Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Những màn ’thay tên đổi họ’ bất đắc dĩ của phim truyền hình Hoa ngữ

Ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn với phim ảnh và các chương trình truyền hình, Tổng cục điện ảnh đang khiến nhiều nhà sản xuất phải đau đầu tìm cách "qua cửa". Cùng điểm lại những bộ phim gần đây vì tính khí "khó ở" của Cục mà bất đắc dĩ phải thay tên đổi họ nhé.

Không ngoa khi nói Tổng cục Điện Ảnh Và Phát Thanh Truyền Hình Trung Quốc (tên viết tắt: SARFT) là “đấng tối cao” trong ngành giải trí Hoa ngữ khi nắm trong tay toàn quyền sinh sát với mọi dự án phim hay chương trình truyền hình, dù là chiếu mạng hay được nhà đài mua bản quyền. Phát súng mở màn cho thấy sự “khó ở” của Tổng cục phải kể đến lệnh cấm xuyên (cấm các dòng phim có yếu tố xuyên không), cấm phim có yếu tố kỳ ảo, huyền huyễn và hạn chế các chương trình giải trí có sự tham gia của trẻ nhỏ. Sau đó, các bộ phim có đề tài “không lành mạnh” như yêu sớm, đồng tính, cảnh nóng…

“Thượng Ẩn” từng bị chỉ mặt điểm danh dẫn đến lệnh “phong sát” dành cho hai chàng nam chính

Vì các điều lệnh trên mà không ít dự án phim ảnh lao đao, các chương trình truyền hình thực tế như “Bố ơi mình đi đâu thế?”, “Siêu nhân trở về”… cũng bị “tuýt còi” cảnh cáo. Không những vậy, gần đây Cục còn bất ngờ chơi lớn, nhá hàng dự định cấm hoàn toàn dòng phim cổ trang - dòng phim vốn làm nên thương hiệu cho Trung Quốc trên trường quốc tế.

Vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía người hâm mộ Tổng cục mới chịu lùi một bước, thông báo không cấm phim cổ trang nhưng lại đưa ra một loạt các quy định mới, thắt chặt đầu ra của các bộ phim đề tài cổ đại. Không chỉ phải báo cáo kế hoạch chiếu phim hàng tháng mà các nhà đài, web phim lớn chỉ được phép chiếu tối đa 40% các bộ phim có đề tài cổ trang/ năm, các dự án phim cổ trang muốn lên sóng cũng phải có văn bản giải trình đầy đủ, thông qua kiểm duyệt gắt gao.

“Bố ơi, mình đi đâu thế?” cũng suýt bị sờ gáy vì lệnh cấm

Không chỉ làm khó ở cửa chính, mà đến “cửa sổ” cũng bị Tổng cục đóng chặt với cả phim ảnh và chương trình truyền hình khi ngay đến tên phim/ chương trình thực tế cũng phải thay đổi cho phù hợp với thuần phong mỹ tục. Không ít phim vì lưu ý nho nhỏ này của Cục mà phải thay tên đổi họ một cách bất đắc dĩ, điển hình phải kể đến một số dự án đáng chú ý như:

Anh chỉ thích em

Kiều Nhất - Ngôn Mặc ngọt đến rụng răng

Chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên khá nổi tiếng của tác giả Kiều Nhất, bộ phim là câu chuyện có thật về cuộc sống của cô gái Kiều Nhất (Ngô Thiến) cùng người bạn thanh mai trúc mã Ngôn Mặc (Trương Vũ Kiếm), từ yêu nhau đến chia xa rồi lại trở về bên nhau. Sự đáng yêu, hài hước nhưng không kém phần chân thực, sâu sắc từ những chi tiết rất đỗi đời thường chính là yếu tố khiến khán giả phát cuồng vì bộ phim. Nhưng với một tuyên ngôn biểu tượng cho cả tác phẩm như câu “Anh không thích thế giới này, anh chỉ thích em” cuối cùng lên phim lại chỉ còn lại cái tựa Anh chỉ thích em thực sự khiến người hâm mộ hụt hẫng không nhẹ.

