Phim Ảnh

'Hai Phượng': Chân dung người mẹ giàu cảm xúc nhất của 'đả nữ' Ngô Thanh Vân

Phương Thảo
Chia sẻ

Tình mẫu tử của Hai Phượng dành cho con sẽ không thể trở nên cảm xúc đến thế nếu bộ phim không tạo dựng nên chân dung của một người mẹ có quá khứ lắm lỗi lầm. Cả cuộc đời đầy rẫy những bước đi sai trái, song kể từ khi sinh ra Mai, Hai Phượng đã biết từ nay hành trình đúng đắn của mình sẽ ra sao. 

Hai Phượng - bộ phim đánh dấu vai diễn cuối cùng của Ngô Thanh Vân trong vai trò “đả nữ” - chính thức ra rạp trong sự trông đợi mạnh mẽ của giới mộ điệu. Không làm khán giả thất vọng, tác phẩm của Ngô Thanh Vân được người hâm mộ dành cho những mỹ từ như “phim hành động Việt Nam xuất sắc nhất”, “bộ phim vươn tầm Hollywood”, “tác phẩm nặng hành động, mang tính thời sự nhưng vẫn đầy cảm xúc”. Bên cạnh yếu tố hành động và tính thời sự, tác phẩm còn chạm đến trái tim khán giả bằng câu chuyện thấm đẫm tình mẫu tử giữa Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) và bé Mai.

Hành trình tìm con gian nan của Hai Phượng

Chuyện phim Hai Phượng theo chân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), người phụ nữ từng có quá khứ làm bảo kê nhà hàng, quán bar tại Sài Gòn, trở về Cần Thơ để sinh con, chăm sóc, nuôi nấng cô con gái bằng nghề đòi nợ thuê. Cuộc đời của hai mẹ con bước sang trang mới khi Mai bị bắt cóc trong một lần cùng mẹ đi chợ. Lần theo đám người bắt cóc lên Sài Gòn, Hai Phượng trở về chốn cũ, một thân một mình lăn xả, đi vào từng hang cùng ngõ hẻm để tìm con gái và đối mặt với những gã giang hồ lì lợm, nguy hiểm bậc nhất.

Không ngoa khi khẳng định rằng, Hai Phượng là bộ phim hành động Việt Nam hiếm hoi có thể vươn tầm Hollywood. Song, đó không phải là sự rập khuôn, bắt chước máy móc, ăn theo. Trên hành trình Hai Phượng tìm con từ Cần Thơ đến Sài Gòn, những cảnh đánh đấm nổi bật trên phông nền đa dạng nhưng đậm màu sắc Việt Nam: từ bờ sông, cánh rừng cho đến hẻm nhỏ trong thành phố, chuyến tàu chạy trong đêm… Không những thế, các cảnh cận chiến cũng được dàn dựng riêng với thế võ sáng tạo mới, phù hợp với vóc dáng người Việt, tôn lên vẻ đẹp của người mẹ nhỏ bé nhưng lăn xả Hai Phượng.

Xuyên suốt thời lượng bộ phim, “chị đại” Ngô Thanh Vân gần như chỉ lặp đi lặp lại câu thoại: “Trả con cho tao”, vì con, bà mẹ có vóc dáng nhỏ bé sẵn sàng phi thân lên thành phố Sài Gòn, lần theo dấu vết đến từng ngõ hẻm, xông vào hang ổ của đám giang hồ, bị đánh cho bầm dập đến chết đi sống lại nhưng vẫn vội vàng đứng lên để gấp gáp tìm con. Không ít khán giả cho rằng, Ngô Thanh Vân trong Hai Phượng không khác gì John Wick Việt Nam, nhưng thay vì để trả thù, người mẹ Hai Phượng có một sức mạnh và động lực lớn hơn nhiều lần.

Hai Phượng không phải là một bộ phim khơi dậy trong lòng khán giả sự cảm thương, xót xa cho một người mẹ đau đớn vì mất con. Trái lại, tình yêu ấy được thể hiện qua chính những pha hành động quyết liệt, đánh đấm bầm dập của nữ chính trên hành trình gian nan tìm lại con.

Tình yêu con của một người mẹ lắm lỗi lầm

Ngay từ mở đầu Hai Phượng, chân dung của nữ chính đã hiện lên là một người mẹ không hoàn hảo. Hành nghề đòi nợ thuê để nuôi con, cô khiến Mai bị dân làng, bạn bè trêu chọc, coi khinh. Nấu nướng vụng về, không thể dạy con chữ nghĩa, điều duy nhất Hai Phượng có thể truyền lại cho bé Mai là sự dũng cảm, vượt qua nỗi sợ bởi sợ hãi chỉ là cảm giác vô ích mà thôi.

Sau khi phác thảo sơ qua về chân dung của Hai Phượng và bé Mai, câu chuyện không còn đứng yên một chỗ mà bắt đầu cuộc hành trình gian nan, máy quay như được gắn vào gót chân của người mẹ đi từng ngõ hẻm để tìm con. Đan xen giữa các pha đánh đấm quyết liệt, những trường đoạn cảm xúc trở nên đắt giá; các ký ức đứt đoạn của Hai Phượng về quá khứ, những lời tự oán trách chính mình của người phụ nữ mất con dễ dàng lấy nước mắt người xem, ngay cả khi khán giả còn chưa kịp “hoàn hồn” bởi hàng loạt pha đánh đấm trước đó.

Khi những pha đánh đấm nhường chỗ cho diễn xuất nội tâm, người phụ nữ cứng cỏi, lầm lì dễ dàng chạm đến trái tim khán giả với những lời oán trách bản thân, cho rằng cả đời cô - ngay cả việc được sinh ra - đều là sai trái, riêng chỉ trở thành mẹ của Mai là đúng đắn.

Có thể nói, tình mẫu tử của Hai Phượng dành cho con sẽ không thể trở nên cảm xúc đến thế nếu bộ phim không tạo dựng nên chân dung của một người mẹ có quá khứ lắm lỗi lầm. Cả cuộc đời đầy rẫy những bước đi sai trái, song kể từ khi sinh ra Mai, Hai Phượng đã biết từ nay hành trình đúng đắn của mình sẽ ra sao. Đối với nhiều khán giả khó tính, chuyện phim Hai Phượng vẫn còn một số lỗ hổng trong kịch bản, song đôi khi, sự vô lý của nội dung cũng là sự có lý của tình mẹ, của tâm trạng hỗn loạn, bất chấp khi người mẹ nôn nóng đến mất trí đi tìm con.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất