Chuyển thể từ bộ manga nổi tiếng cùng tên, Alice in Borderland (Thế giới không lối thoát) xoay quanh Arisu, một chàng thanh niên nghiện game, không nghề ngỗng, không mục đích sống, suốt ngày chỉ chơi bời đàn đúm bạn bè. Bỗng một ngày, Arisu cùng hai người bạn nhận ra toàn bộ người dân đã bốc hơi không dấu vết, cứ như thể tất cả vừa bay màu cú búng tay của Thanos vậy. Thế nhưng đó là lúc cả ba nhận ra mạng sống của họ đang bị đánh cược trong một trò chơi cực kỳ cân não.
Alice in Borderland có cách đặt vấn đề rất trực diện. Từ nhân vật Arisu, có thể nhận ra phim dành lời phê phán nhắm thẳng đến nhóm người lười biếng và sống cuộc đời vô nghĩa. Xuyên suốt hành trình của nam chính, chúng ta thấy anh đã có chuyển biến lớn trong suy nghĩ, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc sống. Phim đã rất thông minh và tinh tế khi lựa chọn những biến cố có tác động đến sự phát triển này, làm cho nó cực kỳ thuyết phục và giàu cảm xúc.
Nếu như các bộ phim khai thác tâm lý con người thường bị đánh giá là nặng nề, khó xem thì Alice in Borderland, hay nói đúng hơn là đa phần các bộ phim của Nhật, đều né được nhược điểm đó.
Ấy là bởi các nhà làm phim Nhật Bản rất thích sử dụng motif “đấu trường sinh tử”, “một mất một còn”. Nó giúp mạch phim diễn ra dồn dập, tạo được cảm giác nguy hiểm rình rập, run sợ không biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Cách làm này còn đem đến hiệu quả đa chiều, tức là không chỉ cho thấy diễn biến tâm lý của nhân vật chính mà còn cả các nhân vật phụ, thậm chí là nhân vật phản diện.
Một yếu tố nữa khiến khán giả không thể rời mắt khỏi Alice in Borderland chính là nhờ kịch bản.
Ngay từ khi bắt đầu, chúng ta đã được giới thiệu đến màn kiểm tra IQ vô cùng kịch tính. Dù cho lúc đó chưa hiểu chuyện gì, logic trong phim diễn ra như thế nào nhưng khán giả nghiễm nhiên bị cuốn vào vòng xoáy đó bởi màn thể hiện quá đỗi ấn tượng của các nhân vật.
Khi độ khó của trò chơi càng tăng thì đó cũng là lúc các chi tiết nhỏ cài cắm suốt phim được bóc tách. Từng tiểu tiết đều được tận dụng tối đa nhằm giải thích cho những thắc mắc tồn tại từ đầu phim. Tuy còn một vài yếu tố chưa được làm rõ nhưng chắc chắn chúng sẽ được giải đáp trong phần sau.
Alice in Borderland còn chiêu đã khán giả bằng hàng loạt phân cảnh hành động đẹp mắt. Nhìn nữ chính Usagi trổ tài parkour leo tường thoăn thoắt chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ thán phục. Những màn đấm đá cũng được chỉ đạo võ thuật rất ấn tượng, kèm theo hiệu ứng slow-motion ở những khoảnh khắc cần thiết càng làm tăng thêm giá trị và cảm xúc cho cảnh quay.
Tuy nhiên điểm trừ lớn nhất của Alice in Borderland đó chính là có quá nhiều nhân vật. Dù câu chuyện của họ được xử lý tương đối gọn ghẽ trong 8 tập phim nhưng ngần ấy vẫn là chưa đủ để có thể gây ấn tượng với khán giả. Ngoại trừ các nhân vật chính có background đầy đủ thì những gương mặt còn lại chỉ được lướt qua một phần rất nhỏ của quá khứ, hầu như không có ý nghĩa cho lắm ở bối cảnh sinh tồn của phim. Bên cạnh đó việc hồi tưởng quá nhiều cũng khiến người xem cảm thấy mệt mỏi, dông dài, nhất là trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Phim cũng gây tiếc nuối trong khâu xử lý hình ảnh. Mặc dù công nghệ làm phim đã vô cùng phát triển nhưng một vài phân đoạn kỹ xảo trong Alice in Borderland thực sự khiến người xem phải ngao ngán.
Mùa 1 của phim khép lại vẫn còn rất nhiều dang dở. Nhưng cú cliffhanger ở tập cuối hứa hẹn mở ra một chương mới với những thử thách khó nhằn và nguy hiểm gấp bội. Sở hữu nội dung hấp dẫn và nhiều bất ngờ như vậy, Alice in Borderland chắc chắn là tác phẩm không nên bỏ qua.
Alice in Borderland hiện đã có trên Netflix.