Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Oscar vẫn là giấc mơ quá tầm của làng phim Việt

Bộ phim duy nhất được cử đi tranh tài tại Oscar năm nay là "Trúng số" không được chọn vào danh sách rút gọn một lần nữa cho thấy, bức tượng vàng vẫn còn quá xa tầm với của chúng ta.

Sau một năm gián đoạn, vào ngày 29/9 vừa qua, Cục Điện ảnh đã công bố bộ phim Trúng số sẽ đại diện Việt Nam tham dự giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới. Có đôi chút tiếc nuối khi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh không kịp tham dự do quy định phim hợp lệ phải ra mắt tại Việt Nam từ 1/10/2014 cho tới ngày 30/9/2015, và phải chiếu ít nhất bảy ngày liên tục.

"Trúng Số" - Bộ phim hài nhưng không nhảm của đạo diễn Dustin Nguyễn.

Trúng số - Bộ phim hài nhưng không nhảm của đạo diễn Dustin Nguyễn.

Dù thuộc thể loại phim hài nhưng Trúng số được phần đông khán giả đánh giá cao vì nội dung có tính nhân văn, lấy cảm hứng từ câu chuyện cô Lành bán vé số tại Long An từng trả lại 6,6 tỷ đồng tiền cho khách mua hồi năm 2011. Cũng cần phải nói rõ là Trúng số chỉ là phim được gửi đi dự Oscar, không phải được đề cử. Mỗi năm một quốc gia chỉ được gửi đi một phim. Ở vòng sơ loại thường có đến hơn 100 phim, phải vượt qua nhiều lượt mới lọc ra danh sách 5 phim cuối cùng được đề cử. Hẳn nhiên, với nội dung có phần thiên về giải trí của mình, cơ hội của Trúng số hầu như không có.

Cơ hội nào cho phim Việt ở Oscar

Trong lịch sử, Việt Nam từng cử 7 phim đi tham dự Oscar, bao gồm Mùi đu đủ xanh (1994), Mùa len trâu (2006), Chuyện của Pao (2007), Áo lụa Hà Đông (2008), Đừng đốt (2010), Khát vọng Thăng Long (2012) và Mùi cỏ cháy (2013). Trong đó Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng là trường hợp đặc biệt nhất, dù là phim nói tiếng Việt nhưng do Pháp sản xuất và quay hoàn toàn ở Pháp. Đây cũng là phim nói tiếng Việt duy nhất từng lọt vào danh sách 5 đề cử cuối cùng, nhưng thất bại trước Belle Epoque (Tây Ban Nha).

"Mùi đu đủ xanh" là phim Việt tiến sâu nhất trong vòng loại của Oscar.

Mùi đu đủ xanh là phim Việt tiến sâu nhất trong vòng loại của Oscar.

Đã từng có nhiều phim Việt giành các giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, như Bi, đừng sợ được vinh danh một số giải đạo diễn, quay phim, kịch bản, tại các LHP Cannes, Busan, Vancouver, hay Áo lụa Hà Đông được giải do khán giả bình chọn tại LHP Busan. Song nhìn chung đây chỉ là một số thành công đơn lẻ do nỗ lực cá nhân. Nhìn vào những phim nước ngoài từng được đề cử Oscar, có một thực tế rằng chúng ta còn cách trình độ của họ khá xa.

Chưa cần xét đến những cường quốc điện ảnh, chỉ cần trông sang Campuchia, khán giả Việt Nam có lẽ cũng không khỏi chạnh lòng. Năm 2014, bộ phim The Missing Picture của nước bạn đã nhận được một đề cử của Viện Hàn lâm. Đây là một phim tài liệu nhưng có cách kể cực kỳ độc đáo, câu chuyện được tái hiện qua những vật nặn bằng đất sét. Thông qua cách dẫn dắt khéo léo của đạo diễn, khán giả không chỉ xúc động về một thời kỳ đen tối của Khmer Đỏ, mà còn phải cảm phục về một tác phẩm có hàm lượng sáng tạo cao.

the-missing-picture

Nước bạn Campuchia từng gây bất ngờ với bộ phim tài liệu lọt vào danh sách rút gọn cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar.

Cơ chế trói buộc

Trước đây phim Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới về mặt công nghệ. Thế nhưng trong thời gian gần đây, các nhà làm phim ngày càng tiến bộ với việc học hỏi từ nước ngoài, nên rào cản về mặt kỹ thuật đã dần bị thu hẹp. Điều chúng ta còn thiếu là chiều sâu của tác phẩm, hay nói cách khác là đề tài của những phim Việt Nam còn quá “an toàn”.

“Dữ dội” nhất trong các phim Việt từng được cử đi Oscar có lẽ là Áo lụa Hà Đông, câu chuyện lay động lòng người về một gia đình trong thời loạn lạc. Ngoài yếu tố chủ quan từ các nhà làm phim, cũng còn một vấn đề nhạy cảm khác là sự kiểm duyệt gắt gao, khiến điện ảnh Việt Nam khó có thể xuất hiện những đề tài đột phá. Chính Phan Đăng Di, đạo diễn của Bi, đừng sợ, đã từng chia sẻ rằng kiểm duyệt đang kìm hãm sự sáng tạo, và sự sáng tạo suy cho cùng cần có sự tự do, cá nhân phải làm đến cùng với niềm tin của họ.

hadong6-1419163409086-25-82-391-800-crop-1419260939336

Cảnh nóng táo bạo một thời trong Áo lụa Hà Đông.

Năm ngoái, tác phẩm thắng giải Oscar nước ngoài là Ida đã thông qua hành trình của một cô gái trẻ mà khai phá đến tận cùng những góc đen tối của lịch sử, mặt trái của xã hội cũng như xung đột tôn giáo ở Ba Lan. Hay như Tsotsi, phim thắng giải năm 2005, nói về một tay giang hồ bỗng nhiên phải chăm sóc cho một đứa bé sơ sinh, và suốt phim không thiếu những cảnh bắn giết máu me. Những đề tài khốc liệt như vậy thật sự khó có thể xuất hiện tại Việt Nam trong tương lai gần.

nunnakokelaat-alttarilla-kuva-cinema-mondo

Một cảnh trong phim Ida.

Bài toán về doanh thu

Trên thực tế, các nhà sản xuất trong nước cũng không mấy mặn mà với dòng phim nghệ thuật vì doanh thu kém. Ở các nước tiến bộ về điện ảnh, thị trường thường có một phân khúc dành riêng cho phim nghệ thuật để những phim “khó xem” này vẫn có doanh thu. Điều này gần như không tồn tại ở Việt Nam, thực tế ngay cả phim nghệ thuật của Hollywood khi ra rạp còn kén khách, nói gì tới phim nội địa.

Cũng vì vậy, một số đạo diễn có thiên hướng nghệ thuật đã phải chuyển qua làm phim thị trường. Trong đó, trường hợp đáng tiếc nhất có lẽ là đạo diễn Lưu Huỳnh. Từ một vị đạo diễn được đánh giá cao về mặt sáng tạo, ông đã chuyển hướng sang dòng phim giải trí với Hiệp sĩ mù nhưng không mấy thành công. Mới đây, bộ phim Hy sinh đời trai còn bị xem là “thảm họa” và đánh dấu bước lùi của anh trai ông bầu Phước Sang.

hn4_EIMN

Hy sinh đời trai được coi là vết trượt dài trong sự nghiệp của đạo diễn Lưu Huỳnh.

Một thực trạng khác là các phim nghệ thuật thường phải nhận tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Mà đã nhận tài trợ thì thường sẽ bị kiểm soát ở một mức độ nào đó, khiến các đạo diễn khó mà đi đến cùng những ý tưởng nghệ thuật, đôi khi là cực đoan của mình.

Vừa công chiếu 2 tháng trước, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là phim đầu tiên được làm bằng vốn đầu tư dưới hình thức đặt hàng của nhà nước. Phim có hình ảnh trau chuốt và chất lượng nghệ thuật cao, song đâu đó vẫn còn những chỗ “chưa tới” so với truyện. Sự ích kỷ của nhân vật chính được giảm bớt, câu chuyện tình học trò không đậm nét như truyện, còn chi tiết chú Đàn và cô Vinh bỏ đi vì định kiến của người cha đã được cắt bỏ.

hoa-vang-co-xanh-chang-trai-nam-ay-chay-dua-tai-lhp-viet-nam-19_5

Oscar cho điện ảnh Việt trong thời điểm này vẫn là giấc mơ xa vời, nhưng không phải là không thể vươn tới. Những tín hiệu lạc quan gần đây như sự quan tâm của khán giả dành cho Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh hay dự thảo về Bảng phân loại phim mới đang thắp lên niềm tin cho các nhà làm phim. Biết đâu trong tương lai sẽ lại xuất hiện một Trần Anh Hùng mới, được thỏa chí làm phim ngay trên quê hương mình, để rồi bước ra vũ đài thế giới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV