Kĩ xảo gượng ép, chưa mượt mà, mang cảm giác “cải lương” kịch hóa. Dù không gian phim trường rộng nhưng không được tận dụng khiến bối cảnh trên phim bị hẹp; cộng thêm tạo hình rực rỡ đồ sộ, càng làm tăng sự bất hợp lý về phần hình. Đây đều là những hạt sạn mà khán giả vạch ra khi xem xong tập đầu tiên của Thâm cung kế - Cung tâm kế 2.
Về phần diễn xuất, sự xuất hiện của nữ chính Lưu Tâm Du trong vai Nguyên Nguyệt chưa làm hài lòng khán giả. Nhiều người nhận xét khi đảm nhận nhân vật này, nữ diễn viên họ Lưu lạm dụng việc trợn mắt chu môi, khua tay múa chân khiến nhân vật trở nên khó đồng cảm.
Ngay tập 1, nhân vật Nguyên Nguyệt xuất hiện cùng câu chuyện vào cung tìm người chị thất lạc. Tuy nhiên dù có mong mỏi gặp lại chị đến đâu, Nguyên Nguyệt cũng không thể nào lợi dụng tình huống bị cướp giật hết tiền, bắt tướng quân Nhậm Tam Thứ (Mã Quốc Minh) phải đưa cô vào cung. Cũng may sự việc “lợi dụng” này không thành, nếu không hẳn khán giả sẽ cười mãi về sự xây dựng vô lý của biên kịch. Nhưng không chịu thua số phận, Nguyên Nguyệt xoay qua dùng tiền bạc nhờ công công đưa mình nhập cung. Khán giả lại đặt câu hỏi: “Dân thường vào cung cấm dễ dàng đến vậy sao ?”.
Thậm chí, phân cảnh cô cung nữ Nguyên Nguyệt thoải mái thất thố trước Thượng cung cục cũng là tình tiết gượng ép trong kịch bản khiến khán giả càng thêm “khó ưa” nhân vật này. Đáng lý biên kịch muốn xây dựng một nhân vật nữ cá tính, cương liệt thì phân đoạn này lại chỉ lột tả một cô gái ngang ngạnh, coi trời bằng vung.
Trong vụ án Tiêu Thục phi đoạt mạng, Nguyên Nguyệt vô tình bị vướng vào vòng tình nghi. Dù được khắc họa là diễn viên chính nhưng trong tình tiết này, Nguyên Nguyệt vẫn bị động, nhạt nhòa và thiếu cá tính. Sau khi được Hà Li (Tiêu Chính Nam) minh oan, cô liền mạnh dạn, lớn tiếng nhờ Tướng quân Nhậm Tam Thư và Hà Li giải oan cho một cung nữ khác. May mắn thay, sự “lộng hành” của cô gái trẻ chưa nhận lấy hình phạt nào.
Sự phát triển tình cảm của Hà Li và Nguyên Nguyệt cũng chưa thật rõ nét, tạo cảm giác mất tự nhiên. Khán giả chưa hiểu được giữa hai nhân vật này có mối quan hệ gì sâu sắc.
Mặc dù là một trong những nhân vật tuyến chính, Lưu Tâm Du lại chưa tạo được thiện cảm như đàn chị Trần Vỹ và Hồ Định Hân.
Sự so sánh nhân vật Nguyên Nguyệt với nhân vật Tam Hảo (Xa Thi Mạn) của phần 1 cũng được đặt ra. Điều đó cho thấy niềm yêu thích của khán giả với phần 1 lớn bao nhiêu thì sự kì vọng dành cho phần 2 nhiều bấy nhiêu. Thế nhưng, màn chào sân của Lưu Tâm Du chưa gợi được ấn tượng.
Song song, những nhân vật khác trong phim được đặt để trong tay dàn diễn viên thực lực của TVB đã phần nào lấy được niềm tin khán giả.
Mặc dù là nhân vật cameo xuất hiện được vài giây, nhưng Mễ Tuyết đã thể hiện được thần thái cao ngạo của Vi hậu trong phân đoạn bà bị Lý Long Cơ (Mã Tuấn Vỹ) xử chết. Trái ngược với cảnh “cung tàn điểu tận” của Vi hậu là tư thế oai phong, ngang tàng của Thái Bình Công chúa (Trần Vỹ). Sự hóa thân thuần thục của Trần Vỹ khiến mạch phim sáng hơn. Mối mâu thuẫn giữa các nhân vật cũng được cô truyền tải một cách khéo léo, nhất là sự cạnh tranh ngầm với Vương Trân (Hồ Định Hân).
Mặt khác, tuyến nam trong phim khá vững vàng cũng là một điểm cộng. Thực tế, nhân vật Lý Long Cơ không phải là vai khó đối với Mã Tuấn Vỹ. Khán giả vốn yêu thích anh qua kiểu nhân vật thông minh, tài trí như thế. Tuy nhiên đi theo lối mòn là hạn chế đối với một diễn viên thực lực, liệu vai diễn lần này có đủ sức tạo sự đột phá cho anh hay nó sẽ khiến nam diễn viên bị “kết án” một màu ? Chúng ta hãy chờ xem.
Với phần 2, kịch bản sẽ xoay quanh nhiều vụ án hóc hiểm trong chốn thâm cung. Hi vọng trong những tập phim sắp tới, câu chuyện phá án (vốn là thế mạnh trong phim TVB) sẽ tạo nên điểm nhấn để không hoài phí sự mong đợi của khán giả.