Phim Ảnh

'Ký Sinh Trùng - Parasite': Tuyệt tác được phác hoạ từ hy vọng và bi kịch, từ lối sống ký sinh giữa người với người

Vy Bùi
Chia sẻ

Ký Sinh Trùng (Parasite) là tác phẩm đạt giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes, phản ánh mạnh mẽ sự phân biệt giàu - nghèo khắc nghiệt ở xã hội Hàn Quốc.

Ký Sinh Trùng (Tên tiếng Anh: Parasite) là tác phẩm đã đi vào lịch sử của ngành điện ảnh Hàn Quốc khi mang về giải thưởng Cành cọ Vàng tại LHP Cannes đầu tiên cho nước nhà. Với cốt truyện mới lạ, hiện đại, khéo léo đánh thẳng vào những vấn đề xã hội khắc nghiệt nhưng lại không gây phản cảm, tranh cãi, tác phẩm của đạo diễn Bong Joon Ho thật sự xứng đáng được công nhận là một 'tuyệt tác'.

'Ký Sinh Trùng': Tuyệt tác được phác hoạ từ hy vọng và bi kịch, từ lối sống ký sinh giữa người với người

Làm nên sự thành công của Ký Sinh Trùng phải kể đến việc lựa chọn thể loại hài kịch đen - là một dòng kịch hoặc phim mà ở đó những vấn đề nghiêm trọng, nhạy cảm như tôn giáo, chính trị, chiến tranh, giết người, tệ nạn, tội phạm…được mang ra làm một trò đùa châm biếm. Ở tác phẩm này, sự bất bình đẳng xã hội, ranh giới xa xôi giữa người giàu và người nghèo trở thành cốt lõi tâm điểm. Từ đó, mọi nhân vật, mọi chi tiết tương phản hay plot twist đều được xây dựng xoay quanh vấn đề ấy.

Hy vọng 'thoát khỏi tầng hầm' của những con người ở dưới đáy xã hội

Một gia đình 4 người gồm có người cha Kim Ki Taek, vợ Chungsook, anh trai Kiwoo và em gái Kisung. Giữa thành phố Seoul hiện đại và văn minh như thế, họ vẫn phải sống nơi tầng hầm hôi thối, lạc hậu tại một khu ổ chuột. Bố và mẹ đều thất nghiệp, con trai thi trượt đại học 4 lần, con gái út Kijung cũng thôi học vì không đủ tiền học phí, họ dường như đã chạm đáy tuyệt vọng và nghèo khổ.

Ngay từ những phút đầu tiên của Ký Sinh Trùng, việc khắc hoạ rõ nét sự lạc hậu, thiếu thốn của gia đình ông Kim phần nào đã khiến khán giả 'choáng ngợp'. Không có wifi, cả gia đình buộc phải bắt sóng điện thoại ở…toilet. Thậm chí, họ còn chấp nhận sống cùng những đợt phun thuốc trừ sâu bọ với mong muốn được diệt côn trùng miễn phí. Để trang trải chi phí hằng ngày, họ chỉ nương nhờ vào công việc xếp hộp pizza vốn có thu nhập thấp.

Cuộc sống khó khăn của gia đình ông Kim được khắc hoạ rõ nét.

Nhưng việc Kiwoo (Choi Woo Sik) vô tình được nhận làm gia sư tại một gia đình giàu có nhờ làm giả bằng cấp đã mang đến một tia hy vọng cho những con người ở dưới đáy xã hội. Biết được họ cũng đang cần một giáo viên mỹ thuật, anh đã nhanh trí giới thiệu hoạ sĩ Jessica, thật chất là em gái của mình để cùng làm việc tại ngôi nhà này.

Một khi được đặt chân vào thế giới của người giàu, người ta càng tham vọng nhiều hơn.

Từ cột mốc đó, các thành viên còn lại của gia đình ông Kim cũng dùng mọi thủ đoạn để trở thành người làm thuê cho gia đình giàu có này. Kim Kitaek trở thành tài xế lái xe của ông Park - chủ nhân gia đình giàu có, còn bà Chungsoo được thuê làm quản gia. Quan trọng hơn hết, họ chưa bao giờ để lộ mối quan hệ gia đình.

Khi bị đẩy đến đường cùng, khi sống dưới đáy xã hội, chỉ cần nhìn thấy một ‘vật chủ’ tiềm năng, con người ta vô tình lựa chọn lối sống ký sinh để dựa dẫm hoàn toàn vào ‘vật chủ’ này. Đáng tiếc thay, lối sống này đã khiến gia đình ông Kim đạp lên giá trị sống cốt lõi của xã hội. Và hơn cả hy vọng ‘thoát khỏi tầng hầm’ chính là tham vọng được sống giàu có, sung túc.

Bi kịch xảy đến với tầng lớp giàu có nhưng giữ tư tưởng khinh miệt người nghèo

Đối lập với sự nghèo khổ của gia đình ông Kim, gia đình ông Park - đại diện cho tầng lớp giàu có của xã hội Hàn Quốc, được hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, không bận tâm về tiền bạc. Chính vì có được điều kiện sống tốt như thế, dường như con người ta cũng tự biến mình thành một 'người tốt'. Một trong những lời thoại để lại suy ngẫm cho khán giả chính là: Nếu tôi giàu như họ, tôi cũng sẽ tốt bụng, thậm chí còn tốt hơn.

Tuy nhiên, 'tốt hơn' người khác, không đồng nghĩa với quyền được khinh miệt những người có địa vị thấp kém hơn trong xã hội. Ban đầu, gia đình ông Park được phác hoạ gần như hoàn hảo, cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng càng 'bóc tách' những lớp vỏ của cốt lõi bộ phim, ta càng nhận ra nhiều vấn đề xoay quanh tình cảm vợ chồng, cha mẹ, tư tưởng phân biệt xã hội của gia đình này. Người ta có thể mang lên mình một chiếc mặt nạ tốt đẹp, nhưng không thể nào thay đổi bản chất bên trong.

Điều này đã trở thành một mầm hoạ, thứ sẽ mang đến bi kịch cho gia đình ông Park về sau.

Yếu tố làm nên sự thành công của Ký Sinh Trùng

Ký Sinh Trùng là một bộ phim phản ánh vấn đề xã hội nhưng không hề nặng nề, khó hiểu. Thông thường, những bộ phim được đánh giá rằng có giá trị nghệ thuật cao khó có thể tiếp cận đến phần đông công chúng. Nhưng Ký Sinh Trùng thì khác, bằng chứng là bộ phim đã đạt thành tích 2,3 triệu người xem chỉ trong 3 ngày tại Hàn Quốc.

Xem thêm: Phim 'Ký sinh trùng': Thắng giải tại 'LHP Cannes', đạt 2.3 triệu người xem sau 3 ngày nhưng thua 'Thử thách thần chết 2'

Ngoài ra, vai diễn của các diễn viên dường như đã được 'đo ninh đóng giày', giúp thông điệp của bộ phim càng đi vào lòng người hơn: Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả, vì kế hoạch không bao giờ theo đúng ý ta, chẳng thà đừng lên kế hoạch, đừng trông chờ, cứ để mọi việc xảy ra tự nhiên. Khi mọi việc nằm ngoài tầm kiểm soát, cũng chẳng có gì đáng lo ngại.

'Kế hoạch tốt nhất là không có kế hoạch gì cả…'

Ký Sinh Trùng sẽ được khởi chiếu toàn quốc ngày 21.6.

Chia sẻ

Bài viết

Vy Bùi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất