Phim Ảnh

Những bộ phim tài liệu Việt Nam từng làm rúng động khán giả

Chia sẻ

Phim tài liệu vốn là một thể loại kén người xem và ít được công chúng để mắt đến, tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm từng khiến mọi người xôn xao vì chạm được đến trái tim khán giả.

Lửa Thiện Nhân

Lua-thien-nhan (1)

Đang được trình chiếu khá hạn chế tại cả TP HCM lẫn Hà Nội nhưng Lửa Thiện Nhân vẫn nhận được không ít sự quan tâm từ truyền thông, báo giới lẫn các khán giả trẻ. Bộ phim là câu chuyện mà đạo diễn Đặng Hồng Giang ghi lại về cuộc đời của “chú lính chì” Thiện Nhân, cậu bé từng bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng và bị kiến cắn đến mức hoại tử bộ phận sinh dục và một cái chân. Sau đó, Thiện Nhân được mẹ nuôi là Mai Anh mang về cưu mang, chăm sóc, mang ra nước ngoài để tái tạo bộ phận sinh dục và có được một cuộc sống lạc quan, yêu đời như hiện nay. Lửa Thiện Nhân thu hút mọi người vì nó không chỉ là một câu chuyện cảm động mà còn tràn đầy cảm hứng, giúp khán giả có thêm được niềm tin vào cuộc sống cũng như những điều tốt ở đời.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang. Ảnh: Bá Ngọc.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang. Ảnh: Bá Ngọc.

Vốn xuất thân là một nhà báo, Đặng Hồng Giang xây dựng kết cấu bộ phim khá chặt chẽ, sống động. Bên cạnh đó, anh còn nhờ biên kịch Đoàn Tuấn (vốn có thế mạnh về văn chương) hỗ trợ để làm cho tác phẩm trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, đi sâu vào lòng người hơn. Không chỉ có vậy, chất nhạc trầm lắng, nhẹ nhàng của nhạc sĩ Phú Quang cũng góp phần giúp Lửa Thiện Nhân trở thành một tác phẩm tài liệu hoàn chỉnh và ấn tượng. Vậy là, hành trình thực hiện bộ phim lên đến 3 năm của đạo diễn Đặng Hồng Giang đã mang lại cho làng phim Việt Nam một hiện tượng đáng mừng và vô cùng đáng khích lệ.

Chuyện tử tế

chuyen tu te

Hoàn thành vào năm 1985 bởi đạo diễn Trần Văn Thủy và chính thức công chiếu vào năm 1987, Chuyện tử tế phản ánh một cách chân thực và ấn tượng về cuộc sống của người dân nghèo trong xã hội thời ấy. Dù quá trình “ra rạp” của tác phẩm khá gian nan nhưng khi được phát hành, bộ phim ngay lập tức tạo nên một làn sóng “rủ nhau đi xem phim” ồ ạt chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam. Thậm chí, người dân thời ấy còn phải xếp thành những hàng rất dài để được mua vé xem phim.

tran-van-thuy

Đạo diễn Trần Văn Thủy.

Khái quát về câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”, đạo diễn Trần Văn Thủy khiến khán giả ngã mũ thán phục vì góc nhìn nhân văn và đầy chiều sâu của mình về các sự kiện trong xã hội đương thời. Đặc biệt, dù làm phim trong hoàn cảnh khá khó khăn, hạn chế nhưng ông vẫn hoàn thành nó một cách trọn vẹn, xuất sắc. Bộ phim sau đó đã được đánh giá là tác phẩm thành công rực rỡ nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Trần Văn Thủy. Chuyện tử tế đoạt giải Bồ câu bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig vào năm 1988 và được báo giới quốc tế ca ngợi là “Quả bom đến từ Việt Nam”. Thậm chí, một số nhà phê bình còn xếp nó vào một trong 10 bộ phim tài liệu hay nhất mọi thời đại. Đến năm 2008, Chuyện tử tế lại được chọn chiếu ở Liên hoan phim Viennale trong khuôn khổ chương trình vinh danh những nhân vật đặc biệt trong lịch sử điện ảnh.

Trong khoảng vài năm trở lại đây, khi trào lưu làm phim tài liệu bắt đầu khởi sắc lại ở Việt Nam, Chuyện tử tế vẫn thường được mang ra làm ví dụ cho một tác phẩm tài liệu… tử tế và chỉn chu, không chỉ sống động, chân thực mà còn gợi lên mọi cung bậc cảm xúc ở người xem.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

Chi-Phung

Cũng như Chuyện tử tế, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một hiện tượng kỷ lục trong làng phim tài liệu Việt Nam. Khi được công ty của nghệ sĩ Hồng Ánh phát hành hồi cuối năm 2014, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được giới trẻ bàn tán xôn xao và rủ nhau đi xem đông đến mức mọi suất chiếu được ấn định đều liên tục hết vé. Hồng Ánh và đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm phải liên tục lên lịch chiếu phim mới và đi giao lưu cùng khán giả để chia sẻ về quá trình làm phim gian nan của mình. Không chỉ có bản thân tác phẩm, mà chính con người và cái cách làm phim của Nguyễn Thị Thắm cũng có sức truyền cảm hứng mãnh liệt cho người xem.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng xoay quanh một lát cắt trên hành trình rày đây mai đó của chị Phụng, một người chuyển giới là bà bầu của gánh hát lô tô. Sự chân thực đến lay động của những cảnh đời du mục, đứng bên lề xã hội mà Nguyễn Thị Thắm ghi lại đã khiến khán giả phải rơi nước mắt. 86 phút phim là 86 phút vừa bay bổng vừa hồi hộp, vừa thư giãn vừa căng thẳng, vừa hạnh phúc vừa đau khổ của các nhân vật. Còn với riêng Nguyễn Thị Thắm, chị đã thân gái một mình rong ruổi cùng đoàn lô tô suốt 6 tháng trời chỉ để chắt lọc ra những cảnh phim ấn tượng nhất dành cho đứa con tinh thần của mình. Và sự ủng hộ của khán giả đã là một minh chứng cho chất lượng của sản phẩm cũng như là quả ngọt dành cho sự hết mình với đam mê của nữ đạo diễn.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất