Bằng chứng vô hình không phải là bộ phim Việt đầu tiên lấy đề tài giật gân, tâm lý, tội phạm. Nhưng đứng giữa một rừng những tác phẩm hài, tình cảm đã quá quen thuộc, cộng thêm quãng thời gian gián đoạn vì dịch bệnh thì đây lại trở thành một món lạ rất được khán giả mong chờ.
Nội dung phim xoay quanh cô gái tên Thu, một học viên cảnh sát tài năng nhưng đã phải bỏ dở ước mơ sau khi mất đi thị lực trong vụ tai nạn ô tô. Thu tình cờ trở thành nhân chứng của một vụ án và điều này đã đẩy cô vào vòng xoáy nguy hiểm dưới sự truy đuổi của tên sát nhân bí ẩn.
Thuộc thể loại thriller nhưng Bằng chứng vô hình không lựa chọn cách dẫn dắt theo hướng kịch tính ngay từ đầu. Thay vào đó phim tập trung khai thác tâm lý của nhân vật và những câu chuyện của họ để khán giả có được cái nhìn bao quát nhất trước khi bước vào “cuộc đi săn”. Đây chính là cách để đạo diễn cân bằng giữa hai yếu tố giật gân – tâm lý và đem tới sức nặng nhất định cho tác phẩm.
Nhưng đừng vì thế mà xem nhẹ mức độ căng não bởi bất cứ khi nào mạch phim được đẩy nhanh là sự gay cấn đến nín thở sẽ ngay lập tức bao trùm. Những cảnh rượt đuổi được xử lý tốt nhờ kết hợp tông màu xanh lạnh lẽo và âm thanh dồn dập, chói tai pha chút ma mị. Thậm chí một số đoạn chỉ cần sử dụng những bản nhạc nhẹ nhàng cũng đủ sức làm khán giả cảm thấy căng thẳng. Kỹ thuật dựng phim và các góc máy quay cũng góp sức đáng kể vào điểm mạnh này khi tạo cho khán giả cảm giác hồi hộp, gấp gáp như chính các nhân vật.
Không chỉ “nặng đô” về nhịp phim mà Bằng chứng vô hình còn “nặng” cả về những cảnh quay rùng rợn hiếm thấy trên phim Việt. Chúng được thể hiện vừa táo bạo vừa khéo léo để không quá phản cảm nhưng vẫn đảm bảo được ý đồ của đạo diễn.
Kịch bản là yếu tố được nhiều khán giả quan tâm và có thể khẳng định rằng đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã làm tương đối tốt và trọn trịa. Các chi tiết được Việt hóa gần gũi có thể khiến người xem quên mất rằng Bằng chứng vô hình thực chất là một sản phẩm remake. Thời lượng đầu của phim có bố cục khá chặt chẽ, thông minh nhưng càng về sau lại càng xuất hiện nhiều lỗ hổng về logic và đây là điểm gây tiếc nuối nhất.
Còn điểm sáng lớn nhất của phim chắc chắn nằm ở dàn nhân vật đa dạng được thể hiện bởi những cái tên không thể hợp hơn.
Trong vai chính là một cô gái khiếm thị. Phương Anh Đào tiếp tục chứng minh tài năng của mình ở nhiều dạng vai khác nhau. Với những bộ phim đã tham gia, nữ diễn viên luôn gây ấn tượng khi thể hiện các phân đoạn cảm xúc và Bằng chứng vô hình cũng không phải ngoại lệ. Không thể biểu cảm qua ánh mắt, cô vẫn thuyết phục được khán giả bởi cách đọc thoại mang nhiều tâm trạng.
Thu cũng là nhân vật có cá tính và được xây dựng tốt. Dù là lúc khỏe mạnh hay khi đã mất đi thị lực, khán giả vẫn rất tâm đắc với những gì mà cô thể hiện, đặc biệt là màn suy luận thần sầu không kém gì Sherlock Holmes. Bên cạnh câu chuyện đầy xúc động của Thu, đạo diễn cũng đã rất tài tình trong việc tạo nên mối liên kết về mặt tình cảm giữa cô và các nhân vật khác để từ đó thấy được sự phát triển tâm lý của nhân vật.
Về phần Quang Tuấn, anh tiếp tục cho thấy khả năng đóng vai phản diện của mình. Từ Thất sơn tâm linh sang đến Bằng chứng vô hình khán giả vẫn bị anh dọa khiếp vía với biểu cảm khuôn mặt đáng sợ, tàn bạo đúng chất của một tên sát nhân biến thái. Thế nhưng trái ngược với Thu, quá khứ của nhân vật này lại khá tầm thường và chưa đủ sức để hình thành nên một kẻ ác nhân mưu mô, xảo quyệt như khán giả chứng kiến trên màn ảnh.
Mặc dù có những điểm trừ nhưng Bằng chứng vô hình vẫn là một tác phẩm có chất lượng khá và phát súng mở màn đầy tiềm năng cho thị trường phim Việt ở nuối năm nay.
Bằng chứng vô hình khởi chiếu từ ngày 10.7.2020.