Fast and the Furious, series Ozark của Netflix hay nhiều MV ca nhạc. Theo RJ, chỉ có rất ít các công ty có giấy phép sản xuất tiền giả phục vụ cho quay phim và phải tuân theo sự giám sát nghiêm ngặt của chính quyền.

Năm 2001, một cơn gió mạnh đã cuốn bay 1 tỉ đô la tiền đạo cụ trên phim trường Rush Hour 2 tại Las Vegas ra bên ngoài. Nhiều tờ tiền thật tới mức có người đã lấy chúng đi tiêu. Điều này đã tạo nên một vụ lộn xộn nho nhỏ, dẫn tới việc RJ phải làm việc lại với nhà chức trách để thiết kế lại những tờ tiền giả sao cho chúng không được… giống thật quá. Kết quả là anh chàng đã cho ra đời hai loại tiền: loại “chất lượng cao” nhìn sát vẫn thấy giống và loại “chất lượng tiêu chuẩn” để xa xa thì thấy giống, nhưng nhìn gần là biết ngay tiền giả. Đối với loại “chất lượng cao”, vì chúng rất giống thật nên chỉ được phép in một mặt để tránh gian lận.

Để tuân thủ luật pháp, RJR Props còn thậm chí không được “copy” tờ tiền thật mà phải vẽ lại nó trên giấy từ đầu. Kỹ thuật vẽ lại giỏi tới mức nếu nhìn qua, bạn sẽ không phân biệt được tiền thật hay tiền đạo cụ phim. Tuy nhiên khi soi kỹ vào tờ tiền giả, nhiều điểm khác biệt ngay lập tức lộ ra. Ví dụ như thay vì dòng chữ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (United States Federal Reserve), tờ tiền sẽ ghi là “Cục dự trữ tiền giả không có thật” (Unreal Fake Currency Reserve). Chân dung nhân vật Benjamin Franklin cũng được vẽ lại mà không có tên của ông ở phía dưới. Các con dấu và dòng chữ cũng được sửa lại thành “đồ giả” và “không có thật”. Thậm chí cả từ United States cũng cố tình bị đánh vần sai với chữ U chuyển thành chữ W.

Một xấp tiền gồm 100 tờ mệnh giá 100 đô la giả được RJR Props bán với giá 45 USD (khoảng 1 triệu đồng) cho loại “tiêu chuẩn” và 65 USD (khoảng 1,5 triệu đồng) cho loại “chất lượng cao”. Họ còn cung cấp những xấp tiền cố ý làm quăn, xộc xệch để trông như chúng đã được lưu hành trên thị trường với giá tiền chênh lên khoảng 20 USD nữa. Để cho các cọc tiền trông “thật” nhất có thể, RJ và các đồng nghiệp phải vò, làm nhăn, làm cong mép, gập hoặc đốt bằng đầu thuốc lá từng tờ tiền một cách thủ công, vì thế có vẻ như 20 đô la không phải là một khoản nhiều lắm so với công sức bỏ ra.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, RJR Props không chỉ cung cấp tiền giả mà còn là đủ thứ đạo cụ thượng vàng hạ cám mà Hollywood cần đến, từ các bánh cocaine giả cho tới phòng thí nghiệm máy tính, máy bay hay khoang tàu vũ trụ. Chỉ cần các nhà sản xuất gọi tới là công ty này có thể đáp ứng được mọi yêu cầu dù là kỳ quặc nhất.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Ngọc King.

Được quan tâm

Tin mới nhất
LG ra mắt điều hòa DUALCOOLTM AI Air với làn gió thông minh, tiết kiệm điện năng và lọc khí toàn diện