Ra mắt lần đầu tiên vào năm 1982, là đứa con tinh thần được chung tay xây dựng bởi Steven Speilberg (Jaws, E.T., The Schindler’s List…) trong vai trò biên kịch và Tobe Hooper (series The Texas Chainsaw Masscacre) trong vai trò đạo diễn, The Poltergeist kể lại câu chuyện về gia đình nhà Freeling trong căn nhà mơ ước của họ.
Khán giả hẳn không thể quên tấm poster phim kinh điển tái hiện lại cảnh cô bé Carol Anne ngồi trước chiếc ti vi với hai cánh tay dang rộng, những đầu ngón tay chạm vào màn hình sáng trắng nhiễu nhằng nhịt. Phía bên trên khung cảnh ấy là tagline “They’re live.” đầy ám ảnh. Câu tagline của The Poltergeist nằm ở vị trí thứ 69 trong danh sách những câu trích nổi tiếng trong phim bình chọn bởi Viện nghiên cứu điện ảnh Hoa Kì (American Film Institute). “Chúng đang tồn tại” - những thế lực hắc ám đang dần lớn mạnh trong ngôi nhà này.
Đa phần khán giả sẽ nhớ đến The Poltergeist như một đại diện tiêu biểu cho những bộ phim kinh dị của thập niên 80 - khi cuộc đổ bộ của những tên giết người hàng loạt mới chỉ chớm bắt đầu, và các thế lực ma quỷ, địa ngục và bùa phép vẫn còn được ưa chuộng. Một số khác sẽ nhớ mang máng thứ hạng của bộ phim trong bản danh sách 100 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Số còn lại - những kẻ say mê những câu chuyện kinh dị và những truyền thuyết ma quỷ trong thành phố (urban legend) sẽ đặc biệt yêu thích bộ phim này vì những lí do nhiều phần dị đoan.
The Poltergeist không chỉ là một bộ phim về ma quỷ. Nó còn là một bộ phim với những trùng hợp đầy chết chóc. Ngay trong năm 1982 - năm bộ phim ra mắt, nữ diễn viên Dominique Dunne - người vào vai cô con gái cả Dana Freeling đã bị bạn trai bóp cổ và qua đời không lâu sau đó. Năm 1988, nữ diễn viên Heather O’Rourke - Carol Anne cũng qua đời vì bệnh hẹp đường ruột. Hai chị em trên màn ảnh đã được an táng trong cùng một nghĩa trang tại Los Angeles và chỉ là hai trong số những thành viên của đoàn làm phim chết bất thường không lâu sau khi phim đóng máy.
Lời đồn đoán phổ biến nhất lí giải cho nguyên nhân của những bất hạnh này - và khó có thể ít phù hợp hơn với bộ phim, là đoàn làm phim đã chịu sự trừng phạt của những linh hồn giận giữ. Trong lịch sử điện ảnh, hiếm có đoàn làm phim nào sử dụng những hài cốt thật làm đạo cụ thay cho những bộ xương giả bằng nhựa chỉ vì chúng rẻ hơn rất nhiều. Nhưng đó là phương án nhà sản xuất của The Poltergeist đã lựa chọn. Một bí mật hậu trường nho nhỏ càng khiến sự kinh hãi khán giả dành cho bộ phim tăng lên nhiều phần.
Tạm gạt bỏ những lời đồn đoán bên lề, The Poltergeist là bộ phim xuất sắc vượt ra khỏi thời đại của nó. Đặc biệt là phần kĩ xảo hình ảnh của phim vẫn được coi là mẫu mực cho lối dàn dựng các cảnh phim kì ảo. The Poltergeist cũng nằm trong số không nhiều những phim kinh dị được đề cử giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh xuất sắc trong lịch sử của dòng phim này. Bên cạnh phần hình ảnh xuất sắc, The Poltergeist còn ghi dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả bởi nó mang đến cho họ những trải nghiệm chân thực về nỗi sợ hãi sơ khai nhất trong đầu mỗi đứa trẻ: cái bóng ma quái của cành cây in trên cửa sổ, hay khuôn mặt của một chú hề với điệu cười đầy đe doạ. Đó cũng chính là những nỗi sợ đã ám ảnh cậu bé Steven Spielberg cho tới tận ngày vị đạo diễn tài ba Steven Spielberg ngồi lại và viết về chúng trong những trang kịch bản bộ phim lớn của mình.
Tính đến ngày hôm nay, The Poltergeist (1982) đã thu về khoảng 123 triệu đô la Mĩ doanh thu trên toàn cầu, trong đó riêng khu vực Bắc Mĩ là khoảng 80 triệu. Vào năm 1981, nhà sản xuất đã bỏ ra kinh phí khoảng 10 triệu đô la Mĩ để sản xuất bộ phim, và rõ ràng họ đã đầu tư vào một con gà đẻ trứng vàng. Không chỉ mang lại doanh thu khổng lồ cho đoàn làm phim, The Poltergeist còn góp phần mang lại cho Steven Spielberg tiếng tăm lẫy lừng trong mùa Hè 1982. Với hai bom tấn The Poltergeist và E.T. The Extra-Terrestial, mùa Hè 1982 đã trở thành “Mùa Hè Spielberg”.
Tiếp nối thành công rực rỡ của The Poltergeist (1982), trong bảy năm sau đó, hai phần phim tiếp theo với tên gọi (1986) và The Poltergeist III (1988) đã ra đời, tuy không tạo nên tiếng vang lớn, nhưng cũng phần nào thừa hưởng được ánh hào quang mà bộ đôi Spielberg và Hooper đã tạo ra.
Cái chết đột ngột của Heather O’Rourke - cô con út ngọt ngào của gia đình Feeling, sợi chỉ đỏ và cũng là linh hồn của The Poltergeist vào năm 1988 đã đặt dấu chấm lửng cho tương lai của series ăn khách này. Ánh hào quang của The Poltergeist dần lu mờ bên thềm thập niên 90.
Sang tới năm 2015 - giữa giai đoạn mà Hollywood có vẻ như đã cạn kiệt những ý tưởng mới, The Poltergeist được “phủi bụi”trong một phiên bản làm lại “hợp thời” hơn nhưng vẫn tôn trọng ở mức cao nhất kịch bản nguyên tác của Steven Spielberg. Không còn gia đình Freeling, khán giả được chứng kiến câu chuyện “ma phá” của gia đình Bowen cùng màn hoàng tử giải cứu công chúa không-thể-dễ-thương-hơn -được-nữa của hai anh em Griffin và Madison.
Phiên bản làm lại này cũng thổi một luồng gió mới - hợp thời hơn, trau chuốt hơn vào những chi tiết đã trở thành kinh điển trong bản phim năm 1982. Chiếc tivi hộp kiểu cổ trở thành chiếc tivi màn hình phẳng, nuốt trọn cô bé Madison trong khung hình màu trắng bạc nhằng nhịt nhiễu và bóng những bàn tay đầy đe doạ. Những cành cây bên ngoài cửa sổ trở thành một thực thể sống, một con bạch tuộc với tay cuốn là những cành cây thô ráp… Tất cả những hình ảnh ấy đều xuất hiện lại trong bộ phim này, trừ những bộ xương!
Bộ phim với kinh phí 35 triệu đô la Mĩ này đã thu về cho nhà sản xuất 22,6 triệu đô la Mĩ trong tuần đầu công chiếu và hơn 47 triệu đô la Mĩ trong ba tháng sau đó. Con số này chứng minh cho sức sống bền bỉ của The Poltergeist trong suốt hơn ba thập kỉ.
Tình cảm gia đình gắn bó, những thế lực hắc ám không bao giờ ngủ yên và một cuộc chiến không khoan nhượng với cái ác trong The Poltergeist mang lại cho khán giả những phút giây rùng rợn nhưng cũng vô cùng ngọt ngào trên màn ảnh. Cụm từ “poltergeist” trong tiếng Đức có nghĩa chỉ những hồn ma phá phách đã trở thành chỉ dẫn đáng tin cậy cho những khán giả muốn khám phá thế giới kì bí của thể loại phim kinh dị, trong bất cứ thập niên nào sau khi nó ra đời.