Bạch phát

Ngược luyến tình thâm là vậy nhưng tên phim lại chẳng đủ sức truyền tải

Cũng chuyển thể từ bộ tiểu thuyết Bạch phát hoàng phi nổi tiếng của tác giả Mạc Thương Ngôn, Bạch phát kể về nàng công chúa Dung Nhạc (Trương Tuyết Nghênh) vì một âm mưu báo thù mà bị đưa đi hòa thân cho Bắc Lâm quốc, từ đó mở ra câu chuyện yêu hận tình thù với ba vị vua Dung Tề (La Vân Hi) - Tông Chính Vô Ưu (Lý Trị Đình) - Phó Trù (Kinh Siêu. Vốn dĩ là tiểu thuyết xuyên không, khi được chuyển thể thành phim, Bạch phát đã phải cắt đi yếu tố cấm kị này để được thông qua kiểm duyệt. Nhưng vì Tổng cục không cho phép các bộ phim sử dụng các từ ngữ về vua chúa, Vương gia, Vương phi… cũng nằm trong vùng gạch tên của lệnh này. Từ đó, tên phim tiếng Anh vẫn để là Princess Silver nhưng tên tiếng Trung lại chỉ còn cụt ngủn hai chữ Bạch phát.

Thân ái nhiệt tình yêu thương

“Cá mực hầm mật” vẫn là cái tên được khán giả công nhận hơn “Thân ái, nhiệt tình yêu thương”

Cái tên này có lẽ sẽ xa lạ với nhiều khán giả nhưng nếu biết đây là tên sau khi thay đổi của dự án đình đám Cá mực hầm mật - chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mặc Bảo Phi Bảo, nhiều người sẽ phải dở khóc dở cười vì màn đổi tên chẳng có chút liên quan này. Kể về câu chuyện theo đuổi tình yêu vừa ngọt ngào vừa hài hước của cô gái Đồng Niên (Dương Tử) với mối tình sét đánh Hàn Thương Ngôn (Lý Hiện), Cá mực hầm mật còn mang nhiều ý nghĩa khi khắc họa một mặt đầy tích cực của cuộc đời những chàng game thủ: không sa đọa như người đời vẫn ác cảm, họ là những vận động viên, những chiến sĩ trên đấu trường của chính mình. Cũng chính vì ý nghĩa tốt đẹp như vậy mà bộ phim muốn được chiếu trên các nhà đài buộc phải đổi sang một cái tên “mang nhiều năng lượng chính trực” hơn. Cứ thế, Thân ái nhiệt tình yêu thương ra đời.

Chúng tôi đến rồi

Dàn khách mời mùa 1 của “Thần tượng đến rồi”

Chung số phận với Bạch phát khi dính phải “từ khóa cấm”, chương trình truyền hình thực tế ăn khách Thần tượng đến rồi với sự tham gia của nhiều nữ nghệ sĩ nổi tiếng như: Lâm Thanh Hà, Thái Thiếu Phân, Chu Ân, Tạ Na, Triệu Lệ Dĩnh, Cổ Lực Na Trát… sau mùa đầu thành công rực rỡ vẫn phải đổi sang một cái tên “gần gũi” hơn là. Bởi Thần tượng, Nữ thần, Nam thần… là những từ nằm trong danh mục cấm của Tổng cục, với lý do không muốn lạm dụng các danh xưng hoa mĩ, làm ảnh hưởng đến tư tưởng của thế hệ trẻ.

Với những màn thay tên đổi họ vừa bất ngờ vừa bất đắc dĩ này, Tổng cục điện ảnh không hổ danh là nhàn quá sinh sự. Quản đề tài, quản nội dung cũng là cái lý nên vậy nhưng đến cái tên đều muốn phải đi theo con đường Cục chọn, ngành giải trí Hoa ngữ thực sự đang đối mặt với nhiều sức ép hơn vẻ ngoài hào nhoáng rất nhiều.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết An An

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual