Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Ngoài 'Đất phương Nam', cố diễn viên Nguyễn Hậu còn có những vai diễn để đời này

Hơn 40 năm làm diễn viên, Nguyễn Hậu sở hữu hơn 250 vai diễn phụ. Thế nhưng, ông chưa bao giờ nề hà vì điều đó, mà vẫn rất hạnh phúc khi được làm điều mình thích.

Cố diễn viên Nguyễn Hậu sinh năm 1953 tại Sa Đéc, Đồng Tháp. Thuở nhỏ, ông sớm bộc lộ niềm đam mê lớn đối với phim ảnh khi thường xuyên năn nỉ các cặp đôi cho vào xem ké ở những suất chiếu phim vãng lai. Vốn thông minh sáng dạ, ông thuộc làu làu tên tuổi diễn viên, đạo diễn cho đến những tình tiết trong phim. Thế nhưng, sống trong gia đình gia giáo, ông lại không được ba mẹ ủng hộ cho theo nghề diễn xuất, nghệ thuật.

Năm ông 14 tuổi, gia đình cho lên Sài Gòn để theo học, đồng thời tin rằng đây là dịp để cắt cơn ghiền phim của ông. Ấy vậy mà, trời xui đất khiến, duyên nợ của Nguyễn Hậu đối với phim ảnh lại từ đây mà ra. Khi mới vào trường, ông được ngồi cạnh cậu con trai của ông chủ hãng phim Lidac. Biết ông thích phim, cậu bạn thường xuyên rủ ông đóng vai quần chúng trong Hoa mới nở, Xóm tôi (1972). Đến khi luyện thi tú tài, Nguyễn Hậu lại quen biết con gái cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân (Lam Sơn). Trong lần đến nhà bạn chơi, ông “lọt vào mắt xanh” của đạo diễn Ba cô gái suối Châu và từ đó được chỉ dạy tận tình với nghề diễn viên cùng những kiến thức về phim ảnh.

Năm 1974, Nguyễn Hậu có vai diễn đầu tiên - một thủy thủ trẻ - trong phim Hải vụ 709, hợp tác với Thái Lan. Đây được xem là bước đệm đầu tiên mà người thanh niên 21 tuổi ngày ấy bước vào con đường trở thành diễn viên. Cho đến năm 2018, sau 44 năm trong nghề, Nguyễn Hậu đã sở hữu hơn 250 vai diễn, nhưng duy nhất chỉ có một vai chính trong phim điện ảnh Thung lũng hoang vắng, đóng cùng với Hồng Ánh.

Hải vụ 709

Phim do Việt Ảnh Film hợp tác với Danthai Film của Thái Lan vào năm 1974. Kịch bản phim và đạo diễn do cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân đảm trách. Bộ phim này có diễn viên Thái Lan đóng vai chính cùng Trần Quang và Đoàn Châu Mậu là Phairoj Jaising và nữ diễn viên là Duangjai Hathaikarn. Trong phim, Duangjai Hathaikarn đóng vai hai chị em sinh đôi, một ở Việt Nam và một ở Thái Lan.

Nguyễn Hậu - Đoàn Châu Mậu - Trần Quang và cố đạo diễn Bùi Sơn Dzuân

Về phần diễn viên phía Việt Nam ngoài Đoàn Châu Mậu và Trần Quang còn có sự góp mặt của nhiều diễn viên khác như: Tony Hiếu, Tâm Phan, Trần Hoàng Ngữ, Nguyễn Hậu…Quay phim là Trần Đình Mưu . Phim đã quay nhiều cảnh đẹp ở Thái Lan cũng như những phong tục cổ truyền của nước này. Các cảnh quay tại Việt Nam được thực hiện tại Sài Gòn, Vũng Tàu, Phú Quốc. Diễn viên Nguyễn Hậu từng kể: “Thiệt tình là trong kịch bản hổng có vai này. Bác Bùi Sơn Dzuân thương tui nên mới viết cho tui đóng”. 

Chiếc vòng bạc

Bộ phim lấy bối cảnh vùng Tây Nguyên tại Gia Lai Kon Tum do đạo diễn Lam Sơn thực hiện, dựa trên kịch bản của Lê Bá Sơn. Chiếc vòng bạc được sản xuất vào năm 1983 với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ: Hương Xuân, Ngọc Đức, Trần Quang, Thương Tín, Xuân La…

Trích đoạn trong phim Chiếc vòng bạc.

Chuyện phim kể về cuộc sống của người dân nơi bản làng, phải đối mặt với lời đề nghị di dân. Một số người ủng hộ, một số người gạt bỏ tạo nên mâu thuẫn ngay chính trong buôn làng. Cùng với đó, một nhóm thổ phỉ đối đầu với những lính cách mạng khiến cho cuộc chiến thật sự nảy ra. Trong phim, diễn viên Nguyễn Hậu vào vai tên thổ phỉ K’Nhim. Đây cũng là vai phản diện đầu tiên của anh trên màn ảnh.

Vai diễn thổ phỉ K'Nhim.

Xóm nước đen

Xóm nước đen là một bộ phim truyền hình Việt Nam do đạo diễn Đỗ Phú Hải thực hiện năm 1996, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất. Phim có sự góp mặt của các diễn viên: Nguyễn Dương (vai Minh đen), Mỹ Duyên (vai cảnh sát khu vực) và Mai Hoa (vai vợ Minh đen),… Xóm nước đen được công chiếu đầu tiên trên một số kênh của Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV) và đã khá thành công khi nhận được nhiều khen ngợi cũng như đánh giá cao của các nhà phê bình điện ảnh.

Chuyện phim kể về một khu phố nghèo có dòng kênh bị ô nhiễm chảy qua, nó còn được mệnh danh là “Xóm nước đen”, đây là một nơi có nhiều tệ nạn, nhất là trộm cắp và cướp giật. Năm 1997, Xóm nước đen đã đoạt Giải A của Hội điện ảnh Việt Nam dành cho hạng mục phim xuất sắc nhất. Vào năm 1998, bộ phim lại tiếp tục giành Huy chương vàng thể loại Video tại Liên hoan phim Việt Nam.

Trích đoạn trong phim Xóm nước đen.

Trong phim, diễn viên Nguyễn Hậu vào vai Hải Cầu Mống, từng có thâm thù với Minh đen nhiều năm trước. Tuy nhiên, sau khi Minh đen vào tù, Hải Cầu Mống cũng bỏ thói giang hồ và trở thành người hớt tóc dạo. Vài năm sau, anh gặp lại Minh đen khi hắn ra tù. Tưởng rằng có cơ hội, Hải Cầu Mống sẽ trả thù, thế nhưng anh xem Minh đen là bạn. Ngoài ra, anh cũng giúp nữ cảnh sát khu vực Hồng Hà (Mỹ Duyên đóng) trong kế hoạch điều tra thủ phạm đã đẩy Minh đen vào tù lần 2.

Vai diễn Hải Cầu Mống.

Đất phương Nam

Đất phương Nam là một bộ phim truyền hình Việt Nam chuyển thể từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi, do Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất năm 1997 trên chất liệu băng từ VHS, do nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Vinh Sơn đạo diễn và viết kịch bản.

Phim lấy bối cảnh Nam Bộ trong thời kỳ thực dân Pháp và bọn cường hào, địa chủ cai trị. Bộ phim là một câu chuyện về cuộc sống của những con người dân quê bình dị trong thời cuộc loạn lạc. Mỗi số phận, mỗi cảnh đời trong từng trang tiểu thuyết đã bước ra bằng xương, bằng thịt trở thành những nhân vật trong phim.

