Phim Ảnh

Tập đặc biệt của 'Black Mirror': Khi khán giả tự quyết định số phận cho nhân vật với cả… triệu khả năng có thể xảy ra

Ngọc King.
Chia sẻ

“Bandersnatch” là tập phim đặc biệt của loạt phim đình đám “Black Mirror” khi được ra mắt với định dạng tương tác, khiến người xem nhận được những cái kết khác nhau tuỳ vào quyết định mà họ trao cho nhân vật.

Ít nhất đó là những gì mà người ta nói. Bạn được tương tác với bộ phim. Bạn quyết định nhân vật chính sẽ ăn gì, chọn nhạc nào, làm gì tiếp theo với cả “triệu khả năng khả dĩ có thể xảy ra”. Tất nhiên, với cấu trúc một bộ phim và vai trò thử nghiệm, tập phim đặc biệt của Black Mirror mang tên Bandersnatch không có nhiều sự ảo diệu đến vậy. Thế nhưng rốt cuộc đã bao giờ bạn nắm trong tay “quyền sinh quyền sát” lớn tới vậy chưa, với tư cách một khán giả xem phim?

Chấp nhận hay từ chối tuỳ thuộc vào bạn cả.

Lấy bối cảnh thập niên 80 tại London, Bandersnatch là câu chuyện về cậu thanh niên Stefan Butler (Fionn Whitehead) phát triển một game tương tác từ cuốn tiểu thuyết kỳ ảo. Vì bị deadline đè, nên Stefan vốn bị trầm cảm nay càng thêm khủng hoảng và có những hành vi bạo lực, hoang tưởng. Quan trọng hơn, người xem được tương tác với bộ phim, được chọn từ những quyết định nhỏ như ăn sáng bằng gì cho tới những quyết định lớn hơn liên quan đến tính mạng con người - đặc quyền tưởng như chơi game mới có được.

Với phong cách của một trò chơi điện tử, cái kết của Bandersnatch sẽ dựa trên những lựa chọn của người xem. Vì thế hãy cẩn thận khi đưa ra quyết định nhé! Với 5 cái kết chính và hàng loạt nhánh phụ, bộ phim giống như một game hành trình mà bạn - hoặc có thể nhanh chóng tới đích, hoặc ở lại để khám phá những ngóc ngách trong chuyến phiêu lưu quay ngược thời gian về 30 năm trước. Thậm chí sẽ có lúc khán giả còn được… trò chuyện với nhân vật nữa đấy.

Đây là người viết khi đang cố gắng giải thích Bandersnatch cho khán giả mà không spoil nội dung phim.

Lối kể chuyện tương tác, phi tuyến tính không phải là mới. Bản chất của phim tương tác (interactive movie) chính là một game tương tác được trình chiếu trên định dạng điện ảnh. Netflix từng có một tập phim Puss In Boots tương tác với khán giả. Hai thập kỷ trước John Hurt từng tham gia một phim gợi dục tương tác có tên là Tender Loving Care. Thậm chí, phim tương tác đầu tiên được ra mắt là Kinoautomat có từ năm 1967. Tuy nhiên, việc đưa chúng ta tiếp cận sâu vào thể loại này tới mức như Bandersnatch là chưa hề có. Hãy tưởng tượng xem phim trinh thám và rồi cảnh sát không bắt được kẻ giết người chỉ vì bạn chọn sai loại ngũ cốc ăn sáng mà xem.

Ngoài đời, game Bandersnatch cũng không bao giờ được phát hành và công ty Tuckersoft đã bị phá sản.

Giống như chính game trong phim, Bandersnatch là một tập phim sơ khởi chứa đầy lỗi. Người xem sẽ gặp vô số điều bực mình khi xem phim, từ lỗi lặp khi bạn phải làm đi làm lại một nhiệm vụ cho tới lỗi về kỹ thuật khi đang xem phim thì bị “đứng hình” phải thoát ra xem lại. Thất vọng lớn nhất có lẽ là các câu chuyện không được “đã” như nhiều tập của Black Mirror, không khiến người ta sửng sốt đến mức cay đắng.

Thế nhưng đừng quên rằng Bandersnatch là một game với ý tưởng đột phá đầy tiềm năng. Bộ phim đã mở ra tương lai của phim tương tác, dám thử nghiệm một ý tưởng mới và là trường hợp thú vị để nghiên cứu hành vi con người. Tính triết học và biểu tượng của Bandersnatch cũng rất rõ ràng, thông qua câu chuyện “phá vỡ bức tường thứ 4” để nêu lên câu hỏi hiện sinh về việc liệu chúng ta có đang được tự do ý chí (free will) không hay đang chịu kiểm soát bởi một thế lực nào đó?

Hiện tại, phim được chiếu trên Netflix với phiên bản tương tác dành cho khá nhiều thiết bị từ điện thoại tới máy tính. Đừng bỏ qua một cảnh chiến đấu rất điên và đã trong phim. Chúc may mắn để tìm ra được cái kết cho trò chơi của Stefan!

Chia sẻ

Bài viết

Ngọc King.

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất