Phim Ảnh

Review phim 'Điều ba mẹ không kể': Bao nhiêu nước mắt cho vừa?

Nguyễn Trần Đăng Khoa
Chia sẻ

Điều Ba Mẹ Không Kể là câu chuyện về đôi vợ chồng già Cho Nam-bong và Lee Mae-ja cùng mắc căn bệnh mất trí nhớ. Vào những ngày cuối đời, họ đã cùng nhau tô đậm miền ký ức thanh xuân đang dần phai mờ. 

Điều Ba Mẹ Không Kể (Romang) là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lee Chang-geun, với sự tham gia của những diễn viên gạo cội của điện ảnh Hàn Quốc như Lee Soon-jae, “ông nội quốc dân” đã gây rất nhiều ấn tượng với khán giả qua những bộ phim như Gia đình là số một (High Kick!), Tiệm cà phê Hoàng Tử (Coffee House),Jung Young-sook, nữ diễn viên 72 tuổi cũng sẽ vào vai người vợ của Lee Soon-jae, cùng một số diễn viên khác như Jo Han -cheol, Bae Hae-seon, Jin Seon-kyu, Park Bo-kyung, Lee Yeon-won.

Cảnh báo spoil: Bài viết có chứa một vài chi tiết trong phim, vậy nên hãy chắc là bạn đã đến rạp để thưởng thức tác phẩm này trước khi đọc tiếp.

Điều Ba Mẹ Không Kể xoay quanh cuộc sống của một gia đình nhỏ 3 thế hệ, một cuộc sống bình thường như bao gia đình khác. Chuyện kể về cặp vợ chồng Cho Nam Bong và Mae Ja đã chung sống 45 năm. Người chồng làm nghề chạy taxi đã lâu năm, ông vô cùng gia trưởng, cộc cằn và nhưng lại rất thương gia đình. Mỗi ngày, ông dành hết thời gian cho công việc của mình để có thể trang trải và lo cho vợ con. Trong khi đó, người vợ Mae Ja là mẫu người phụ nữ tần tảo, luôn hết lòng vì gia đình. Cùng với người con trai, con dâu và một đứa con gái, cuộc sống của họ vẫn cứ trôi qua bình yên như thế, cho đến một ngày, biến cố xảy đến với gia đình nhỏ, thứ mà bất cứ gia đình nào cũng sẽ phải đối mặt: tuổi già.

Giờ đây, khi mọi chuyện chẳng thể nào trở về như trước, những thành viên trong gia đình nhỏ mới nhận ra những điều mà ba mẹ luôn chôn giấu, những “điều ba mẹ không kể”, hay nói đúng hơn, là chẳng thể kể.

Đôi khi không phải là chưa kể, mà là chẳng thể kể nữa rồi.

Xuyên suốt bộ phim là những phân cảnh khiến khán giả phải rơi nước mắt. Hình ảnh có lẽ sẽ ám sâu vào tâm trí người xem nhất có lẽ là khi cả gia đình quyết định đưa bà Mae Ja đến viện dưỡng lão vì căn bệnh của bà ngày càng nặng và chẳng ai “đủ rảnh rỗi” ở nhà trông nom cả. Người xem chợt nhận ra, khi mỗi người chúng ta còn nhỏ, dẫu hư đốn, bừa bộn, lì lợm ra sao, hay suốt những năm tháng ốm đau, bệnh tật, chưa một lần mẹ có ý định rời xa. Ấy vậy mà đến lúc bà già yếu, điều đầu tiên người con làm sẽ là dọn hết đồ đạc của mẹ, tìm một viện dưỡng lão rồi đưa bà đến đó.

Mae Ja hoàn toàn hiểu cho con mình, vì hơn ai hết, bản thân bà biết căn bệnh mà mình đang mắc phải, sẽ làm phiền đến con mình nhiều lắm. Vẫn là nụ cười ấy, nụ cười để đứa con có thể yên lòng, yên lòng sống tiếp, yên lòng trở về căn nhà mà từ nay sẽ chẳng có mẹ nữa. Để rồi khi người con quay đi, bà vẫn dõi theo từng bước cùng nỗi nghẹn ngào đang trực trào trong đôi mắt người mẹ già. Khi mẹ già rồi, thì con sẽ bỏ mẹ sao?

Thêm vào đó là những khoảnh khắc cuối cùng ông bà dành cho nhau khi mặt trời của cả 2 cũng đã dần khuất bóng. Làm việc tần tảo cả cuộc đời, để rồi sau 45 năm, Cho Nam Bong mới nhìn lại và trân quý người vợ luôn ở bên, động viên, chăm sóc mình qua từng sóng gió.

Ông gài nút áo cho bà nè,

được bà cắt tóc cho,

chở bà đi khắp nơi,

nên bà cưng ông nhiều lắm!

Vì căn bệnh mất trí nhớ xảy đến với cả 2, vậy nên ông bà đã viết thư cho nhau và dán khắp nhà, để người kia có thể đọc khi lấy lại lý trí. Ông chợt nhận ra, dù dành cả cuộc đời, nhưng chưa một lần nhìn về phía bà. Giờ đây, những mẫu tình cỏn con sẽ được tô vẽ qua những lời nhắn, những dòng thư tay viết vội, mang theo những chất chứa mà chưa một lần ông già 70 tuổi có thể nói ra.

“Bà đừng mất trí nhớ, tôi chỉ còn có bà thôi. Tôi xin lỗi bà nhiều lắm”

Xót xa nhất, vẫn là tấm bảng mà ông làm cho nhau, khi cái mà người ta vẫn gọi là tuổi già, đã ập đến với 2 vợ chồng. Khi con cái đã không còn ở bên, cả 2 phải tự lo lắng, chăm sóc và trông chừng cho nhau. “Bệnh nhân mất trí nhớ, xin gọi về số…..” là những dòng được cả 2 đeo vào cổ. Hơn ai hết, Cho Nam Bong và Mae Ja biết rõ, khi cơn mất trí nhớ tái phát, sẽ chẳng có ai ở đó chăm sóc và giữ họ khỏi việc đi lạc, vì con họ đã không còn ở cạnh bên.

2 ông bà đeo cho nhau tấm bảng “Bệnh nhân mất trí nhớ, xin gọi về số…..”

Ai cũng dường như quá đỗi bận bịu với cuộc sống mưu sinh, để rồi nhìn lại, cha mẹ chẳng còn ở đó nữa. Thật buồn cười cái cách mỗi chúng ta chẳng hề biết trân quý những thứ kế bên, để rồi khi đánh mất, thì mới bắt đầu nuối tiếc.

Xuyên suốt bộ phim, dẫu đã có nhiều tình huống hài hước đan xen và le lói đâu đó tia nắng ấm áp của sự hạnh phúc, thì người xem vẫn chẳng thể có một phút giây yên lòng. Xuyên suốt 2 giờ phim, thứ mà Điều Ba Mẹ Không Kể mang chính là một màu xưa cũ, với đôi chút đượm buồn, đôi chút luyến tiếc về những điều thân thuộc đã trôi qua quá nhanh.

Sẽ chẳng lời nào có thể diễn đạt được hết những tình cảm chất chứa mà Điều Ba Mẹ Không Kể mang lại. Đây thật sự là một bộ phim gia đình đúng nghĩa, nhẹ nhàng có, sâu lắng có, vui có, buồn đó. Tác phẩm là bản hòa ca sâu lắng với những chất liệu vô cùng đời thường, chắc chắn sẽ lưu lại trong kí ức người xem mãi về sau.

Trailer Điều Ba Mẹ Không Kể

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Trần Đăng Khoa

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất