Chuỗi phim Black Mirror là những tập phim độc lập nhưng mang chung thông điệp về sức ảnh hưởng kinh hoàng của công nghệ tới cuộc sống con người. Thế nhưng trong tập phim Rachel, Jack and Ashley Too thuộc phần 5, có sự góp mặt của ngôi sao Miley Cyrus, chuyện phim còn khai thác mặt tối của nền công nghiệp thần tượng, ca sĩ.
Tựa phim Rachel, Jack and Ashley Too nằm trong series Black Mirror theo chân Rachel (Angourie Rice), một người hâm mộ nhí của nữ ca sĩ nổi tiếng Ashley O (Miley Cyrus). Không có nhiều bạn bè kể từ khi chuyển đến ngôi trường mới, Rachel nhận được món quà ngày sinh nhật là Ashley Too - con búp bê được sao chép toàn bộ tính cách của ngôi sao Ashley O, có khả năng di chuyển, lắng nghe và nói chuyện với bất cứ ai. Bộ phim chia thành 2 tuyến tách biệt: một là sự thay đổi của Rachel nhờ nguồn năng lượng tích cực từ búp bê Ashley Too, còn lại là cuộc sống của chính bản thân Ashley O khi xa rời hào quang sân khấu.
Không khác gì con búp bê mang tên Ashley Too được tạo nên bởi công nghệ, nữ ca sĩ Ashley O là sản phẩm của một công thức rập khuôn, cũng bị giới hạn tự do và sức sáng tạo để xây dựng hình tượng mà công chúng muốn nhìn. Thực chất, công nghệ trong cuộc sống và ngành công nghiệp đào tạo thần tượng đều có điểm chung: đại chúng luôn tìm đến những thứ hoàn hảo ngay cả khi nó không có thật. Hai chủ đề mang tính thời sự cao ở xã hội hiện đại đã được biên kịch Charlie Brooker dung hòa, lồng ghép một cách khéo léo trong phim Rachel, Jack and Ashley Too.
Đằng sau những nụ cười và gương mặt rạng rỡ trên sân khấu là cuộc sống u ám của nữ ca sĩ Ashley O. Cô thậm chí không có tự do trong việc thể hiện phong cách, không được hát và sáng tác thể loại nhạc mình yêu thích. Ashley Too được sao chép bộ não từ Ashley O, nhưng thực chất Ashley O cũng không khác gì con búp bê của mình: chỉ được xuất hiện với một phần cá tính của bản thân.
Đó là một câu chuyện không còn xa lạ trong giới giải trí thời đại này. Những ngôi sao mọc lên như nấm sau mưa nhưng không mấy ai có một cá tính riêng, hoặc ai cũng hướng đến cùng chung một phong cách phù hợp thị hiếu khán giả đại chúng. Dường như đã sử dụng hết năng lượng tích cực trên sân khấu, nữ ca sĩ hàng đầu Ashley O phải đối mặt với sự trống rỗng trong tâm hồn, nỗi tức giận vì bị kìm kẹp, luôn phải mặc lên một “lớp da” không phải là mình.
Bộ phim Rachel, Jack and Ashley Too còn xây dựng nên một viễn cảnh đáng sợ, nơi công nghệ gần như có khả năng làm mọi thứ thay con người và “đổi trắng thay đen”. Một ca khúc được viết ra trong nỗi thất vọng và phẫn nộ được chuyển đổi thành lời ca tươi sáng, tích cực. Ashley O thậm chí vẫn có thể tiếp tục sự nghiệp của mình ngay cả khi đang say ngủ trên giường bệnh.
Viễn cảnh đó tưởng chừng xa vời, nhưng thực chất đang rất gần với giới giải trí trong thời đại công nghệ. Tại đó, công nghệ giúp tiếng hát của những ngôi sao trở nên đẹp hơn, hình ảnh lung linh hơn, người hâm mộ điên cuồng vì thần tượng nhưng đó liệu có phải hình ảnh thật của họ? Hay vốn dĩ chỉ giống như “Eternal Ashley” mà người quản lý của nữ ca sĩ tạo nên làm hài lòng khán giả.
Trong bối cảnh của bộ phim Rachel, Jack and Ashley Too, dường như chẳng bao lâu nữa, công nghệ có thể thay thế hoàn toàn con người, nhất là ở thế giới giải trí - nơi khán giả luôn hướng đến những điều hoàn hảo, bất diệt. Thế nhưng, công nghệ sẽ chẳng bao giờ có được cảm xúc, sức sáng tạo vô tận của người thật, còn những người nghệ sĩ chẳng cần mang lên mình lớp mặt nạ không tì vết vẫn có thể thu hút người hâm mộ.