Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Xóm trọ 3D': Dễ thương, dễ chịu và dễ đồng cảm

Một xóm trọ nhỏ với những người đồng tính sống cùng nhau, dù không cùng máu mủ ruột thịt nhưng họ vẫn đùm bọc chở che nhau những người thân thực sự. Cái tình người trong bộ phim đã lay động nhiều khán giả trẻ, dù thoạt đầu đã có những nghi ngại về kịch bản và dàn diễn viên trong phim.

Xóm trọ 3D từng được khán giả biết đến qua vở kịch cùng tên do sân khấu kịch Hồng Vân dàn dựng và biểu diễn cách đây 3 năm. Trong suốt thời gian công diễn, vở kịch nhận được sự quan tâm của đông đảo người xem và cũng là tiền đề để đạo diễn Hoàng Tuấn Cường chuyển thể thành phim điện ảnh được ra mắt trong những ngày vừa qua.

Xóm trọ 3D, nơi diễn ra những câu chuyện cười ra nước mắt.

Chuyện phim kể về khu xóm trọ nhỏ có 7 con người sống cùng nhau. “Thủ lĩnh” xóm trọ là má Lâm (Minh Nhí), một người từng trải qua nhiều va vấp trong chuyện tình cảm khiến anh mất lòng tin vào thứ gọi là tình yêu, nhưng ẩn sâu trong trái tim tưởng chừng như chai sạn kia vẫn là nỗi khát khao hạnh phúc. Sống cùng với má Lâm là Như Ý (Thái Duy) làm thợ trang điểm từ giới bình dân cho đến… xác chết trong nhà tang lễ, một anh thợ may hiền lành tên Tú (Nam Cường) có ước ao trở thành nhà thiết kế nổi tiếng, anh trợ lý đạo diễn Bảo Bảo (Hoàng Linh) luôn phải gồng mình “giả thẳng” và anh chàng ca sĩ Đỗ Lệ (Xuân Nghị) hát rong bán kẹo kéo, biểu diễn trong đám ma để kiếm sống. Mỗi người một thân phận, một câu chuyện và niềm mơ ước khác nhau, nhưng họ có điểm chung đều là những người đồng tính bị gia đình, người đời kỳ thị, xa lánh. Với vẻ ngoài nhiều màu sắc sặc sỡ, tính tình vui vẻ xởi lởi nhiệt tình, ít ai biết rằng họ cũng có những nỗi u uất bên trong.

Má Lâm - “thủ lĩnh” của xóm trọ. Đây cũng là vai diễn của Minh Nhí trong vở kịch cùng tên.

Hội “bóng hẻm” cá tính. Hàng trên: Như Ý (Thái Duy), Đỗ Lệ (Xuân Nghị).
Hàng dưới: Tú (Nam Cường), Má Lâm (Minh Nhí), Bảo Bảo (Hoàng Linh).

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Phong (Huy Khánh) - một người đồng tính giả đến xin ở trọ với những mưu toan không ai biết. Cuộc sống ở đây trở nên náo nhiệt hơn hẳn khi có người mới đến ở. Những câu chuyện “dở khóc dở cười” của các anh chàng “bóng hẻm” trong quá trình “giành giật” Phong. Nhờ vào vai trò dẫn dắt của mình, nhân vật Phong của Huy Khánh đã khiến khán giả hiểu thêm về cuộc đời của các thành viên trong xóm trọ.

Không cùng máu mủ ruột rà nhưng luôn có nhau trong mọi hoàn cảnh.

Những biến cố xảy ra khi Na (Maya) - cô em gái của má Lâm, người luôn tỏ ra mạnh mẽ như đàn ông để bảo vệ người anh trai của mình và xóm trọ - bỗng phải lòng Phong, một người mà cô nghĩ cũng thuộc về thế giới thứ 3. Những bí mật dần được hé mở, những câu chuyện của các nhân vật trong xóm trọ dần được lộ diện với nhiều nụ cười và không ít giọt nước mắt. Đỉnh điểm của bộ phim diễn ra khi má Lâm bị “chị đại giang hồ” (Hồng Vân) ép phải trả nợ với số tiền lãi không tưởng từ tiền gốc ban đầu. Khi mọi sự rơi vào bế tắc, một phép màu thật sự đã đến với khu xóm trọ nghèo nhưng chan đầy tình cảm.

Cảm xúc bất chợt giữa Na “manly” và Phong “giả lộ”.

Vốn là kịch bản kịch nổi tiếng lại được thể hiện bởi một dàn diễn viên xuất thân từ các sân khấu kịch nói, Xóm trọ 3D thoạt đầu không được khán giả mong chờ và đánh giá cao. Nhiều người vẫn e dè trước nguy cơ “kịch hóa” lời thoại - điều đã xảy ra khá nhiều trong các phim điện ảnh được chuyển thể từ kịch. Thế nhưng sau khi ra mắt, bộ phim lại nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn vì sự duyên dáng đáng yêu. Những tình tiết của bộ phim thật như cuộc sống đời thường của nhiều khu xóm trọ với những cãi vả vu vơ, những “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa những người hàng xóm, những nghĩa tình ấm áp của “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

“Bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Giống như Lô Tô, Xóm trọ 3D đưa đến khán giả cái nhìn về những người đồng tính mà giới bình dân thường gọi nhau là “bóng lộ”. Các nhân vật trong phim sở hữu nhiều màu sắc khác nhau. Có người mang đến những tiếng cười mãi không thôi, có người khiến khán giả “nổi gai óc” với số phận của họ, cũng có nhân vật làm cho người xem phải tặc lưỡi nuối tiếc vì sự ngây ngô của mình. Những vai diễn đồng tính được khắc họa rõ nét, mộc mạc, không bị cường điệu hóa và cũng không khiến người xem phải khó chịu. Tuy rằng họ ồn ào nhưng lại nặng tình cảm, tuy có vẻ họ đơn giản nhưng lại thật thà. Họ yêu chính mình, yêu những người xung quanh và luôn biết vị trí của mình vẫn còn chưa được chấp nhận trong xã hội. Nhưng không vì thế khiến các nhân vật đồng tính trong phim trở nên bi quan hay tiêu cực với cuộc đời, mà ngược lại, họ càng cố gắng trong công việc và cuộc sống để chứng minh giá trị của mình đối với cuộc sống này.

Xóm trọ 3D mang đến câu chuyện dung dị nhưng đầy nhân văn.

Nhân vật má Lâm chẳng có máu mủ ruột thịt gì với những nhân vật kia, nhưng má vẫn cưu mang mọi người, sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi các con gặp hoạn nạn. Khán giả sẽ nhớ hoài hình ảnh má Lâm đau đớn đánh một người con khi phát hiện anh ta đang yêu một chàng trai khác và bị lợi dụng. Má đánh con mà má rơi nước mắt. Má đau vì con của má cũng lại dẫm vào vết xe đổ của má ngày trước. Má xót xa khi nhìn thấy tình cảm của con mình lại không được người ta trân quý. Đến khi xóm trọ gặp biến cố vỡ nợ, má Lâm cũng một mình gồng gánh tìm cách giải quyết. Má sẵn lòng đứt từng đoạn ruột nghĩ đến chuyện bán khu xóm trọ do ba má nuôi - ông bà Sáu để lại. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ hiểu tình cảm của má Lâm dành cho những người con không cùng dòng máu kia to lớn đến mức nào.

Đánh con mà đau lòng má.

Nhân vật “Ông nội” do Việt Hương đảm nhận giữ vai trò kết nối giữa các nhân vật. Thoạt đầu, “Ông Nội” đem lòng yêu Na với những hành động có phần ngu ngốc chỉ để mong chiếm được cảm tình của người đẹp. Là chủ nợ của cả khu dân cư, đã có lúc “Ông Nội” lấy uy quyền của bản thân để ép buộc má Lâm phải thuyết phục cô em gái yêu mình. Thế nhưng càng về sau, trước tình cảm yêu thương nhau giữa những con người sống trong xóm trọ, “Ông Nội” đã đứng về phía họ, chống lại đại ca mặc cho phải gánh những trận đòn roi đáng sợ.

Trước đây, nhiều khán giả cho rằng, cũng giống như nghệ sĩ Hoài Linh, Việt Hương chưa có duyên với màn ảnh rộng. Bởi lẽ, hầu hết những phim có sự tham gia của chị đều bị khán giả chê bai từ phim đến diễn xuất, đơn cử như Cưới chạy, Tiên nữ không kiêng cử, Tía tui là cao thủ hay Quý tử bất đắc dĩ. Thế nhưng đến Xóm trọ 3D, nữ diễn viên đã chứng tỏ được năng lực của mình dẫu đây là vai diễn “giả trai” đầu tiên của chị trên màn ảnh rộng. Sự “đàn ông” trong nhân vật của Việt Hương đầy tự nhiên, không gượng ép mà vẫn giữ được nét duyên dáng của chị khi diễn xuất.

Thoát khỏi những vai diễn hài quen thuộc và có phần nhàm chán, Việt Hương đã thành công khi “nam tính” với vai “Ông Nội”.

Nữ diễn viên nhập vai rất ngọt khi dùng nhiều chiêu trò tán tỉnh Maya trong phim.

Vai diễn “chị đại” của NSND Hồng Vân mang đến nhiều cao trào cho bộ phim.

Về phần nam chính Huy Khánh và nữ chính Maya, tuy vai trò của họ không phải là mấu chốt trong toàn bộ câu chuyện, thế nhưng họ chỉnh là sợi dây dẫn dắt và điểm nhấn ngọt ngào giữa cuộc đời vốn nhiều trái ngang. Nếu như Huy Khánh vẫn giữ được nét đặc trưng trong những phân đoạn “tán gái” mà vẫn pha chút mềm mại khi phải “giả lộ” trong xóm trọ, thì Maya gần như thay đổi hoàn toàn. Người xem khó có thể nhận ra đây chính là cô diễn viên đầy sang trọng kiêu kì với đôi mắt sắc lẹm trong Scandal, hay cô trưởng phòng thành đạt sành điệu trong Sài Gòn, Anh yêu em. Trong Xóm trọ 3D, người ta nhìn thấy một Maya bụi bặm, bất cần và không tin vào chuyện tình cảm nam nữ. Ở cô chỉ tồn tại suy nghĩ duy nhất: Phải thật mạnh mẽ để bảo vệ xóm trọ, má Lâm và những người anh em yếu đuối ở đây. Có lẽ cô cũng là người “đàn ông” nhất trong xóm trọ, áp lực đè nặng lên cô gái vốn xinh đẹp nhưng phải che giấu bởi sự lạnh lùng, ngổ ngáo.

Khác với vẻ đẹp thường thấy, Maya đã thay đổi hoàn toàn để có một vai diễn ấn tượng.

Đây là lần thứ hai Maya và Huy Khánh diễn cặp với nhau sau Sài Gòn, Anh yêu em. Cũng chính thế, trong Xóm trọ 3D, ở phân đoạn tình cảm của hai người, khán giả cảm nhận được sự tự nhiên về diễn xuất. Nhưng như đã nói, màu sắc tình yêu của hai bộ phim hoàn toàn khác nhau, thế nên cặp đôi này cũng không tự dẫm chân mình. Tuy nhiên, không ít khán giả phàn nàn, cảnh quay trong mưa của họ trong Xóm trọ 3D khiến dễ dàng liên tưởng đến bối cảnh tương tự trong bộ phim, chỉ rằng thay thế mưa bằng tuyết giả. Nhưng có lẽ chỉ một chút đó thôi cũng không khiến người xem cảm thấy nhàm chán với sự đẹp đôi của Huy Khánh và Maya, cũng như là bớt yêu thích bộ phim này.

Là gia vị thêm cho bộ phim nhưng chuyện tình của Huy Khánh và Maya cũng tạo nhiều khoảnh khắc ngọt ngào đậm chất ngôn tình.

Cái kết đầy nhân văn ở cuối phim cũng là cách giải quyết vấn đề hợp tình hợp lý nhất. Ở phim Việt Nam, vấn đề “đầu voi đuôi chuột” luôn là vấn nạn đối với kịch bản, khi mà các nhà sản xuất, biên kịch nhồi nhét quá nhiều ở phần đầu và giữa phim nhưng lại giải quyết đơn giản nhanh chóng và không hợp lý khiến cho nhiều khán giả phải thất vọng. Thế nhưng ở Xóm trọ 3D, cái kết viên mãn, dễ chịu và đậm giá trị nhân văn, biến ước mơ và khát vọng của các nhân vật trở thành hiện thực, giúp người xem thở phào nhẹ nhõm và hài lòng khi khép lại bộ phim.

Hoàng Linh và Minh Nhí là hai gương mặt duy nhất trong vở kịch được đạo diễn Hoàng Tuấn Cường giữ lại cho phiên bản điện ảnh vì quá yêu lối diễn của họ trên sân khấu.

Dĩ nhiên Xóm trọ 3D vẫn còn nhiều thiếu sót trong kịch bản, diễn xuất cũng như cao trào, đơn cử như việc các nhân vật đồng tính đến cuối phim vẫn chưa tìm được hạnh phúc tình yêu cho riêng mình, hoặc nguyên nhân Phong xuất hiện ở xóm trọ, hay mâu thuẫn ganh ghét của má Lâm và người hàng xóm (Anh Vũ) không được nhắc đến nhiều… Thế nhưng, với sự tròn trịa về cảm xúc và ý nghĩa mà bộ phim mang đến, cùng nét duyên dáng của dàn diễn viên, Xóm trọ 3D thực sự dễ thương, dễ chịu và dễ đồng cảm.

NSND Hồng Vân đã dành hết tâm huyết để sản xuất bộ phim này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dx3

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hé lộ điều đặc biệt về không gian hẹn hò của Michael Trương ở Đảo Thiên Đường