Một thập niên trở lại đây, smartphone đã dần trở thành vật sở hữu không thể thay thế đối với nhiều tầng lớp xã hội. Năm 2017, số người sử dụng điện thoại di động trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 5 tỷ. Trong đó, Hàn Quốc chính là đất nước có tỷ lệ người trưởng thành sử dụng Internet và smartphone cao nhất thế giới, lần lượt đạt 96% và 94%. Với tầm ảnh hưởng lớn và sự phát triển không ngừng của công nghệ, con người từ đó cũng bận rộn hơn, sống nhanh hơn. Có lẽ, không còn ai có đủ thời gian để dừng chân nhìn nhận khoảng cách ngày một xa của thế giới hiện thực và thế giới công nghệ.
Mở đầu bộ phim, khi Suhyeon, Taesu, Yejin, Seokho, Youngbae đều là những cô bé, cậu bé lên mười, khán giả như được du hành về tuổi thơ của chính mình. 30 năm về trước, câu cá, ăn quà vặt và chạy nhảy được lũ trẻ yêu thích hơn cả. Khi ấy, các trò chơi trên điện thoại chưa ra đời, trẻ con thân thiết với nhau hơn nhờ những điều giản dị như vậy.
Vào năm 2018, vẫn là những cái tên ấy, nhưng với một vai trò, một trách nhiệm khác, nay họ đã là cha, là mẹ, là trụ cột của cả gia đình. Mối quan hệ ngỡ như tri kỷ của 5 người bạn thuở nhỏ có lẽ đã không còn mang sự vô tư, hồn nhiên của ngày xưa nữa. Ngược lại, họ của hôm nay mang nhiều toan tính hơn, nhiều bí mật hơn. Liệu trò chơi công khai nội dung điện thoại có đủ sức trở thành thử thách cho tình bạn và cả tình yêu?
Nếu khán giả có dịp đến rạp thưởng thức trọn vẹn 116 phút của Người quen xa lạ, họ chắc chắn sẽ trả lời “Có”. Smartphone dường như đã cất giấu một thế giới thu nhỏ rất riêng của mỗi người. Trong đó, ta có thể có những người bạn chưa một lần gặp mặt, hay vô vàn tin nhắn vụng trộm yêu đương, hoặc cũng có thể là cả bí mật động trời về tình trạng tài chính, tình trạng sức khoẻ.
Bản chất của smartphone vốn dĩ là tính cá nhân và tính bảo mật, vì thế, theo thói quen, người ta dần giữ kín những thông tin của riêng mình trong thế giới chật hẹp ấy. Cho đến khi lượng thông tin “bí mật” đã vượt ngưỡng cho phép, người ta thường chẳng nghĩ đến việc chia sẻ chúng cho người thân nữa.
Hay đôi khi, họ chỉ muốn cất giấu những thông tin nhạy cảm trong thế giới riêng của mình mà thôi. Vô tình, smartphone nói riêng và công nghệ nói chung đã trở thành một “lỗ hổng” bí mật không đáy trong cuộc sống mỗi người và trở nên xa lạ đối thế giới hiện thực.
Người quen xa lạ đề cập đến một thực tại phũ phàng: sự ứng dụng điện thoại thông minh vào cuộc sống dường như đã đẩy con người xa nhau hơn, “tri kỷ” nay cũng hoá xa lạ. Những người ta ngỡ như đã rất thân quen, thì ra lại mang một bộ mặt khác sau màn hình điện thoại của chính họ. Việc đào sâu thế giới thu nhỏ của một người cũng giống như đang cố phá vỡ tấm màn hình điện thoại vậy. Có lẽ ta sẽ khiến chính mình bị thương bởi những mảnh vỡ đâm vào tay lúc nào chẳng biết và ngược lại, thế giới thu nhỏ của người kia cũng chẳng còn nguyên vẹn nữa.
Ở giữa thời khắc nguyệt thực, khi sự thật được hé lộ, là lúc các mối quan hệ bị phá vỡ, và cũng là khi con người giằng xé lẫn nhau bởi cãi vã, nước mắt và nghi ngờ. Nhưng khi nguyệt thực kết thúc và các nhân vật trở về với thế giới hiện thực của mình, mọi thứ dường như trở nên yên bình hơn. Dẫu biết phía dưới đại dương dịu dàng ấy là vô vàn con sóng ngầm, nhưng có lẽ nhiều khán giả sẽ đồng tình rằng như thế sẽ tốt hơn cho tất cả các nhân vật, cho tất cả chúng ta.
Bộ phim đã vẽ nên một hướng suy nghĩ rất khác dành cho khán giả: việc cất giữ những bí mật, hay việc sống trong một thế giới thu nhỏ khác, có lẽ không hẳn là một điều đáng lên án. Trong mỗi người đều có 2 phần: phần sự thật và phần bí mật. Chúng gắn kết với nhau, nhưng lại phải tồn tại ở hai thế giới khác biệt. Điều cần làm chính là giữ chúng cân bằng và không mâu thuẫn lẫn nhau. Có những “bí mật” ta có thể giữ cho riêng mình, nhưng ngược lại, tự mình bày tỏ và tâm sự cùng người thân đôi khi cũng là một cách giải quyết nhẹ nhàng.
Người quen xa lạ hiện vẫn đang được chiếu trên toàn quốc.