Sau gần 10 năm thai nghén, tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Lương Đình Dũng đã được hoàn thành. Phim được làm hậu kỳ tại Hàn Quốc, nhờ vậy mà anh cũng có cơ hội hợp tác với Lee Dong-jun, một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng Lương Đình Dũng khi ấy không hề biết.
Nhạc sĩ Lee Dong-jun mất hai tháng cho phần soạn nhạc của Cha cõng con. Anh thậm chí còn bật khóc khi xem phim và biến đó là niềm cảm hứng sáng tạo cho mình. Vị nhạc sĩ 47 tuổi chia sẻ thêm: “Tôi thích Mùi đu đủ xanh của Trần Anh Hùng và giờ là Cha cõng con của Lương Đình Dũng”.
Bản nhạc phim nổi tiếng trong tác phẩm Miracle on Cell No. 7
Lee Dong-jun sinh năm 1967 và là nhà soạn nhạc phim nổi tiếng tại Hàn Quốc. Ông là người đứng sau phần nhạc phim của rất nhiều tác phẩm điện ảnh bom tấn xứ kim chi như Shiri (1999), 2009 Lost Memories (2001), Taegukgi - Cờ bay phấp phới (2004), Miracle on Cell No. 7 - Điều kỳ diệu phòng giam số 7 (2013), Operation Chromite (2016). Không chỉ gói gọn sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, Lee Dong-jun cũng là người sáng tác nhạc nền cho loạt phim truyền hình ăn khách IRIS (2009).
Cha cõng con (Father and Son) được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên viết vào năm 1995 của Lương Đình Dũng. Chuyện phim xoay quanh câu chuyện một người cha cả đời quanh quẩn đánh cá bên bờ sông, chỉ biết kể cho con trai mình nghe câu chuyện tưởng tượng về vùng đất tràn ngập ánh sáng mà ông chưa bao giờ được đặt chân đến. Nhân vật trong phim là cậu bé tên Cá.
Cậu bé lớn lên, hàng ngày tưởng tượng về một nơi tràn ngập ánh sáng trong những câu chuyện kể lung linh của một ông mù. Cậu mơ ước một ngày lớn lên sẽ được đến nơi tràn ngập ánh sáng ấy, sẽ được chạm vào những đám mây mơ ước. Nhưng Cá đã không còn thời gian để đợi, không thể đợi mình lớn lên, cũng không thể đợi bố bắt đủ hàng triệu con cá để chữa bệnh cho mình. Và người cha cõng con đi, đi mãi cho con nhìn thấy cuộc đời trước khi không thể…
Phim có bối cảnh chính ở Bắc Mê (Hà Giang) và có một vài cảnh ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Phần lớn đội ngũ tham gia bộ phim là diễn viên nghiệp dư hoặc chưa nổi tiếng, duy chỉ có NSƯT Trần Hạnh là “gương mặt khắc khổ” của màn ảnh Việt được nhiều người biết đến.
Vai ông bố trong Cha cõng con do diễn viên Ngô Thế Quân (nam chính Thời xa vắng) đảm nhận, còn vai con trai được giao cho cậu bé mồ cô Đỗ Trọng Tấn đến từ làng trẻ em SOS Việt Trì (Phú Thọ).
Mặc dù mục đích của phim là kể câu chuyện chân thật và xúc động nhưng đạo diễn Xẩm đỏ cho biết anh không muốn tạo ra một bộ phim quá bi lụy: “Tôi muốn làm một tác phẩm gọi người ta thức dậy với tình người xuyên suốt thay vì một bộ phim chỉ có sự đau buồn. Tôi hy vọng mọi người sẽ cảm thấy thoải mái khi xem phim và bị lay động bởi thông điệp nhân văn mà tôi gửi gắm”.
Phim hoàn thành chính thức ngày 13/11. Ngay khi phim hoàn thiện, Lương Đình Dũng đã đem chiếu cho khán giả đặc biệt vốn là bệnh nhân nhí ở Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Cháu bé đang được điều trị tại viện vì căn bệnh ung thư máu đã tham gia phim với tư cách diễn viên phụ. Lúc đầu nam đạo diễn gặp khó khăn khi phải thuyết phục người nhà vì bố em nhỏ rất nóng tính. Nhưng sau khi em bé nói mình vui vì được đóng phim, người bố đã khóc và cảm ơn đoàn làm phim. Lương Đình Dũng cho biết, anh không muốn mình ân hận nếu các em không thể chờ đến ngày phim chính thức ra rạp.