LALA: Hãy để em yêu anh là câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của những người trẻ, nơi họ sẻ chia giá trị cuộc sống, những tổn thương, tình yêu, tình bạn và tìm thấy những tâm hồn đồng điệu. Diễn biến của phim thực sự mở ra khi Yoon Hee (Chae Yeon), bạn gái của chàng nhạc sĩ G-Feel (San E) tài năng bất ngờ qua đời ở Việt Nam. Một giai điệu lạ cùng hình ảnh cô gái giống hệt Yoon Hee thường xuyên xuất hiện trong những giấc mơ của Hà Mi (Chi Pu) - cô nhạc sĩ trẻ người Việt. Về phần G-Feel, áp lực từ sự nổi tiếng, cái chết của Yoon Hee cùng đoạn nhạc mà Hà Mi đăng tải trên Youtube khiến anh quyết định đến Việt Nam để tìm lại tình yêu và những điều mà bản thân đã tự tay phá hỏng.
Quy tụ dàn diễn viên trẻ tiềm năng của cả hai quốc gia: San E, Chae Yeon, Chi Pu,… có thể nói bộ phim đã làm rất tốt ở phần hình ảnh. Các góc quay được chọn lựa kỹ lưỡng, nhân vật dù chính hay phụ đều đẹp không góc chết. Màu phim được xử lý đến từng chi tiết nhỏ, thể hiện sự chuyên nghiệp và tỉ mỉ của đội ngũ sản xuất và hậu kỳ. Quả thật, rất khó để tìm thấy một khoảnh khắc xấu nào trong phim. Những bản nhạc Việt và Hàn được sáng tác phù hợp với tâm trạng nhân vật và cảnh phim, vang lên đúng lúc tạo cảm giác liền mạch hơn rất nhiều cho câu chuyện phim vốn có khá nhiều lỗ hổng. Bên cạnh đó, diễn xuất của nhân vật cũng là điểm cộng đáng kể cho LALA: Hãy để em yêu anh.
San E là rapper lấn sân nhưng có vẻ vai diễn khá “vừa tay” với anh chàng. Sự mệt mỏi và tù túng khi mắc kẹt giữa tình yêu quá lớn của Yoon Hee và công việc anh đang theo đuổi; sự đau đớn, chết lặng khi ở đỉnh cao sự nghiệp bỗng chững lại và nhận được tin dữ của bạn gái… Dù biểu cảm của San E chưa thực sự phong phú nhưng thể hiện của anh cũng đủ để khán giả cảm nhận được sự đáng trách nhưng không đáng ghét ở G-Feel.
Chi Pu gây tranh cãi nhiều khi quyết định “cầm mic” nhưng điều đó không có nghĩa ở vai trò diễn viên cô không thể hiện hết mình để cho ra sản phẩm tốt nhất. Nét đơn thuần, trong sáng ở cô nhạc sĩ nghiệp dư Hà Mi được Chi Pu thể hiện vô cùng tự nhiên. Thêm một điểm cộng khác là khả năng nói tiếng Anh của nữ diễn viên khá chuẩn. Có trách, chỉ có thể trách nội dung kịch bản không dành nhiều đất diễn và tình tiết để Hà Mi tạo được dấu ấn sâu hơn trong lòng khán giả.
Chae Yeon quả xứng danh “nữ thần thế hệ mới” của Hàn Quốc, nét đẹp mong manh, nhẹ nhàng của cô trùng khớp hoàn toàn với hình tượng của Yoon Hee. Vốn là cô gái dịu dàng, yếu đuối, luôn hết lòng yêu và ủng hộ người yêu, Yoon Hee của Chae Yeon không hề bánh bèo, phiền phức mà ngược lại nét u tư, hiền dịu của cô gái ấy khiến người xem không thể dời mắt ở mọi phân cảnh có cô xuất hiện. Nhất là câu chuyện tình cảm động thời chiến giữa cô gái bị câm (cũng do Chae Yeon thủ vai) và anh lính. Đây có thể coi là điểm nhấn đáng quý nhất của cả bộ phim.
Dàn diễn viên phụ nổi bật với hai người bạn thân của G-Feel do Jin Ju Hyung và Kang Tae Yoon hay ông chủ tiệm ăn người Hàn cũng thể hiện rất tròn vai. Một anh chàng nóng nảy nhưng hết lòng vì bạn bè, một anh chàng lại lý trí thái quá, vì nâng đỡ tài năng của bạn thân mà tự quyết can thiệp vào chuyện tình cảm của G-Feel. Đó là những gì có thể hình dung về cặp vai diễn do Jun Ju Hyung - Kang Tae Yoon đảm nhiệm. Một chút yếu tố hài hước trong phim đến từ ông chủ tiệm ăn người Hàn, vẻ mặt và cách nói chuyện lơ lớ của ông khiến bộ phim vốn có phần tự sự ưu hoài được cân bằng đi khá nhiều.
Mối tình dang dở của cô gái bị câm và chàng lính hay câu chuyện “người yêu nhau lại làm tổn thương nhau” giữa G-Feel và Yoon Hee hay cả những rung động chớm nở giữa hai con người cùng say mê sáng tác là G-Feel và Hà Mi, tất cả đều được liên kết với nhau bằng bản nhạc mơ hồ xưa cũ. Thông điệp của bộ phim vốn dĩ rất đơn giản: Âm nhạc chính là sợi chỉ đỏ kết đôi cho tình yêu, âm nhạc cũng chính là chìa khóa khai thông tâm trí, giúp con người tìm lại chính mình.
Tuy nhiên, chính cách xử lý không khéo của biên kịch mà câu chuyện trở nên rối rắm và dễ gây buồn ngủ. Sự xuất hiện đan xen giữa quá khứ và hiện tại đáng lẽ ra phải là điểm mấu chốt giải quyết mọi mâu thuẫn trong phim lại khiến khán giả bị mơ hồ giữa hai khoảng thời gian. Một số chi tiết, cảnh quay lặp đi lặp lại nhiều lần với mục đích liên kết nhưng lại không thật sự mang lại hiệu quả cao, đôi lúc còn khiến chúng trở nên thừa thãi.
Giọng nói của Chi Pu vốn là điểm trừ lớn, gây trở ngại cho diễn xuất của cô, dù biểu cảm gương mặt tốt nhưng mỗi câu thoại của Hà Mi đều rất cứng khiến khán giả không cảm nhận được chút cảm xúc nào từ nhân vật. Thêm vào đó là những cảnh quay chậm xuất hiện với tần suất quá dày đặc cùng kỹ xảo được đặt không đúng chỗ khiến cảm xúc của người xem có phần bị hẫng. Điển hình phải kể đến cái chết của Yoon Hee, nếu không dùng quá thừa thãi kỹ xảo thì cái chết của cô đã đẹp và chân thực hơn rất nhiều.
Sau tất cả, điều đáng tiếc nhất của LALA: Hãy để em yêu anh không phải ở dàn diễn viên hay đạo diễn mà ở phần kịch bản thiếu tính logic và lửng lơ. Điều gì sẽ xảy đến với hai người bạn của G-Feel khi quay lại Hàn Quốc và giúp anh chống đỡ với dư luận? Tại sao Yoon Hee lại gieo mình xuống sông? Hà Mi và G-Feel có đang cảm mến nhau? Và kết thúc cho họ sẽ là gì? Đây là những câu hỏi mà bộ phim vẫn chưa trả lời được cho khán giả.
Trailer phim LALA: Hãy để em yêu anh.
LALA: Hãy để em yêu anh không tệ đến mức “ma chê quỷ hờn”. Đây là bộ phim lãng mạn vừa phải, thực tế vừa phải và đủ tính giải trí cho những người ra rạp không phải để “cân não” với các thể loại phim đòi hỏi sự tập trung và phân tích cao độ. Nhưng tất cả chỉ dừng ở mức vừa phải cho một bộ phim nhận được sự kỳ vọng cao của người hâm mộ, điều mà ekip làm phim nào cũng cần suy ngẫm và khắc phục.
Phim LALA: Hãy để em yêu anh hiện đang công chiếu trên toàn quốc từ ngày 02/02/2018.