Retro là thuật ngữ bắt nguồn từ tiếng Latin, có nghĩa là “phía sau” hay “trong thời gian đã qua”, dùng để chỉ phong trào hoài cổ, hướng về quá khứ. Trào lưu này không chỉ được các tín đồ thời trang, âm nhạc “mê mẩn”, mà còn trở thành cảm hứng cho nhiều nhà làm phim Việt Nam thời gian gần đây. Minh chứng là cả ba dự án nhận sự kì vọng từ khán giả Việt nửa cuối năm 2017: Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng và Tháng năm rực rỡ đều mang màu sắc Retro.
Màu sắc Retro tạo những thước phim “lung linh”
Nếu các tín đồ thời trang đang “mê mẩn” xu hướng Retro, thì ở các bộ phim mang màu sắc này, dàn diễn viên có tạo hình cổ điển, quyến rũ khiến khán giả mãn nhãn. Đưa người xem trở về những năm 2000, Tháng năm rực rỡ gây ấn tượng bởi trang phục nhiều màu sắc, đôi tất cổ cao, chiếc ô trong suốt,… Tất cả đều mang hơi thở xưa cũ, khắc họa rõ nét năm tháng tuổi trẻ vui tươi thời học sinh.
“Lùi lại” sâu hơn Tháng năm rực rỡ là Cô Ba Sài Gòn, lấy bối cảnh thập niên 60, phim xoay quanh mâu thuẫn giữa hai mẹ con Thanh Mai - Như Ý ở nhà may áo dài có truyền thống lâu đời Thanh Nữ. Ngay từ poster phim, người xem đã “choáng ngợp” bởi màu sắc cổ xưa đậm nét. Tại đó, dàn diễn viên như NSND Hồng Vân, Diễm My 6X, Ngô Thanh Vân, Diễm My 9X, Ninh Dương Lan Ngọc, Oanh Kiều mặc trang phục áo dài, từ cách trang điểm, kiểu tóc đến tạo dáng đều mang phong cách những mỹ nhân thời xưa.
Trong teaser phim, hình ảnh Ngô Thanh Vân trong vai Thanh Mai - chủ nhà may Thanh Nữ cẩn thận, tỉ mẩn may, đo áo dài gây ấn tượng cho người xem. Khán giả được chứng kiến người phụ nữ Việt duyên dáng, yêu kiều với trang phục truyền thống. Do đó, mỗi poster, teaser hay hình ảnh mới của Cô Ba Sài Gòn đều nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ người hâm mộ. Đặc biệt, poster phim trở thành tâm điểm… chế ảnh trên các trang mạng xã hội.
Teaser 1 của Cô Ba Sài Gòn
Không chỉ Tháng năm rực rỡ, Cô Ba Sài Gòn, tác phẩm điện ảnh Mẹ chồng cũng gây ấn tượng với người xem về trang phục, tạo hình nhân vật. Ngay từ poster phim, hình ảnh Thanh Hằng quý phái, quyền lực giúp khán giả hình dung về cô Ba Trân khôn ngoan, chịu nhiều ảnh hưởng từ nền giáo dục phong kiến. Bên cạnh quần áo, kiểu tóc, những chi tiết nhỏ như nhẫn, khuyên tai hay vòng đeo cổ của nữ diễn viên đều được chăm chút, chuẩn bị kỹ lưỡng.
Ngoài Ba Trân, nàng dâu Tư Thì (Lan Khuê thủ vai), Tuyết Mai (Midu đóng) hay mợ Bảy Loan (Ngọc Quyên) đều toát lên hình ảnh người phụ nữ xưa. Nếu Tuyết Mai trong sáng, Bảy Loan dịu hiền thì Tư Thì gây ấn tượng bởi sự đoan trang, đài các nhưng vẫn bí ẩn. Vì thế, Mẹ chồng như một bộ phim về chốn thâm cung, nơi các người đẹp ganh đua nhan sắc, quyền thế.
Teaser 1 của Mẹ chồng.
Phong cách Retro gợi nhắc quá khứ, khiến khán giả bồi hồi
Những thước phim đầy hoài cổ ở các bộ phim khiến khán giả không khỏi bồi hồi nhớ về quá khứ. Tháng năm rực rỡ là hành trình đi tìm lại ký ức thanh xuân của Hiểu Phương (Hồng Ánh) và nhóm nữ quái Ngựa Hoang. Khóc, cười cùng nhân vật, người hâm mộ ít nhiều tìm thấy chính bản thân mình thời trẻ trong nhóm bạn. Do đó, trò đùa nghịch ngợm hay suy nghĩ dại dột khi còn đi học của Ngựa Hoang vừa khiến người xem bật cười, vừa làm họ rưng rưng hoài niệm.
Có khả năng khiến khán giả đồng cảm, bồi hồi không kém ở Tháng năm rực rỡ là bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Không chỉ hình ảnh áo dài truyền thống Việt Nam, phong cách Retro còn thể hiện qua màu sắc, bố cục poster với những từ ngữ đặc trưng Sài Gòn xưa như “cuốn phim thời trang”, “tình cảm diễm lệ”, “nhứt trần ai”, “minh tinh nổi tiếng nhứt Sài Gòn”, “phim màu, nói tiếng Việt”, “màn ảnh đại-vĩ-tuyến”,…
Do đó, khán giả, đặc biệt là những người đã gắn bó lâu năm với mảnh đất Sài Gòn đều cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. Có thể nói, Cô Ba Sài Gòn chạm vào trái tim người xem bởi chính các sự vật thân quen, gần gũi. Sức nóng của poster, teaser phim đã khẳng định hướng đi đúng đắn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân: khai thác triệt để chất liệu dân tộc, từ kho tàng truyện cổ tích đến trang phục Việt Nam ở các dự án phim.
Teaser 2 của Cô Ba Sài Gòn.
Lên án sâu sắc tư tưởng lệch lạc trong quá khứ
Bên cạnh khả năng thể hiện vẻ đẹp phụ nữ xưa, tạo cảm hứng cho người xem, thì các bộ phim Việt Nam hướng về quá khứ còn thu hút do khai thác những vấn đề “nổi cộm” thời điểm đó. Ở Cô Ba Sài Gòn, lấy bối cảnh thập niên 60, khi áo dài Việt Nam phát triển mạnh mẽ, xen lẫn Âu phục phương Tây, phim xoay quanh mâu thuẫn giữa chủ nhà may Thanh Nữ và con gái Như Ý - truyền nhân Thanh Nữ nhưng thích chạy theo bộ đồ phương Tây thời thượng.
Đề cao trang phục truyền thống, Cô Ba Sài Gòn là quá trình nhận thức của cô gái trẻ Như Ý về nét đẹp áo dài, cũng như các giá trị văn hóa Việt Nam. Lời dẫn ở teaser khiến khán giả ấn tượng: “Chỉ đến khi đánh mất một điều gì đó, thì ta mới biết trân trọng nó”.
Nếu Cô Ba Sài Gòn truyền thông điệp về sự trân quý, gìn giữ nét đẹp truyền thống Việt Nam, thì Mẹ chồng lên án sâu sắc tư tưởng lệch lạc ở quá khứ. Xoay quanh gia đình trưởng giả Hội đồng Lịnh, phim kể về cuộc đời những nàng dâu đầy bi kịch, để cuối cùng, họ tự chèn ép nhau, nhân bản nỗi đau. Từ điểm nhìn hiện tại, nhìn về thuở trước, khán giả khẳng định rằng mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, vợ cả - vợ thứ trở nên gay gắt hơn bởi chính các giáo điều, luật lệ hà khắc, phong kiến.
Teaser 2 của Mẹ chồng.
Hướng máy quay về những thời đại trước, các dự án phim vừa có khả năng tả thực, vừa mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Do đó, Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng và Tháng năm rực rỡ không ít nhiều yêu mến, kỳ vọng từ khán giả Việt.