Cũng khá lâu rồi, màn ảnh nhỏ Việt mới có một bộ phim truyền hình trở thành hiện tượng, được người người, nhà nhà bàn tán như Sống chung với mẹ chồng. Bất cứ diễn biến nào của phim cũng trở thành đề tài nóng hổi, được người xem bình luận sôi nổi và chia sẻ một cách chóng mặt, khiến Sống chung với mẹ chồng xuất hiện ở khắp mọi nơi, trở thành “drama quốc dân” trong nửa đầu năm 2017 (và có lẽ là cả năm 2017). Làm nên sức hút khó cưỡng của Sống chung với mẹ chồng là những “cái nhất” mà trước đó, ít có bộ phim truyền hình nào làm được:
Đối với các bộ phim Việt Nam, lượng khán giả theo dõi và tương tác chắc chắn không thể cao như cơn sốt phim Hàn. Tuy nhiên, Sống chung với mẹ chồng đã làm được điều đó. Bắt đầu phát sóng từ đầu tháng 4, sau 3 tháng phát sóng fanpage của phim đã đạt đến 500.000 lượt người theo dõi. Mỗi clip được chia sẻ đều có lượng xem đến trên 10.000 lượt, có những post đạt hơn 1 triệu lượt tiếp cận trên fanpage. Mỗi bài báo được đăng tải để có lượt thích đến gần 10.000 lượt. Từ khóa “Sống chung với mẹ chồng” cho ra hơn 2 triệu kết quả. Những con số cho thấy sức hút khủng khiếp của bộ phim.
Với thành công của Sống chung với mẹ chồng dàn diễn viên trong phim cũng nổi tiếng hơn bao giờ hết. Những cái tên như Bảo Thanh, Anh Dũng, Lan Hương Bông, Việt Anh,… được nhắc đi nhắc lại hàng ngày hàng giờ trên khắp các mặt báo. Người người nhà nhà đều bàn tán về các tình tiết trong bộ phim cho thấy sức ảnh hưởng không hề nhỏ của Sống chung với mẹ chồng. Mỗi nhân vật trong phim đều trở thành “biểu tượng”, ghi dấu ấn sâu sắc. Chính vì vậy, đây xứng đáng là bộ phim “quốc dân” trong vài năm trở lại đây.
Bà mẹ chồng ghê gớm nhất “vịnh Bắc Bộ”
Nhân vật mẹ chồng không phải là chuyện hiếm trong các bộ phim truyền hình nhưng phải đến Sống chung với mẹ chồng, loại vai này mới được nâng tầm và gây ấn tượng mạnh trong lòng người xem. Đặc biệt, với diễn xuất xuất sắc của NSND Lan Hương, vai bà Phương không chỉ khiến người xem cảm thấy thích thú mà còn bị ám ảnh bởi sự ghê gớm nhất “vịnh Bắc Bộ” của mình. Cứ nói đến mẹ chồng, người ta sẽ nhớ ngay ra bà Phương với câu chửi con dâu thậm tệ: “Nhà tôi thật vô phúc, vô phúc mới có đứa con dâu như chị”.
Bà Phương gây choáng váng cho nhiều người bởi đã rất lâu rồi trên màn ảnh Việt mới có một bà mẹ chồng tai quái như vậy. Hẳn ai cũng còn nhớ, bà Phương căn đúng thời điểm, lao vào mắng mỏ “tư thế” của con dâu ngay trong đêm tân hôn; gọi điện liên tục cho con trai bảo bối trong kỳ trăng mật vì lo con ăn có đủ bữa hay yểm bùa giấu dưới giường, chọc thủng bao cao su để con dâu có em bé. Bên cạnh đó, bà Phương còn thể hiện khả năng chửi mắng người khó có ai sánh nổi, bà đã chửi thì thôi, người ghê gớm nhất chắc cũng phải tắt tiếng.
Cô con dâu gây nhiều ý kiến trái chiều nhất
Bên cạnh mẹ chồng ghê gớm, Sống chung với mẹ chồng còn một nhân vật khác khiến người xem vừa yêu vừa ghét, vừa thương vừa giận là cô con dâu Vân (Bảo Thanh). Nhiều khán giả đồng cảm và thương cảm cho Vân, cô con dâu không có tiếng nói trong gia đình mới, luôn sống trong ánh mắt hà khắc của mẹ chồng. Sự cô độc của Vân trong gia đình chồng, nỗi đau đớn khi bị chính người chồng mình yêu thương đánh hay cảm giác bị sỉ nhục khi mẹ chồng chửi cha mẹ đẻ nhận được nhiều chia sẻ của khán giả.
Được thương là vậy, Vân nhận nhiều gạch đá vì cách cư xử không đúng mực của mình với gia đình chồng. Mẹ chồng cô quá quắt không ai phủ nhận nhưng chính Vân cũng chưa làm tốt trong vai trò một người con dâu. Ngay từ đầu, Vân đã xác định bà Phương chỉ là người ngoài - một người sẽ không bao giờ đối tốt với mình, nói chuyện với chồng chỉ xưng “mẹ anh” - điều này đã tạo ra khoảng cách lớn với chính cô và mẹ chồng.
Ông chồng bị chửi nhiều nhất
Hiếm có bộ phim nào mà hầu như tất cả các nhân vật chính của phim đều có khía cạnh đáng ghét như Sống chung với mẹ chồng. Từ mẹ chồng, con dâu cho đến chính người chồng đều “được” người xem cho ăn chửi nặng nhất chính vai anh chồng chưa trưởng thành Thanh (Anh Dũng). Ưu điểm của Thanh không phải không có (ví dụ như chiều vợ, thương mẹ) nhưng những phần nào tốt đẹp ấy nhanh chóng bị tính vũ phu, ghen tuông mù quáng của anh ta che lấp, biến Thanh thành kẻ khó có thể tha thứ trong mắt nhiều người.
Bộ phim khiến nhiều người ức chế nhất
Chính những cái nhất phía trên góp phần vào sự ức chế mà Sống chung với mẹ chồng đem đến cho người xem. Nhưng ức chế nhất, với nhiều khán giả, đó là phim không giải quyết mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu theo cách nhân văn hơn, mà lại đẩy mối quan hệ này vỡ vụn, mẹ chồng chửi cả nhà con dâu, con dâu thì căm hận nhà chồng.
Biết là trong thực tế cuộc sống, nhiều mẹ chồng, nàng dâu còn kinh khủng và ghê gớm hơn trong phim. Và cũng biết, thông điệp phim muốn truyền tải rằng, nếu mỗi người không tự điều chỉnh bản thân và đặt mình ở vị trí của người khác để thông cảm và bao dung, họ sẽ khó lòng chung sống hòa thuận. Nhưng nhiều khán giả vẫn muốn phim giải quyết vấn đề theo một cách khác, để không tạo thành một thành kiến, cứ mẹ chồng là ghê gớm, cứ con dâu thì vụng về, hỗn láo. Rõ ràng, hôn nhân đã trở thành một cái gì đó kinh khủng với nhiều người sau khi xem Sống chung với mẹ chồng.
Bộ phim đem lại nhiều bài học và ý nghĩa cho mỗi người
Những điều kể trên chỉ là một trong số các nhân tố giúp Sống chung với mẹ chồng giữ chân người xem ở lại với mình cho đến tập cuối. Ngoài ra, nhìn vào khía cạnh tích cực, phim còn khiến cho khán giả học được cách điều hòa mối quan hệ với gia đình, giữa mẹ chồng - nàng dâu. Nhiều cô gái học được cách lấy lòng mẹ chồng tương lai, nhiều bà mẹ học được cách hiểu con cái mình hơn.
Với những cái nhất kể trên, Sống chung với mẹ chồng đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem. Kịch bản hấp dẫn, diễn xuất chân thực, lôi cuốn của dàn diễn viên, người xem có quyền kỳ vọng nếu có Sống chung với mẹ chồng phần hai, để một lần nữa họ lại được cùng cười và cùng khóc với các nhân vật.