Vậy là sau 54 tập của phần 2, bộ phim Thương Ngày Nắng Về đã chính thức khép lại. Cái kết hạnh phúc viên mãn của bà Nga (NSƯT Thanh Quý) và 3 cô con gái Khánh (Lan Phương), Trang (Huyền Lizzie) và Vân (Ngọc Huyền) khiến nhiều khán giả phải thổn thức. Bộ phim đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem với những câu chuyện quá đỗi chân thực.
Thế nhưng, ít ai biết rằng để có thể tạo ra được những nhân vật hay, đẹp, những câu nói thấm tận trái tim khán giả, đội ngũ biên kịch của Thương Ngày Nắng Về cũng đã phải rất vất vả. Mới đây, biên kịch chính của phim đã có những chia sẻ về quá trình tạo ra Thương Ngày Nắng Về khiến nhiều khán giả phải thán phục và cảm ơn.
Biên kịch Nguyễn Thủy cho biết: “Thương Ngày Nắng Về là dự án dài hơi nhất mình tổ chức xây dựng nội dung. Bản gốc của phim - Mother Of Mine - phát sóng ở Hàn Quốc năm 2019, cùng thời điểm phát sóng với Về Nhà Đi Con. Khi đó, mình còn cười rồi bảo may mà phim phát đồng thời chứ không mọi người lại bảo mình bắt chước, vì 2 phim đều là mô-típ một người bố/ người mẹ, goá vợ/ goá chồng một tay nuôi 3 cô con gái.
Và vì thế, khi được giao dự án này, mình ớ ra, lập tức xin từ chối vì không muốn làm 2 bộ phim gia đình với hệ thống nhân vật khá giống nhau”.
Biên kịch Thương Ngày Nắng Về chia sẻ thêm rằng, chính khoảnh khắc nhìn thấy mẹ ở nhà khóc khi nghe Tùng Dương hát Mẹ Tôi chị đã đổi ý: “Ở thời điểm đó, mình nghĩ, nếu làm dự án này, mình sẽ có cơ hội kể về mẹ mình và triệu triệu bà mẹ trên thế gian này, kể về sự tiếp nối những thế hệ phụ nữ, kể về tình thương muôn đời của mẹ và con gái. Ừ, thế là làm thôi!”.
Sự trăn trở của chị khi viết kịch bản Thương Ngày Nắng Về là ở chỗ làm sao cho phim thật chân thực, để “khi xem phim nhìn bà Nga họ nhớ mẹ họ, thấy Khánh xin lỗi mẹ cũng muốn quay về xin lỗi mẹ mình, thấy Trang nói yêu mẹ mới nhớ mình cũng chưa từng nói lời thương yêu với mẹ...”.
Ít ai biết được rằng, cộng tác viết kịch bản Thương Ngày Nắng Về với biên kịch Thủy Nguyễn lại là những cô gái chưa từng viết kịch bản phim bao giờ. Vì là người mới, vậy nên họ đã phải sửa đi sửa lại kịch bản đến 8, 9 lần nhưng vẫn chưa thể chốt. Cứ viết lại sửa, viết lại sửa nhiều lần nhưng các cô gái đều không bỏ cuộc.
Quá trình sáng tác kịch bản Thương Ngày Nắng Về cũng chẳng hề tuần tự trước sau như khán giả vẫn nghĩ đâu nhé. Biên kịch Thủy Nguyễn chia sẻ rằng, chị đã hoàn thành và chạy 17 tập kịch bản đầu tiên rồi mới quay lại viết 4 tập kịch bản thời quá khứ. Và tất nhiên chuyện cũng chẳng hề đơn giản: “4 tập quá khứ viết đi viết lại, sửa đi sửa lại đến mức mình phát nản, nhưng bản cuối cùng, thì là bản mình rất yêu”.
Không chỉ kể lại quá trình sáng tạo kịch bản đầy gian nan, chị biên kịch còn chia sẻ những cảm xúc của mình khi 4 tập đầu Thương Ngày Nắng Về phát sóng. “Mình vẫn nhớ khi ấy, mình bị sốt xuất huyết, tiểu cầu xuống thấp, mình nằm ở viện 354, ở khoa truyền nhiễm. Lúc đó dịch dã đang căng, mình vào viện cũng chỉ có một mình, trong gian phòng mênh mông, và khóc như mưa khi xem những tập đầu tiên phát sóng.
Khi ấy, mình nhắn cho anh Khoa, cảm ơn anh vì những tập phim đầy cảm xúc. Vì chỉ cần xem phim, thì mình cũng đã biết cả đoàn phim đã kỳ công, vất vả thế nào cho 4 tập đầu ngắn ngủi”, chị chia sẻ.
Thương Ngày Nắng Về tuy đã kết thúc nhưng vẫn để lại dư âm rất lớn trong lòng khán giả. Hình ảnh mẹ Nga cả đời hy sinh vì các con, hay bức tranh về cuộc đời 3 cô con gái Khánh – Trang – Vân cũng khiến người xem phải suy ngẫm. Phim quá chân thực, quá gần gũi đến mức mà khán giả nhưng phần nào thấy được hình ảnh của gia đình mình trên màn ảnh nhỏ.
Xem thêm: Thương Ngày Nắng Về tập cuối: Bà Nga vượt cửa tử, Trang - Duy có happy ending
\