Do nghịch cảnh mất mẹ, cậu bé An trôi dạt tha phương trên bước đường đi tìm cha. Lưu lạc về phương Nam, An gặp những cảnh đời ngang trái, những mảnh đời lầm than của người nông dân dưới ách áp bức của phong kiến và thực dân. Giữa đất trời mênh mông nhưng các người nông dân phải chịu cảnh mất đất đai; được mùa nhưng không giữ được vật phẩm. Hoàn cảnh đã đưa đẩy họ trở thành những người nông dân khởi nghĩa. Tuy ba chìm bảy nổi giữa dòng đời, An vẫn luôn sống trong lòng nhân ái, đùm bọc của đồng bào. Đó là nguồn động lực đưa cậu vượt qua những khó khăn gian khó.

Trích đoạn trong Đất phương Nam.

Đất phương Nam, nghệ sĩ Nguyễn Hậu vào vai ba của An. Tuy không có nhiều đất diễn nhưng nó lại đóng góp vai trò quan trọng cho mạch phim. Ngay từ tập 1, khán giả đã biết đến ông qua lời kể từ mẹ bé An. Vì ông theo cách mạng thế nên bà đã vẽ ra cái chết của ông để An không nhớ đến ba của mình. Tuy nhiên, trước khi qua đời, bà đã nói cho An biết sự thật về người cha còn sống của cậu, từ đó An quyết tâm lên đường tìm cha.

Mẹ con Đậu Đũa

Mẹ con Đậu Đũa là một bộ phim của đạo diễn Trương Dũng, ra mắt lần đầu năm 1998. Chuyện phim dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyên Hương. Mẹ Ðậu Ðũa qua đời khi em còn rất nhỏ, cha em lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Bằng tình thương yêu và sự dạy dỗ nghiêm khắc của cha, Ðậu Ðũa vẫn dần lớn lên trong những niềm vui, hạnh phúc trẻ thơ mặc dù thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người Mẹ. Trong một lần đi thi “Bé khoẻ, Bé ngoan”, cha con Ðậu Ðũa tuy có phần ngượng ngập, đôi khi gây cười cho những bà mẹ khác, nhưng cuối cùng 2 người đã gây được xúc động cho mọi người xung quanh.

Bố Đậu Đũa do nghệ sĩ Công Ninh đảm nhận.

Trích đoạn trong Mẹ con Đậu Đũa.

Bên cạnh vai diễn đầy ấn tượng cha Đậu Đũa của nghệ sĩ Công Ninh, khán giả còn nhớ đến ông Tất - trưởng ban phòng chống dịch của huyện, người nắm quyền quản lý và phân phối thuốc của Sở Y tế cho người dân. Tuy nhiên, thay vì đưa những lọ thuốc đến tay những người có bệnh một cách miễn phí, ông Tất tìm cách tuồn ra bên ngoài để bán nhằm sinh lợi riêng.

Ông Tất trong Mẹ con Đậu Đũa.

Thung lũng hoang vắng

Thung lũng hoang vắng là bộ phim Việt Nam của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang được sản xuất vào năm 2000 với sự tham gia của các diễn viên Hồng Ánh, Tuyết Hạnh, Nguyễn Hậu,… Chuyện phim kể về một ngôi trường vùng cao - nơi chỉ có 3 thầy cô giáo sống và làm việc. Đó là thầy Tành - Hiệu trưởng (diễn viên Nguyễn Hậu đóng), cô Giao (diễn viên Hồng Ánh đóng) và cô Minh (diễn viên Tuyết Hạnh đóng). Kể chuyện đời sống của các thầy cô giáo cắm bản, với những chi tiết rất “đời” như: mâu thuẫn tâm lý, xung đột, yêu thương, hờn giận… phim không nằm ngoài mục đích ca ngợi tấm lòng tận tụy trong việc trồng người nơi vùng cao của những thầy cô giáo tâm huyết.

Vai diễn thầy Tành trong Thung lũng hoang vắng là vai chính đầu tiên, cũng là cuối cùng, của diễn viên Nguyễn Hậu. Hình ảnh người thầy hiền lành, chất phác, bỏ hết mọi thứ để đến vùng non cao với nghiệp trồng người… khiến người xem cảm thấy khắc khoải. Những cái nhìn đau đáu của ông về những đứa trẻ miền núi, về tình yêu của ông dành cho cô Giao, và sự từ chối ước lệ đối với tình cảm của cô Minh đã giúp Nguyễn Hậu có được một vai diễn để đời.

Trích đoạn trong phim Thung lũng hoang vắng.

Thầy giáo Tàng của Thung lũng hoang vắng.

Lục Vân Tiên

Lục Vân Tiên được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của cụ Đồ Chiểu với kịch bản Dương Linh - Hoàng Tích Chỉ, đạo diễn Đỗ Phú Hải - Lê Bảo Trung - Phương Điền. Với thời gian sản xuất trong 3 năm, phim được lên sóng tháng 9/2004 và tạo nên cơn sốt. Đây là lần đầu tiên hãng phim TFS thực hiện phim cổ trang với sự tham gia của nhiều diễn viên nổi tiếng như: Hồng Ánh (Kiều Nguyệt Nga), Trương Ngọc Ánh (Võ Thể Loan), Mỹ Uyên (Kim Liên), Thân Thúy Hà (Ngọc Điệp)… Và dĩ nhiên sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến Chi Bảo (Lục Vân Tiên), Nguyên Vũ (Vương Tử Trực), Minh Đạt (Trịnh Hâm), Phước Sang (Bùi Kiệm) và Quyền Linh (Hớn Minh)…

Chi Bảo (Lục Vân Tiên).

Hồng Ánh (Kiều Nguyệt Nga).

Bộ phim khá bạo tay trong chỉnh sửa vài nhân vật so với nguyên tác. Cụ thể, nhân vật Võ Thể Loan của Trương Ngọc Ánh trông thấy người đói dọc đường thì khéo léo đưa cho bị gạo, xem trọng lời giao ước trăm năm với Lục Vân Tiên mà song thân đã định, về sau chính Võ ông, Võ bà lật lọng (vì Vân Tiên bị mù) khiến Võ Thể Loan xấu hổ, ngượng ngùng.

Trương Ngọc Ánh (Võ Thể Loan).

Trích đoạn Lục Vân Tiên.

Vai diễn Võ ông do diễn viên Nguyễn Hậu đảm nhận. Ông là người có chức quyền trong làng nhưng tính tình lại không tốt. Dẫu vậy, tình thương con vô điều kiện của ông cũng khiến người xem có thể thông cảm.

Nguyễn Hậu trong vai Võ ông.

Bên cạnh đó, Nguyễn Hậu có nhiều vai diễn khác trong Người đàn bà yếu đuối (2002), Sương gió biên thùy (2002), Mùa len trâu (2002), Vó ngựa trời Nam (2010), Vật chứng mong manh (2011), Duyên nợ miền Tây (2015)… Trong suốt hơn 40 năm theo nghề, người diễn viên ấy đã nếm mật nằm gai nhưng vẫn không từ bỏ vì đam mê quá lớn. Ông quan niệm, “không có vai diễn nhỏ, chỉ có người diễn viên nhỏ bé”. Chính vì lẽ đó, dù cả đời chỉ đóng vai phụ, thế nhưng ông vẫn tâm huyết và cẩn thận trong từng vai diễn của mình để góp phần tạo nên thành công cho bộ phim.

Ông Mười Đâu của Người đàn bà yếu đuối.

Vào lúc 4h20 sáng ngày 14/02/2018 (nhằm ngày 29 Tết Mậu Tuất), diễn viên Nguyễn Hậu đã qua đời vì căn bệnh ung thư mà ông phải chịu đựng trong nhiều năm qua. Được biết, linh cữu của ông được đặt tại Chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 - Quận 7, TP.HCM. Lễ động quan sẽ diễn ra vào lúc 12 giờ trưa ngày 15.02.2018 nhằm ngày 30 Tết Mậu Tuất. Diễn viên Nguyễn Hậu sẽ được an táng tại nghĩa trang Hoa Viên Bình Dương.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiến Đạt

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố