Vào ngày 16/6, đã có 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước bao gồm: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và công ty VAA gửi đơn khiếu nại đến Cục điện ảnh, Hội điện ảnh và các cơ quan chức năng để khẳng định họ đang bị CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp.
Dù mọi chuyện (có vẻ) đã được giải quyết ổn thỏa, song cùng lúc, dư luận một lần nữa xôn xao trước thông tin bộ phim X-Men: Apocalypse do hãng Fox phát hành sẽ không xuất hiện tại các rạp CGV, hay nói cách khác, khán giả sẽ không thể tiếp cận Apocalypse với hơn 1/3 số rạp trên cả nước.
Hai sự việc xảy ra gần một thời điểm, nhất là khi đối tác chính của Fox lại là Galaxy. Trong khi trước đó, CGV vẫn là nhà phát hành phân phối những bộ phim của Fox, điển hình như Deadpool vào Tết năm 2016. Vô tình hay cố ý, đã có rất nhiều ý kiến bày tỏ, động thái mà CGV từ chối X-Men hay Independence Day chính là do sự đáp trả nhắm vào Galaxy sau vụ kiện hồi tháng 6.
Nhưng để giải thích kỹ hơn, ở đây, việc CGV không chiếu X-Men: Apocalypse và Independence Day: Resurgence là do không đạt được thoả thuận với hãng Fox. Bản thân Apocalypse đã ra mắt vào 20/5, trong khi ngày gửi đơn khiếu tại của 8 công ty là 16/6. CGV không thể lấy lý do vì Galaxy tham gia vụ kiện để cấm cửa X-Men và Independence Day.
Hầu hết, những phán đoán đều cố tình gộp hai sự kiện thành một để cáo buộc nhà phát hành lớn nhất tại Việt Nam đang chèn ép đối thủ và làm ảnh hưởng đến nhu cầu xem phim của khán giả. “CGV ích kỷ, người xem bị thiệt“, “CGV dùng quyền lực của đại gia để thâu tóm thị trường” hay “CGV một mình dùng tay che trời” chính là những nhận xét chung nhất đến từ những kênh truyền thông và một bộ phận công chúng chưa hiểu đúng câu chuyện.
Theo đánh giá của Luật sư Phạm Hoài Huấn, kiêm giảng viên của một trường đại học danh tiếng, thì xét theo khía cạnh của Luật cạnh tranh, CGV không hề vi phạm những gì liên quan đến tỷ lệ ăn chia.
“Điều kiện tiên quyết để áp dụng điều 13 khoản 4 luật cạnh tranh đó là các giao dịch phải là như nhau. Ví dụ: CGV phân phối phim A. Nhà chiếu phim K áp dụng tỉ lệ chia là 45%, trong khi nhà chiếu phim H được chia tỉ lệ là 55%.
Trong khi đó, bản chất của các giao dịch này là khác nhau hoàn toàn. Trong lĩnh vực điện ảnh, xét từ góc độ thương mại phim của Hollywood chiếm ưu thế tuyệt đối so với phim Việt Nam. Nhu cầu đối với các phim bom tấn kiểu này là rất cao. Việc phân phối phim của Việt Nam sản xuất và phim bom tấn của Hollywood, là hai loại giao dịch hoàn toàn khác biệt, khó có cơ sở để kết luận CGV vi phạm pháp luật cạnh tranh liên quan tỉ lệ phân chia“.
Qua đó mới thấy, việc CGV kỳ thị phim của Fox không hề “ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam nói chung”. Một số độc giả đã bị các kênh truyền thông lợi dụng và dắt mũi khiến họ tin rằng, mâu thuẫn giữa CGV và Fox đang làm kìm bóp sự phát triển của nền điện ảnh nội địa. Cạnh tranh trong kinh doanh sẽ luôn diễn ra đối với nền kinh tế thị trường, và nó sẽ mãi là một cuộc chiến sống còn giữa kẻ thắng và người thua. Vậy nên, đừng cố tìm lý do để giải thích vì sao CGV vẫn ung dung duy trì cách thức hoạt động của họ.
Tuy nhiên, bài viết này không nhằm mục đích nhắc lại chuyện đã qua chỉ để giải oan cho CGV. Hiện tại, đã tròn một năm kể từ lúc đạo diễn Ngô Thanh Vân công bố dự án Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Ngoài sức công phá trên màn ảnh, quả bom tấn trị giá 22 tỷ này còn đang gây bão truyền thông và chuẩn bị khơi mào lên một cuộc chiến thứ hai, dự đoán sẽ có sức công phá mạnh mẽ và động chạm đến nhiều giá trị khác. CGV có thể đã thắng. Nhưng đó là vấn đề của hai tháng trước. Chuyện gì sẽ và đang xảy ra tiếp theo nếu “tin đồn” Tấm Cám: Chuyện chưa kể không được ra mắt tại cụm rạp lớn nhất Việt Nam này là sự thật, hãy đón đọc phần 2 của bài viết sẽ được ra mắt vào ngày mai, 16/8.