Với câu chuyện xoay quanh những mảnh đời ở đáy xã hội, những con số đỏ đen của trò lô đề, cờ bạc, Ròm chắc chắn là "của lạ" đối với thị trường phim Việt.
Hãy thử nhớ lại xem lần cuối bạn xem một bộ phim bần cùng và bế tắc đến vậy là từ khi nào? Bộ phim lấy bối cảnh tại Sài Gòn nhưng không có những tòa cao ốc mang tính biểu tượng, không có ánh đèn neon lấp lánh của đô thị phồn hoa. Giống như một phần câu chuyện của Parasite, Ròm đi mải đi mải xuống tận đáy xã hội, tìm đến những con người thấp bé, sống trong khu chung cư tồi tàn, tối tăm và kể cho khán giả nghe câu chuyện về họ. Đó là màu sắc riêng của Ròm. Và đó là lý do tại sao Ròm được ví như cột mốc mới của điện ảnh Việt Nam.
Đạo diễn Trần Thanh Huy đã xây dựng cho Ròm một nền móng rất tốt, từ việc khái quát câu chuyện của nhân vật chính cho tới việc chuẩn bị những tình tiết, nhân vật xung quanh, có liên quan. Dù khai thác chuyện lô đề, cờ bạc nhưng phim không cố phân định rạch ròi giữa đúng và sai, vì đó chỉ là công cụ để đạo diễn phản ánh đời sống của nhân vật Ròm, hay mở rộng ra là cuộc sống của những người tại khu chung cư cũ.
Điều mà chắc hẳn người xem nào cũng cảm thấy ấn tượng rất ở Ròm đó chính là các cảnh quay. Đạo diễn Trần Thanh Huy từng tiết lộ 99% thời lượng phim là góc máy nghiêng. Nó tạo cảm giác chông chênh, thiếu an toàn và đặc biệt là đem đến sự phá cách.
Yếu tố này tương hỗ rất tốt với nhịp độ gấp gáp của bộ phim. Các nhân vật liên tục chạy, chạy, đánh lộn rồi lại chạy, chuyển động lướt qua khung hình rất nhanh khiến người xem không khỏi choáng ngợp. Nhưng đạo diễn vẫn không quên tạo ra những khoảng lặng để đi sâu vào nội tâm nhân vật cũng như động cơ hành động của họ.
Ở đây chúng ta lại thấy được sự cống hiến hết mình cho vai diễn của Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson. Cả hai không ngại lăn xả, trầy trật để cho ra những thước phim chân thực đến ám ảnh. Bản thân cặp đôi nhân vật chính cũng được xây dựng với những màu sắc, tính cách vô cùng thú vị. Giữa họ có những đối lập vừa phải, đủ để tạo ra mâu thuẫn và đẩy mạch phim lên cao trào.
Dẫu vậy Ròm vẫn gây tiếc nuối trong việc duy trì tính liền mạch. Có thể thấy kịch bản còn tồn tại khá nhiều lỗ hổng về mặt logic, các chi tiết được đưa vào nhưng lại không hề có lời giải thích thỏa đáng. Đặc biệt là cái kết mở của phim, tuy khơi gợi được vấn đề nhưng cách thể hiện dường như còn qua loa và thiếu thuyết phục.
Mạch cảm xúc trong phim cũng tương đối thất thường. Lỗi này có lẽ đến từ việc cách dựng phim, cắt cảnh khá thô cứng khiến các khung hình thiếu tính kết nối dễ khiến người xem bị hẫng.
Khán giả có thể kỳ vọng nhiều hơn ở Ròm sau những lời tung hô có cánh, nhưng với một bộ phim có chủ đề gai góc và phản ánh mặt tối của xã hội, Ròm đã thành công trong việc bứt phá khỏi ngưỡng an toàn và đem tới trải nghiệm điện ảnh đặc biệt cho người xem.