Phim Ảnh

Tiễn biệt cố NSƯT Bùi Cường - Chí Phèo của 'Làng Vũ Đại ngày ấy' về với đất Mẹ

Phương Thảo
Chia sẻ

NSƯT Bùi Cường đã dành hơn 35 năm gắn bó với nghề diễn để cống hiến cho điện ảnh Việt Nam, để sống và nhớ mãi về vai diễn Chí Phèo; và chính "anh Chí" trong Làng Vũ đại ngày ấy sẽ khiến cố nghệ sĩ còn sống mãi trong lòng khán giả...

Sáng ngày 03/08, làng điện ảnh Việt Nam mất đi một người nghệ sĩ tâm huyết và hết lòng với nghề, đạo diễn, diễn viên kỳ cựu Bùi Cường đã qua đời ở Hà Nội vì tai biến mạch máu não sau những ngày điều trị tại bệnh viện. Và Làng Vũ Đại ngày ấy cũng phải nói lời giã từ với Chí Phèo (vai diễn của cố nghệ sĩ Bùi Cường) - vai diễn kinh điển, vượt qua sự băng hoại của thời gian và vẫn đóng đinh trong lòng khán giả cho đến tận bây giờ.

Cố nghệ sĩ Bùi Cường đến với điện ảnh nhờ một mối duyên muộn, trước đó, ông từng tốt nghiệp trường Trung cấp Kỹ thuật Điện và làm việc tại Xí nghiệp điện Tam Quang (Sở Công nghiệp Hà Nội). Mãi đến khi lên 25 tuổi, ông mới thi vào trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ đây. Trong đó, vai diễn Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy để lại ấn tượng sâu đậm đối với khán giả, và có ý nghĩa to lớn trên con đường đóng phim của cố nghệ sĩ.

Bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy ra đời vào năm 1982 dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa và đã được xếp vào hàng những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Cùng với bộ phim Chị Dậu (1980), Làng Vũ Đại ngày ấy khắc họa chân thật cuộc sống nông thôn cũng như nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội nửa phong kiến của Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám (1945). Và những thăng trầm lịch sử, nỗi đau thời đại được thể hiện một cách sống động qua các phận đời nhỏ bé. Đó là Lão Hạc (Kim Lâm), thầy giáo Thứ (Hữu Mười), Thị Nở (Đức Lưu)Chí Phèo (Bùi Cường). Chuyển thể và kết hợp từ ba tác phẩm văn học nổi tiếng trước đó của nhà văn Nam Cao là Sống mòn, Chí Phèo Lão Hạc; Làng Vũ Đại ngày ấy vẫn cho thấy sự sáng tạo và cá tính điện ảnh qua nghệ thuật dựng phim và trên hết là diễn xuất của dàn diễn viên.

Ở độ tuổi 37, cố nghệ sĩ Bùi Cường dành hết tâm huyết để lăn xả cho vai diễn Chí Phèo, ông từng nói với đạo diễn: “Bác bắt cháu cạo trọc cháu cũng làm”. Không phải bỗng dưng mà hình ảnh Chí Phèo của Làng Vũ Đại ngày ấy đóng đinh trong lòng người xem cho đến tận bây giờ. Đó là nhờ sự hi sinh làm xấu trên màn ảnh, thậm chí là cắt phăng mái tóc dài lãng tử của diễn viên Bùi Cường ngày đó. Qua đó, nhân vật Chí Phèo vừa hay, vừa khó ấy đã đem lại hình ảnh chân thực, mộc mạc mà cũng gây ám ảnh nhất đến với khán giả.

Bên cạnh đó, chính nam diễn viên cũng là người cùng với đạo diễn tạo nên những nét cá tính riêng biệt cho tác phẩm. Qua diễn xuất của NSƯT Bùi Cường, “anh Chí” lần đầu cất tiếng hát, vì theo ông, Chí Phèo chửi mãi, nói mãi cũng đã nhàm rồi, những câu hát xiên xẹo, rên rỉ trong miệng khi đã ngấm men rượu sẽ khiến nhân vật độc và lạ hơn.

Chí Phèo trong “Làng Vũ Đại ngày ấy” trở thành nhân vật kinh điển của điện ảnh Việt Nam qua diễn xuất của nghệ sĩ Bùi Cường.

Sự thiếu thốn về vật chất, kỹ xảo hay thậm chí là đồ hóa trang khiến vai diễn Chí Phèo của cố nghệ sĩ càng đáng trân trọng hơn. Không có cách “hóa xấu” dễ dàng như thời nay, NSƯT Bùi Cường từng phải vào bệnh viện xin keo tạo sẹo mắt, kem chuyên dụng của phụ nữ mang thai để tạo làn da nhăn, đầy sẹo… Đó là chưa kể thời gian, công sức ông bỏ ra để tập đôi mắt mơ màng, dáng đi chuệch choạng và tiếng cười chẳng giống ai của “anh Chí”…

Cái kết bi kịch của “anh Chí” trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Nhân vật Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy đã giúp cố nghệ sĩ Bùi Cường giành giải thưởng danh giá: Huy chương Vàng dành cho diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 6 (1983). Song, trên tất cả, vai diễn trở thành điểm sáng rực rỡ nhất trên sự nghiệp diễn xuất của ông, là “đòn bẩy” để nam diễn viên tiếp tục cống hiến với các vai như Trần Tuấn (Phút thứ 89), Trần Quân (Kẻ giết người), Tướng cướp (Dòng sông vàng), Mộc (Không có đường chân trời), chủ quán (Vụ áp phe Đông Dương) và Năm Hòa (Biệt động Sài Gòn)…

Với tất cả những kinh nghiệm khi lăn xả trên trường quay, cố nghệ sĩ Bùi Cường còn cống hiến cho điện ảnh với tư cách là người nào nhặn nên các tác phẩm. Ông đã trở thành đạo diễn của gần 80 bộ phim truyền hình, trong đó phim truyện có tên Ông tướng tình báo và hai bà vợ đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ khán giả và giành Huy chương vàng tại Liên hoan phim Truyền hình toàn quốc.

Phân cảnh Thị Nở bưng bát cháo hành cho Chí Phèo kinh điển trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Thế nhưng, sau hành trình chinh phục các tác phẩm với cả tư cách diễn viên lẫn đạo diễn lắm gian truân ấy, NSƯT Bùi Cường vẫn còn sống nguyên vẹn những cảm xúc dành cho vai diễn Chí Phèo. Bởi đó chính là nhân vật đã thắp nên niềm cảm hứng điện ảnh bất tận cho ông. Cho đến tận những năm tháng cuối đời, cố nghệ sĩ vẫn bồi hồi nhớ lại từng phân cảnh và ngỡ như mới ngày hôm qua.

NSƯT Bùi Cường đã dành hơn 35 năm gắn bó với nghề diễn để cống hiến cho điện ảnh Việt Nam, để sống và nhớ mãi về vai diễn Chí Phèo; và chính “anh Chí” trong Làng Vũ đại ngày ấy sẽ khiến cố nghệ sĩ còn sống mãi trong lòng khán giả…

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin mới nhất