Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Thái Hoà, Fan Cuồng và 'chiếc nhiệt kế' khán giả

Một ngày đẹp trời, bạn bỗng nhận ra, cái tên của mình đã không còn là "đũa thần" để hô biến những tác phẩm điện ảnh dù dở vẫn thành công về doanh thu. Lúc ấy bạn sẽ làm gì?

Lỗi có thật tại khán giả?

Nói một cách công bằng, khán giả không bao giờ có lỗi. Họ - những Thượng Đế - bỏ tiền ra mua vé xem phim, họ có quyền được khen-chê cũng như truyền miệng nhau về chất lượng bộ phim. Bộ phim của bạn không được đón nhận, hãy nghiêm túc nhìn lại chính bản thân thay vì đi trách móc về “gu thẩm mỹ” của khán giả.

Điều đó là hoàn toàn vô lý!

fan-cuong

Sự vô lý rõ ràng đến độ, chỉ một vài năm trước thôi, khi mà những bộ phim cũng chung ê-kíp sản xuất với những nụ cười nhảm như Tèo em; Để Mai tính 1&2; Long Ruồi dành những thắng lợi vang dội, thì lúc đó tự trọng của những người trong ê-kíp có dám lên báo nói: “Phim tôi hài nhảm và cảm ơn mọi người đã xem”. Hay lúc đó, giữa những chê bai tơi tả của truyền thông, đã có người mạnh miệng nói: “Tôi không tin truyền thông, tôi tin truyền miệng”.

Vâng, chính cái truyền miệng đó đã tạo dựng cho ê-kip một phong cách làm phim mà người trong nghề có thể nói với nhau “Phước Sang Version 2”. Và cũng chính cái sự “nhảm” trong phong cách tấu hài “điện ảnh chưa tới mà sân khấu nửa vời” đó đã tạo dựng sự thành công, danh tiếng và lợi nhuận cho cả một ê-kíp thì không có lí gì họ lại có thể nói rằng thẩm mỹ khán giả có vấn đề.

Xoay chuyển tình thế được không?

Và giờ, khi mà Fan Cuồng có những dấu hiệu của sự thất thu thì một loạt các hành động sau đó của ê-kíp lại là đưa nam chính ra mặt, hòng cứu vớt danh dự và doanh thu của một bộ phim đứng bên bờ thua lỗ. Những lập luận của êkip đưa ra vào thời điểm này là: “Một bộ phim nghệ thuật tử tế, chỉnh chu”. Tất nhiên, trong những bài viết về bộ phim, không hiếm để tìm được lập luận rằng, giữa một rừng các phim hài nhảm ra rạp hiện nay, Fan Cuồng là phim đáng xem nhưng bị thờ ơ, lãnh đạm của khán giả và truyền thông.

thai-hoa-johnny-tri-nguyen-fan-cuong-55

Hãy từ từ! Lật lại chút xíu “lịch sử” chưa xa. Ngay khi phim chưa chiếu, trong tất cả các ấn phẩm, tài liệu quảng bá về phim đều dùng chữ “Hài” đầu tiên. Tiếp đó nhấn mạnh vào chữ Thái Hoà đã quay trở lại hoặc Chị Hội tái xuất. Điều đó nói rằng, ngay bản thân những nhà sản xuất phim cũng đẩy bộ phim theo hướng “Hài” và mong muốn cái tên Thái Hoà cũng như những dư âm về “Chị Hội” sẽ tạo được sự “ép phê” để lôi khán giả đến rạp.

Rất tiếc, mong muốn đó đã không trở thành hiện thực bởi sự truyền miệng đã thất bại và truyền thông thì càng không ủng hộ.

Mới đây, trong một bài phỏng vấn, Thái Hoà có nói về những bộ phim mà anh không phải là cái tên phòng vé (ý là doanh thu không cao, thất bại trong bán vé) nhưng không được mọi người nhớ đến. Cụ thể, đó là Mười bốn ngày phépLấy chồng người ta. Phân tích để thấy, Mười bốn ngày phép của Nguyễn Trọng Khoa được làm vào năm…2009, tức là hồi đó “Chị Hội” và những thứ liên quan chưa xuất hiện. Còn Lấy chồng người ta của Lưu Huỳnh là một trường hợp khác, một bộ phim mà ở đó Thái Hoà được đặt để vào một vai khác hẳn, không nhằm khai thác tiếng cười mà là khả năng, tài năng của anh ở mảng “tử tế”. Có lẽ, chính Thái Hoà phải cảm ơn Lưu Huỳnh bởi cho đến thời điểm này, đó vẫn là vai tử tế nhất trong sự nghiệp điện ảnh của anh. Tất nhiên, với tiêu chí phim nghệ thuật và hướng tới các LHP quốc tế thì sự thất bại doanh thu của Lấy chồng người ta nhìn thấy ngay từ khi bấm máy. Điều đó cũng chính Lưu Huỳnh xác nhận.

Bài học rút ra là…

Đó là, hãy chấp nhận sự thất bại đã nhìn thấy của Fan Cuồng. Sự thất bại này không phải là tất cả bởi đằng sau nó là một cái nhìn khác, bớt ngờ vực hơn về một ê-kíp có thể làm những bộ phim tử tế sau khi say sưa với những tác phẩm chỉ để nhằm thoả mãn nhu cầu kiếm tiền. Có lẽ, sau Fan Cuồng, ê-kíp này cũng sẽ có những dự án mới, cũng sẽ là những dự án tử tế, chỉn chu và đầy nghiêm túc. Cũng rất có thể, sự thất bại của Fan Cuồng là một “phép thử”, là “tiền đề” để sự tử tế tìm lại của ê-kíp thần thánh này có đất dụng võ. Tuy nhiên, với số tiền 25 tỉ bỏ ra và thu hồi chưa được phân nửa thì bài học này là quá đắt. Nhưng nếu xét trên bình diện cả một sự nghiệp thì rõ ràng, nó cũng đáng và xét trên toàn bộ doanh thu từ những “bom tấn hài nhảm” trước đó thì cũng không phải là ê-kíp không “kham” được.

thai-hoa-johnny-tri-nguyen-fan-cuong-21

Bài viết này không nhằm bộc lộ sự hả hê khi Fan Cuồng thất bại, chỉ có duy nhất một ý rằng: Cái gì xảy ra cũng có lí do của nó. Và khi bạn thất bại với những toan tính của mình, hãy bình tâm ngồi lại xem thất bại đó đến từ đâu và nguyên nhân thay vì đi chê trách khán giả. Sự “hi sinh” hôm nay của Fan Cuồng, đến một lúc nào đó sẽ được đền đáp một cách tốt đẹp ở những dự án khác. Cũng giống như sự thất bại của Fan Cuồng chính là sự trả giá cho một giai đoạn hời hợt, hài nhảm trước đó.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đức Thành

Được quan tâm

Tin mới nhất