Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Những thách thức 'Game of Thrones 6' phải đối mặt từ mùa 5

Trong khi hồi hộp chờ đợi món ăn tinh thần của mình công phá màn ảnh nhỏ, hãy cùng điểm lại những điểm tốt và chưa tốt của season 5 lên sóng cùng thời điểm này năm trước.

Tính thực tiễn

Được dán mác series sử thi hành động kỳ ảo, trong suốt nhiều season trước, Game of Thrones đã chinh phục người xem bằng nhiều cảnh chiến đấu hoành tráng, cùng những yếu tố phép thuật ly kỳ. Có thể thấy rõ điều này trong ba season đầu tiên, khi mà hầu hết nội dung xoay quanh diễn biến của Cuộc chiến năm vua - War of Five Kings. Như trận đánh Blackwater mãn nhãn trong tập 9 season 2, hay cảnh nàng Daenerys Targaryen (Emilia Clarke thủ vai) vươn dậy từ đống tro tàn, trên tay ẵm ba con rồng trong tập cuối season 1.

cersei-and-high-sparrow-house-lannister

Sức mạnh của người phụ nữ quyền lực nhất vương tộc Lannister cũng không thể cạnh tranh lại với niềm tin tôn giáo tối cao.

Tuy nhiên, sang đến season 5, những yếu tố này không còn chiếm vị trí thượng phong trong chiến lược thu hút người xem của Game of Thrones, mà đã nhường chỗ cho những chi tiết thực tiễn hơn, như các âm mưu chính trị và màu sắc tôn giáo. Trong các season, những nhân vật cư ngụ tại kinh đô King’s Landing (chủ yếu là gia đình Lannister) đều được xem như an toàn với những mối nguy bên ngoài. Nhưng qua đến season 5, với việc thái hậu Cersei (Lena Headey) trao vũ khí cho tòa thánh Faith of the Seven gồm hàng trăm ngàn người dân bần hàn đã thay đổi cán cân quyền lực.

Người trụ trì tôn giáo mang biệt danh Chim Sẻ Lớn (High Sparrow) đã lần lượt tống giam hai nữ hoàng Cersei Lannister và Margaery Tyrell (Natalie Dormer), cùng với hiệp sĩ danh giá Loras (Finn Jones). Màn đi bộ khỏa thân giữa đám đông dân chúng của Cersei trong tập cuối Mother’s Mercy giống như một lời nhắc nhở của tác giả George R.R. Martin rằng, tôn giáo trong thế giới Game of Thrones đóng một vai trò quan trọng không kém thế giới thực. Từ đây Game of Thrones không chỉ là trò chơi giữa những vị vua và gia tộc bề thế, mà ngay cả những người dân thường cũng có thể tạo nên bước chuyển lớn lao. Tương tự như vậy trong mạch truyện của mình, thay vì dẫn quân ra trận giải phóng nô lệ, “Mẹ Rồng” Daenerys Targaryen phải chật vật tìm cách trị vì những thành phố mà cô đã chinh phục.

emilia-clarke

Mẹ Rồng vẫn chưa đủ mưu toan để tham gia vào một cuộc chiến vương quyền thực sự.

Nếu như các season trước là cuộc chạy đua tranh giành ngô vị và sức mạnh quân sự, thì season 5 đã trở thành cuộc chơi của những mưu toan, ứng biến chính trị. Đây là một bước chuyển biến rất thành công của series, giúp chứng minh rằng sức hút của Game of Thrones hoàn toàn không liên quan tới kỹ xảo tốn kém hay cảnh hành động công phu, mà đến từ chính những tình tiết, âm mưu gay cấn và không kém phần thực tế của cốt truyện.

Nâng cao chất lượng cảnh hành động

thrones

Khán giả chắc hẳn chưa thể quên trận đánh cực kỳ hoành tráng và cam go giữa lính gác Tường Thành chỉ huy bởi Jon Snow (Kit Harrington) chống lại đội quân xác sống và Quỷ Bóng Trắng trong tập 8 - Hardhome. 15 phút hành động này đã được đông đảo người xem và giới phê bình đánh giá là cảnh phim hay nhất của season 5. Để có được phân cảnh hết sức chất lượng này, các nhà sản xuất Game of Thrones đã phải nếm trải không ít thất bại trong các season trước. Có thể lấy ví dụ trong tập 9 season 4 - The Watchers on the Wall - lại bị giới chuyên môn và khán giả phê bình là nhàm chán, ít điểm nhấn và kết thúc chưa hợp lý. 

Những cuộc chiến với các thế lực siêu nhiên đã dần xuất hiện.

Những cuộc chiến với các thế lực siêu nhiên đã dần xuất hiện.

Ra mắt năm 2014, toàn bộ 45 phút thời lượng của tập phim này được dành cho cuộc đối đầu giữa Đội Tuần Đêm trấn thủ Tường Thành và quân du mục phía bắc, một công thức tương đồng với tập Blackwater cực kỳ thành công của season 2. Sang đến season 5, dường như các nhà sản xuất Game of Thrones đã rút kinh nghiệm, đầu tư nội dung kỹ càng hơn và thu ngắn thời lượng cảnh phim. Kết quả của sự cải thiện này chính là tập phim Hardhome đầy gay cấn và hấp dẫn, phần nào gỡ gạc lại thất bại của The Watchers on the Wall một năm trước đó.

Xử lý kịch bản hiệu quả

Nguyên tác của Game of Thrones, bộ tiểu thuyết A Song of Ice and Fire hiện mới chỉ xuất bản năm trên tổng số bảy tập. Để đảm bảo tiến độ sản xuất, các nhà làm phim đã buộc phải cải biên một số tình tiết so với bản sách kể từ season 4. Nhiều thay đổi trong số đó đã được chính tác giả George R.R. Martin đồng thuận cũng như được đông đảo người hâm mộ bộ sách ủng hộ, như lược bỏ hẳn nhân vật chính Bran Stark (Isaac Hempstead Wright) khỏi season 5, kéo dài hai mạch truyện của Daenerys Targaryen và Tyrion Lannister (Peter Dinklage) để không vượt quá các tuyến còn lại.

Cái chết của cậu bé Jojen Reed và công chúa Myrcella Baratheon trong hai tập cuối season 4 và 5 cũng thu về phản hồi tốt từ phía người xem, dù trong nguyên tác cả hai đều còn sống. Cũng chính nhờ cách xây dựng kịch bản khôn ngoan đầy hiệu quả này mà hai biên kịch David Benioff và D. B. Weiss đã nhận về giải Emmy danh giá cho Kịch bản xuất sắc nhất trong đêm trao giải diễn ra vào tháng 9 vừa qua.

 Tuy nhiên, season 5 vẫn tồn tại một số thử thách mà season 6 cần phải cải thiện để tránh rơi vào “vết xe đổ”.

Thay đổi nguyên tác chưa hợp lý

jaime

Jaime Lannister là một trong những hiệp sĩ vĩ đại nhất 7 phụ quốc.

Đối với một kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết văn học xuất sắc như Game of Thrones, thì việc thay đổi nội dung cho khác với nguyên tác luôn là con dao hai lưỡi. Nếu như một số tình tiết được cho là đạt hiệu quả, giúp cho người xem dễ dàng nắm bắt nội dung, thì không ít thay đổi khác lại khiến mạch truyện trở nên rời rạc, thiếu logic, hay thậm chí nhảm nhí. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến Jaime Lannister. Nếu như trong tiểu thuyết, Jaime là một trong những nhân vật được độc giả ưa thích bởi lối ăn nói hài hước, cách hành xử bất cần đời và có phần “tưng tửng” không kém người em Tyrion, thì hình tượng của anh lại hoàn toàn bị hai biên kịch “đạp đổ” khi đưa lên màn ảnh.

Tại season 4, nam diễn viên Nikolaj Coster-Waldau đã phải cắn răng diễn một cảnh phim không mấy gì làm vui vẻ khi nhân vật của anh cưỡng bức chị gái, hoàng hậu Cersei ngay bên cạnh xác đứa con trai mới mất của hai người. Sang đến season 5, số phận của Jaime cũng chẳng mấy khá khẩm hơn khi bị phái tới xứ Dorne để giải cứu công chúa Myrcella, đồng thời cũng là con gái ruột của anh.

Jessica-Henwick1

Cũng từ đó, Jaime cùng với người bạn đồng hành là Bronn dấn thân vào một hành trình đầy rẫy hiểm nguy, nằm gai nếm mật để rồi lại… thất bại “lãng xẹt” trong cuộc đột nhập then chốt trong tập 8. Cách nhà sản xuất Game of Thrones xây dựng những cô gái Sand Snakes (con rơi của hoàng thân Oberyn Martell đã chết trong season 4) đã bị fan của tiểu thuyết A Song of Ice and Fire chê bai không tiếc lời. Nhưng kinh khủng và oan ức nhất phải kể tới hình tượng của vị vua, nhà chiến lược mẫu mực Stannis Baratheon khi bị biến thành người đàn ông mu muội, nhẫn tâm thiêu chết chính con gái của mình để rồi sau đó thất bại dưới lưỡi kiếm của một người phụ nữ.

Lạm dụng yếu tố gây sốc

Số phận bi thảm của tiểu thư nhà Stark.

Số phận bi thảm của tiểu thư nhà Stark.

Những cú twist (tình tiết bất ngờ khiến chiều hướng nội dung thay đổi hoàn toàn) từ lâu đã là đặc sản của Game of Thrones. Kể từ vụ hành hình đầy bất ngờ và tức tưởi của Ned Stark (Sean Bean thủ vai) trong tập Baelor, cứ mỗi khi mùa phim đến là khán giả lại được thưởng thức một vài cú sốc nặng ký, đủ khuấy đảo các mạng xã hội và truyền thông trong nhiều ngày (thậm chí cả tuần) sau đó. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến Tiệc Cưới Đỏ của season 3, trận đấu tay đôi giữa Oberyn Martell và hiệp sĩ khổng lồ Gregor Clegane trong season 4, trận giao tranh làng Hardhome ở season 5. Tuy nhiên, kể từ season 5 công chiếu năm trước, Game of Thrones đã bắt đầu xuất hiện những cú twist gây sốc thì ít mà gây phẫn nộ thì nhiều.

Đơn cử là cảnh Sansa Stark (Sophie Turner) bị gã bệnh hoạn Ramsay Bolton (Iwan Rheon) ngang nhiên cưỡng hiếp ngay sau lễ thành hôn của hai người, trong khi Theon Greyjoy (Alfie Allen) bị ép chứng kiến toàn bộ. Đây là một chi tiết không hề có trong nguyên tác tiểu thuyết, và dù có một bộ phận không nhỏ khán giả bị sốc bởi cảnh phim này, hầu hết đều tỏ ra bất bình vì nó không hề đi ngược lại mạch nội dung và dường như còn chẳng đóng vai trò gì quan trọng. Với việc cho Ramsay cưỡng hiếp Sansa, các biên kịch đã dẫm vào vết xe đổ mà họ đã gây ra cho nhân vật Jaime Lannister ở season trước.

shireen

Shireen.

Một phân đoạn khác cũng bị phản đối khá nhiều là cảnh cô bé Shireen Baratheon (Kerry Ingram) bị chính cha mẹ mình ra lệnh hỏa thiêu trong tập 9 The Dance of Dragon. Dù kịch bản đã khéo léo dồn vua Stannis, cha Shireen vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khiến ông buộc phải hy sinh con gái mình, nhưng hầu hết ý kiến phản đối đều đồng tình rằng cảnh phim thương tâm này quá dài, khiến người xem không thể nào thông cảm cho Stannis được nữa. Một lần nữa, chi tiết gây tranh cãi này lại là sản phẩm cải biên của bộ đôi David Benioff và D. B. Weiss chứ không hề có trong tiểu thuyết, làm cho không ít fan phải đặt ra câu hỏi: liệu Game of Thrones có thể hấp dẫn nữa không khi không còn dựa vào nguyên tác?

Kết

Dù vẫn còn những nhược điểm đáng kể, nhưng không thể phủ nhận rằng season 5 đã trở thành mùa phim thành công vang dội nhất của Game of Thrones từ trước đến nay. Với ratings đáng mơ ước 8.1 triệu lượt xem, cùng với cơn mưa giải thưởng tại các lễ trao giải và liên hoan phim danh giá, Game of Thrones vẫn nghiễm nhiên ở chiếu trên những series truyền hình hay nhất màn ảnh Mỹ. Tuy nhiên để tiếp nối một thành công lớn luôn là những thách thức còn lớn hơn, mà trước mắt không ai khác ngoài bộ đôi biên kịch David Benioff và D.B. Weiss sẽ phải đối mặt.

>>>Xem thêm:

Tất cả chú ý, tập đầu của ‘Game of Thrones 6’ sắp ra mắt trong một tuần nữa!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc