Từ xưa đến nay, đề tài cung đấu luôn là một món ăn hấp dẫn người xem vì không chỉ mở ra một cuộc sống xa hoa, lộng lẫy trong Tử Cấm Thành mà còn khai thác triệt để những mưu tính, thâm sâu không để đo lường của phi tần hầu cận hoàng đế.
Phượng khấu Tập 3.
Lần đầu tiên, khán giả Việt được lần thấy rõ tường tận bức tranh đấu đá trong hậu cung bậc quân vương thông qua dự án Phượng khấu, một bộ phim cổ trang cung đấu. Từng thước phim đều được khắc họa một cách rõ ràng những sự việc, sự kiện diễn ra thường ngày trong nội cung, kết hợp cùng diễn xuất đầy đặn của dàn nghệ sĩ gạo cội đã tạo nên một tác phẩm đáng được mong đợi trong thời gian gần đây. Thế nhưng thể loại cung đấu vốn đã phát triển mạnh ở thị trường phim Hoa ngữ nên Phượng khấu khó tránh khỏi vấp phải những so sánh với những bộ phim “đàn anh, đàn chị”. Trong những tình tiết mới nhất liên quan đến việc cung tần Đoàn Viên đột ngột mất đi hoàng nam, nhiều khán giả nhận xét là khá giống với hoàn cảnh của Phú Sát Hoàng hậu trong Diên Hi công lược và Thư Phi Ý Hoan trong Như Ý truyện.
Trong tập 3, người xem được chứng kiến cảnh ngọn lửa tàn bạo nhấn chìm nơi Đoàn Viên để con trai của mình nghỉ ngơi. Hậu quả, thần chết đã mang đi sinh mệnh của Hồng Thụ, đứa con bé bỏng của nàng. Đau đớn tột cùng, nàng ta bỗng sinh ra ảo giác rằng đứa con trai tội nghiệp vẫn còn hiện diện và nằm trong nôi, cất tiếng khóc để chờ nàng chăm bẵm.
Trong Diên Hi công lược, Hoàng hậu Phú Sát Dung Âm là một con người nhân phẩm cao quý, luôn đối nhân xử thế một cách chuẩn mực. Sau cái chết của đứa con trai đầu lòng là Nhị A ca Vĩnh Liễn, trung cung (Hoàng hậu) đã phải trải qua nhiều khổ đau, mất mát để rồi hoài thai và hạ sinh Thất A ca cho Đại Thanh. Hoàng đế vui mừng vì đích tử ra đời nên đã đặt tên cho Hoàng tử là Vĩnh Tông, ngụ ý kế thừa tông miếu của tổ tông.
Thế nhưng, những kẻ tiểu nhân trong hoàng cung nào để mẹ con nàng hạnh phúc. Giữa đêm Giao thừa lạnh giá, cung Trường Xuân nổi lên một ngọn lửa hung tàn, cướp đi đứa con trai bé bỏng của vị Hoàng hậu nhân từ. Đau khổ, tuyệt vọng cùng vết thương mất con trí mạng, nàng như hoá điên dại, một mực đòi đi tìm con mình và “nhất định phải chết theo con”.
Đến Như Ý truyện, có một Thư Phi Ý Hoan đem lòng yêu mến và ngưỡng mộ Hoàng thượng, song tình cảm ấy chỉ đổi lấy sự nghi kị bởi người chồng quân thượng. Người luôn cho rằng nàng ta chỉ là quân cờ của Thái hậu. Dù vậy, Ý Hoan đáng thương kia vẫn có thai và hạ sinh Thập A ca, đứa con trai bé bỏng mang sợi dây liên kết giữa nàng và Hoàng thượng.
Thế nhưng Thập A ca cơ thể suy nhược, vừa sinh ra đã mang bệnh nặng. Nếu như ở Phượng khấu, Đức kim thượng hết lòng động viên tinh thần cho người vợ đáng thương thì Hoàng thượng Càn Long trong Như Ý truyện lại lạnh lùng xa lánh con trai, tin vào lời tiên phụ tử khắc mệnh mà nhẫn tâm hạ lệnh mang Thập A ca ra ngoài cung nuôi dưỡng. Bi kịch được đẩy đến đỉnh điểm khi bên ngoài báo tin Thập A ca bệnh nặng qua đời, trái tim Thư Phi lúc đó như có ai đâm thủng. Kể từ đó, nàng sinh ra ảo giác rằng con trai của nàng vẫn còn sống, vẫn đợi nàng đút cho từng muỗng cháo, ngụm sữa.
Nhìn chung, Phượng khấu như một làn gió mới thổi hồn vào nền phim ảnh Việt Nam. Dù bước khởi đầu có va vấp cùng nội dung phim được “lấy cảm hứng” từ nhiều nơi nhưng đây vẫn là một dự án tiên phong đáng được khen ngợi và mong chờ.