Nữ hoàng Elizabeth II là nhân vật mang tính biểu tượng của nước Anh. Do đó, sự ra đi của bà để lại niềm thương tiếc vô hạn cho đông đảo người dân xứ sở sương mù. Đây cũng được biết đến là một trong những sự kiện làm tốn rất nhiều giấy mực của giới truyền thông.
Sau khi Nữ hoàng qua đời, rất đông khán giả quyết định xem lại series The Crown. Công ty Whip Media đã đo lường và công bố số liệu người xem tác phẩm nổi tiếng này sau sự ra đi của Nữ hoàng Anh.
Theo đó, lượng người xem bộ phim này tại Anh tăng 800%, tại Mỹ tăng gấp 4 lần còn ở Pháp tăng gấp 3 lần. Tính trên thị trường toàn cầu, lượng khán giả xem phim cũng tăng gấp 4 lần so với trước đó.
The Crown được phát sóng từ năm 2016, phim mở đầu là sự kiện Elizabeth II lên ngôi Nữ hoàng năm 1952. Bộ phim đã tái hiện phần nào lịch sử của Hoàng gia Anh nên nhanh chóng thu hút được rất đông khán giả theo dõi.
Các nhà sử học nổi tiếng như Annie Sulzberger, Robert Lacey... đều là người cố vấn cho The Crown. Tuy nhiên, đoàn phim không được quay tại cung điện Buckingham nên họ phải phục dựng các nội thất trên phim trường.
Đây cũng là series cực kỳ đắt đỏ khi vốn đầu tư trong mùa đầu tiên lên tới 130 triệu USD (hơn 3000 tỷ đồng). Nhưng chính sự thực hiện nghiêm túc và hoàng tráng đã giúp The Crown đoạt nhiều giải thưởng truyền hình lớn như Emmy và Quả Cầu Vàng.
The Crown gây chú ý nhờ việc tái hiện nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Hoàng gia. Tuy nhiên, về cơ bản, tác phẩm này vẫn thuộc thể loại tiểu sử hư cấu. Một số chi tiết trong phim đã được thay đổi ít nhiều nhằm tạo sự kịch tính cho người xem.
Bên cạnh khán giả đại chúng, các thành viên của Hoàng Gia Anh cũng theo dõi The Crown. Ở mùa đầu tiên, các thành viên hoàng thất dành nhiều lời khen cho tác phẩm này. Nhưng sang đến mùa thứ 4, phía Hoàng gia Anh đã yêu cầu nhà sản xuất nhấn mạnh việc bộ phim có nhiều tình tiết hư cấu.