1. Suicide Squad dù hay nhưng vẫn có những vấn đề to đùng
Với một nhóm khổng lồ các nhân vật với những đặc điểm quá khác biệt gồm Deadshot, Harley Quinn, Rich Flag, Killer Croc, Diablo… nhiệm vụ giới thiệu nhân vật vào mở đầu phim trở thành một thử thách thực sự với Suicide Squad. Mỗi nhân vật đều có một câu chuyện quá khứ quá phức tạp, và cả nổi tiếng (như trường hợp của Harley Quinn), do đó nội việc kể lại một cách sơ lược làm sao để khán giả nắm được câu chuyện cũng ngốn của bộ phim một thời lượng đáng kể.
Tất nhiên sự giới thiệu ấy là hợp lý, và cần thiết về cả mặt logic lẫn trải nghiệm của những người xem đơn thuần. Nhưng với những fan truyện tranh, hay những người xem đã có một vốn hiểu biết nhất định về nhân vật, điều này khiến việc thưởng thức nửa đầu bộ phim trở nên khó khăn hơn, khi họ phải trải qua cùng lúc cảm giác bồn chồn khi những thứ mình đã biết cứ được kể đi kể lại mãi không xong, còn cốt truyện chính đầy háo hức thì mãi chưa thấy bắt đầu.
Mặt khác, phần giới thiệu này cũng khiến nửa đầu phim trở nên gượng gạo khi giữa các phần thiếu đi sự chuyển tiếp mềm mại. Tiết tấu giật cục và sự rời rạc này chỉ mất đi đâu đó từ phút thứ hai mươi, khi các thành viên của Suicide Squad cùng bước lên một con thuyền (trong trường hợp này, là một chiếc máy bay). Cho tới tận lúc ấy, bộ phim mới thực sự là một chuỗi trôi chảy các sự kiện thu hút một cách tuyệt đối sự theo dõi của khán giả.
Sự xuất hiện của Batman trong phần đầu phim thực sự là một điểm sáng quan trọng, bởi nó giúp khán giả “định vị” được Suicide Squad trong dòng thời gian của DC Extended Universe (DCEU - tên gọi thế giới điện ảnh của DC) được đánh dấu bằng sự ra đời của Man of Steel (2013). Trước khi Suicide Squad ra mắt, đã có những tin đồn về một Batman khác sẽ xuất hiện trong bộ phim - như cách chúng ta đã có đến hai Superman - phiên bản điện ảnh và phiên bản truyền hình, mặc định rằng đó là những câu chuyện xảy ra ở các thế giới song song riêng biệt. Nhưng Batman đã xuất hiện, và vẫn do Ben Affleck đảm nhận. Điều này chính là sự khẳng định rõ ràng rằng Suicide Squad nằm cùng một vũ trụ với Men of Steel, Dawn of Justice và các phim sau đó.
Mở đầu Suicide Squad, ta thấy Amanda Waller cùng các cộng sự của mình đang cố gắng giải quyết những nguy hiểm tiềm tàng sau cái chết của Superman, bao gồm cả nguy cơ xuất hiện một Superman mới không chia sẻ cùng con người một hệ giá trị. Waller tìm cách hợp thức hoá Suicide Squad như một lối thoát giàu tiềm năng. Từ đây, có thể thấy cho tới lúc này, ba bộ phim thuộc DCEU diễn ra gần như liên tiếp: Superman đánh bại tướng Zod trong Man of Steel, trận chiến ấy khơi lên mối nghi ngại của Batman về Superman trong Dawn of Justice, đồng thời cũng là tiền đề ra đời của Justice League. Và cuối cùng, Suicide Squad chính là thời “hậu chiến” không yên bình của trận chiến trong Dawn of Justice.
Sự thật nhãn tiền là vốn thời gian của DC đang cạn dần trong cuộc chạy đua các phim về siêu anh hùng. Dawn of Justice đã bị hi sinh để trở thành “sân khấu” cho màn ra mắt chớp nhoáng của Justic League. Và buồn thay, tiếp nối truyền thống ấy, Suicide Squad tiếp tục trở thành “sân sau” để ngầm quảng bá cho biệt đội siêu anh hùng lớn nhất vũ trụ DC. Không chỉ Batman, mà cả The Flash cũng có một màn cameo chớp nhoáng trong những cảnh đầu phim. Suicide Squad cũng là phim đầu tiên của DC xuất hiện mid-credit. Và bất ngờ là mid-credit này cũng chỉ dành để “ỡm ờ” về sự xuất hiện của Justice League.
Thế nên, hoặc series phim về Justice League sẽ là series phim đỉnh nhất mà DC từng sản xuất, hoặc tất cả những nỗ lực lồng ghép ép buộc rải khắp các bộ phim trước nó sẽ chẳng vì gì cả.
2. Buổi trị liệu tâm lí của những siêu ác nhân
Đừng nhìn nhận Suicide Squad theo cách bạn nhìn nhận một bộ phim siêu anh hùng bình thường. Đó là chìa khoá để bạn có thể thưởng thức phần lớn những gì xảy ra trên màn ảnh. Hãy tưởng tượng nó giống như một buổi điều trị tâm lý dành cho các ác nhân vậy.
Một ông bố xa con, một thiếu nữ khùng điên vì luỵ tình, một kẻ phản bội ranh ma nhưng “chậm tiêu”, một tên giết người bị nuốt chửng bởi cảm giác tội lỗi, một kẻ bị xã hội xa lánh - đó là một bản mô tả ngắn gọn những gì xảy ra trong đầu các nhân vật của đội Suicide Squad. Ai cũng có một vấn đề tâm thần nghiêm trọng - một nỗi ám ảnh quá lớn khiến bản thân họ không thể vượt qua được, và chi phối hành động của họ trong những chặng sau đó của cuộc hành trình. Từ từ, xuyên suốt bộ phim, những vấn đề tâm lí ấy sẽ được tháo gỡ, bằng chính sự tác động qua lại lẫn nhau của từng thành viên trong nhóm.
Deadshot có thể là một tay bắn tỉa thiện xạ với đôi mắt cú vọ tinh tường - giống như miệng lưỡi của anh ta. Nhưng Deadshot cũng là một người cha tìm mọi cách để được ở bên con gái mình, một người thủ lĩnh đáng để tin cậy, và cả một người đàn ông đủ tinh tế và dịu dàng để nắm bắt được những nhịp cảm xúc của Harley Quinn. Diablo cũng là một nhân vật thú vị trong “buổi trị liệu tâm lý” của Suicide Squad. Nhân vật này là mắt xích chiến thuật yếu nhất, nhưng anh ta lại là mắt xích tinh thần vững chãi nhất. Bởi anh ta chính là “nhân tử chung” cảm xúc của tất cả các thành viên trong đội. Gây ra tội ác, nhưng không thể nhìn thẳng vào sự thực mình là kẻ ác, kí ức bị chôn chặt trong mặc cảm và tội lỗi…. Chính sự tương đồng ấy đã kết nối các thành viên trong Suicide Squad từ những cá nhân đơn lẻ, với những động cơ khác biệt, trở thành một đội. Họ không chiến đấu vì công lí, cũng chẳng vì tương lai nhân loại. Lí tưởng của những con người ấy giản đơn hơn rất nhiều: “Mày gây sự với bạn tao, cũng là mày gây sự với tao rồi”. Chỉ có thế. Vậy nhưng nên chuyện.
3. DC có thực sự biết tấu hài?
Khác với hai người đàn anh đi trước, Suicide Squad là một sự nổi loạn, vượt qua mọi truyền thống nghiêm cấm và đen tối đã thành thương hiệu của DCEU. Tất nhiên những tấm poster và hình ảnh quảng bá sặc sỡ theo phong cách cầu vồng của phim cũng được tính vào sự nổi loạn này.
Tuy nổi loạn, nhưng Suicide Squad vẫn dùng lại công thức đã mang lại thành công cho Guardians of the Galaxy hay Deadpool - nhạc phim tạo ra cảm xúc. Những bản hip hop xuất hiện dày đặc trong phim khiến người xem cảm giác muốn được nhún nhảy, đập phá và buông mình theo các nhân vật họ chứng kiến trên màn ảnh. Và giữa những âm thanh vừa khiêu khích lại vừa ngỗ ngược ấy, bộ phim tung ra một chuỗi những tình tiết chọc cười khán giả.
Khó có thể nói những màn tấu hài trong Suicide Squad là hay ho hay tinh tế. Ví von hơn nữa thì nó giống như cái ngón tay cứng ngắc của kẻ nghịch ngợm nào đó chọc vào eo bạn, làm bạn giật nảy mình. Cười thì có cười, nhưng cùng với tiếng cười ấy đôi lúc lại là cảm giác về sự giật cục khó chịu. Vì không đúng thời điểm, vì quá đột ngột, vì ngắn ngủi, vì lặp đi lặp lại… Chung quy lại, là thiếu trọn vẹn.
Nhịp phim không đồng nhất, tiếp tục quảng cáo không công cho Justice League, nhưng xét đến cùng, Suicide Squad vẫn là một sự khởi đầu không tệ. Cho một nhánh hài hước hơn, khiêu khích và điên loạn hơn trong vũ trụ DC.