Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Hậu trường

'Người phán xử' bản điện ảnh: Hot như phim truyền hình hay lại thành 'Bụi đời Chợ Lớn 2'?

Dù tình cảm khán giả dành cho "Người phán xử" trong suốt gần nửa năm phát sóng là điều không thể phủ nhận, nhưng việc mang nó lên màn ảnh rộng lại là một câu chuyện khác đầy khó khăn và thách thức.

Sau cơn sốt trên sóng truyền hình, bộ phim Người phán xử đang được rậm rịch mang lên màn ảnh rộng dưới sự cầm trịch của đạo diễn Nguyễn Quang Huy. Chia sẻ về quyết định này, ông chủ WePro cho biết từ lâu anh đã quan tâm đến đề tài tội phạm và muốn đi sâu khắc họa về thế giới này theo góc nhìn, trải nghiệm của mình, dù mang màu sắc hư cấu nhưng không xa lạ với khán giả Việt. Bộ phim mới của anh hứa hẹn sẽ có thông điệp nhân văn, với góc nhìn thẳng vào thế giới ngầm.

Dù tình cảm khán giả dành cho Người phán xử trong suốt gần nửa năm phát sóng là điều không thể phủ nhận, nhưng việc mang nó lên màn ảnh rộng lại là một câu chuyện khác đầy khó khăn và thách thức. Liệu phim sẽ đạt được thành công vang dội như bản truyền hình hay lại đi theo con đường của Bụi đời Chợ Lớn - bộ phim về đề tài giang hồ nhưng đã bị cấm chiếu vì quá bạo lực - chính là điều đang khiến nhiều khán giả băn khoăn.

Đạo diễn Quang Huy - người sẽ chỉ đạo cho Người phán xử bản điện ảnh.

Ranh giới mong manh giữa hành động và bạo lực

Có thể nói, sự kịch tính nghẹt thở cùng những pha hành động đối đầu là một “đặc sản” giúp Người phán xử hấp dẫn khán giả ngay từ những tập đầu tiên. Tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi khiến bản truyền hình vấp phải khá nhiều ý kiến trái chiều của khán giả về độ bạo lực bị cho là hơi quá so với mặt bằng chung của phim truyền hình từ trước tới nay. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng từng chia sẻ, so với bản gốc của Israel thì Người phán xử đã được cắt giảm nhiều cảnh “nóng”, cảnh bạo lực và viết lại cho phù hợp với văn hóa Việt.

Cảnh cắt ngón tay trong Người phán xử từng khiến nhiều khán giả giật mình.

Vì được phát trên sóng truyền hình nên người làm phim phải quan tâm nhiều đến đối tượng khán giả thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần. Nhưng khi ra rạp, mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi nhà sản xuất chỉ cần dán nhãn phim là được. Nhưng tâm lý này đôi khi lại khiến cho yếu tố hành động được thỏa sức phát triển, dễ dẫn đến kết quả khó lường.

Bản truyền hình có khá nhiều cảnh đánh đấm, đụng độ giữa các băng đảng.

Năm 2013, Bụi đời Chợ Lớn - một bộ phim lấy đề tài cuộc sống ngầm của dân anh chị bị hoãn lịch chiếu vô thời hạn khiến dân tình được phen xôn xao. Cục Điện ảnh khi đó đã yêu cầu hãng phim Chánh Phương - đơn vị sản xuất phải sửa chữa kịch bản, cắt bỏ hoặc tiết chế những cảnh thể hiện tính chất bạo lực gây hoảng loạn, ghê sợ hoặc phản cảm… để tránh vi phạm Luật Điện ảnh. Cục cũng khuyến cáo nhà sản xuất không đưa vào phim các băng đảng xã hội đen ngang nhiên hoành hành, dàn trận thanh toán nhau đẫm máu bằng dao kiếm, lưỡi lê trên các đường phố Thành phố Hồ Chí Minh mà tuyệt nhiên không có sự can thiệp nào của các cơ quan chức năng.

Trước đó, Bụi đời Chợ Lớn từng gặp rắc rối với những cảnh đánh đấm trong phim.

Thế mới thấy, để làm ra “chất” hình sự ở Người phán xử bản điện ảnh không phải là dễ. Nếu thiếu quá thì không ra chất, còn làm quá nhiều thì lại bị lâm vào cảnh bạo lực. Như lời đạo diễn Đỗ Thanh Hải cũng từng nói: “Nếu một bộ phim hình sự mà không có những cảnh như giang hồ đánh nhau, hay những ân oán ngoài xã hội thì cũng không được”.

Nhân văn nhưng đừng giáo điều, gượng ép

Trước đây, khi Bụi đời Chợ Lớn bị yêu cầu sửa chữa kịch bản để bám sát hơn văn hóa Việt, nhà sản xuất đã quay thêm một cảnh cuối đó là việc công an vào cuộc điều tra những việc làm phi pháp, những cuộc thanh trừng đẫm máu của hai băng đảng Tài Nhớt và Hùng Chợ Lớn. Chi tiết có vẻ khá gượng ép, nhưng giúp bộ phim nối dài hi vọng được ra rạp. Tuy nhiên, sau tất cả, những nỗ lực này đều trở về con số 0.

Bụi đời chợ Lớn từng phải quay thêm cảnh để phù hợp với luật điện ảnh.

Việc “thổi” vào một bộ phim hình sự những yếu tố nhân văn, thượng tôn pháp luật là cần thiết, nhưng nếu làm không khéo, đây sẽ trở thành một bộ phim tuyên truyền với lời thoại cứng nhắc, dập khuôn, giáo điều hay triết lý - vốn là điểm yếu bấy lâu nay của phim Việt.

Nhà sản xuất có lẽ cần tính toán kỹ lưỡng để Người phán xử không trở thành “Cảnh sát hình sự toàn phá án bằng mồm”.

Chọn khai thác chủ đề cuộc sống ngầm của các ông trùm đình đám nhạy cảm nhưng mới mẻ, Người phán xử có nhiều “đất” để khai thác mạch câu chuyện. Làm phim với đề tài mới mẻ bao giờ cũng vất vả hơn, nhưng cũng giúp người nghệ sĩ được thỏa sức sáng tạo. Tuy nhiên, với câu chuyện nhạy cảm này, nhà sản xuất bản điện ảnh sẽ phải đưa ra sự lựa chọn: bứt phá ngoạn mục hay an toàn trong vòng quy định, như đạo diễn Đỗ Thanh Hải từng thú nhận: “Khi mình chọn con đường đi khó mình cũng phải chấp nhận được ăn cả ngã về không, tức là phải chấp nhận phim bị cắt bỏ hoặc đi quay bổ sung. Nếu cứ sợ thì lại làm phim Cảnh sát hình sự mà như báo chí nói toàn phá án bằng mồm”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vân Ngọc

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual