Những năm trở lại đây, đề tài cuộc sống dâu con trong nhà chồng đã được nhiều nhà làm phim khai thác, từ phim truyền hình cho đến phim điện ảnh, từ mẹ chồng dễ tính cho đến mẹ chồng khắc nghiệt, từ gia đình giàu sang cho đến nhà nghèo rách nát. Chúng ta có thể kể đến một vài bộ phim truyền hình như Cuộc chiến hoa hồng, Hoa hồng không dành cho em, Phận làm dâu, Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con hay mới đây nhất là Tiệm ăn dì ghẻ. Nếu với phim truyền hình, câu chuyện được dàn trải nhiều hơn do không bị giới hạn thời lượng, nên các nhà làm phim thường khai thác sâu và rộng mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu, đặt để chúng giữa nhiều mối quan hệ khác.
Vậy thì với phim điện ảnh, các nhà sản xuất lại lựa chọn cách khai thác, đặt mối quan hệ oái oăm này vào những bối cảnh đặc biệt, để tạo nên xung đột cho các nhân vật. Dự án điện ảnh đình đám về mối quan hệ “mẹ anh và em” gần đây nhất phải kể đến đó là Mẹ chồng, vẽ nên bức tranh làm dâu thời Nam kì lục tỉnh, khi mà nề nếp phong kiến còn hà khắc; hay sắp tới là Gái già lắm chiêu 3, điêu khắc nên một câu chuyện làm dâu của một cô nàng hiện đại trong một gia đình danh giá, cốt cách quyền quý xưa cũ.
Xét riêng ở khía cạnh điện ảnh, hai cái tên được nhắc đến ở trên, Mẹ chồng và Gái già lắm chiêu 3, dường như có nhiều nét tương quan khi đều kể về những bà mẹ chồng đứng đầu một danh gia, nơi nếp nhà vẫn bị ảnh hưởng không nhiều thì ít những tàn tích của văn hoá phong kiến. Vậy thì, tại sao chúng ta không thử tìm hiểu xem, hai gia tộc này, hai “dòng” mẹ chồng này đang tô điểm cho bức tranh điện ảnh đề tài mẹ chồng-nàng dâu phong phú nhưng không kém phần phong ba ra sao, khác biệt so với những cặp mẹ chồng-dâu con ở gia đình dân dã thế nào? Và liệu đề tài này có nên được quan tâm và khai thác mạnh mẽ như ở địa hạt truyền hình hay không?
Mợ Ba Trân - mẹ chồng thời kì Nam kì trù phú
Khi dự án Mẹ chồng với sự góp mặt của không ít nghệ sĩ nổi tiếng như người đẹp không tuổi Diễm My 6x, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Lan Khuê,… cùng bối cảnh gia đình địa chủ Nam bộ, ra mắt, đã có không ít khán giả phải trầm trồ vì độ đầu tư của nhà sản xuất. Trong phim, không chỉ phục trang, đạo cụ,… mà cả những tình tiết cũng được đạo diễn Lý Minh Thắng xây dựng một cách lớp lang, độc đáo. Hai thế hệ mẹ chồng-nàng dâu lần lượt đối đầu lẫn nhau khiến câu chuyện của Mẹ chồng trở nên kịch tính từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Dẫu rằng nhiều vẫn còn đâu đó nhiều ý kiến không đồng tình với cái kết của bộ phim, song điều bộ phim thành công nhất, có lẽ đến từ cách lột tả hình ảnh người mẹ chồng thời kì đó - khắc nghiệt, chuyên quyền, cô độc và bế tắc.
Tại Huỳnh gia, nơi có biết bao cô gái trẻ đã chôn vùi thanh xuân tươi đẹp của mình mãi mãi, khắc hoạ rõ nhất chính là Mợ Ba Trân. Từ khi trở thành cô con dâu lớn trong nhà, cô đã bị những xiềng xích của dòng dõi này trói buộc tuổi trẻ, gắn cô vào sứ mệnh tưởng như thiêng liêng như không ngờ lại đầy áp lực đó là sinh con. Sau quá nhiều biến cố, cô như một đoá sen bị vùi dập trong bùn lầy quá lâu mà trỗi dậy. Mạnh mẽ, nổi bật giữa một cánh đồng hoa. Nhưng ai có ngờ đâu, tim sen thường rất đắng, như chính trái tim Ba Trân. Đứng đầu gia đình địa chủ, cô dần thay đổi, cô chuyên quyền, cô độc đoán và như một vòng tuần hoàn, cô mang những xiềng xích trói buộc tuổi xuân của mình tiếp tục gắn chặt vào đời con dâu sau đó. Cứ thế, gia đình tưởng như sung sướng như Huỳnh gia, hoá ra lại là mồ chôn của không ít người. Kết cục của gia tộc này, chính là diệt vong. Và nguyên nhân cho việc đó cũng bởi mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu căng thẳng đến mức gãy đổ, khiến ai cũng muốn tự giải phóng cho mình, chẳng màng nề nếp gia phong hay tình yêu thương trong gia đình.
Làm dâu, xem cứ như một cột mốc đáng nhớ của đời người con gái, bởi lẽ cô gái nào chẳng mong bên kia sông là một bến bờ hạnh phúc. Thế mà, thứ được gọi là nề nếp gia phong, nhiệm vụ của người phụ nữ trong các gia đình giàu sang lại bóp nghẹt cuộc sống của họ, huỷ hoại đi mối quan hệ vốn dĩ nên là thân mật, chăm sóc, cảm thông cho nhau là mẹ chồng-nàng dâu, biến hai bên thành hai chiến tuyến. Vậy thì thử hỏi, làm dâu nhà danh môn có còn là ước mơ đáng trân trọng của những cô gái?
Thái Tuyết Mai - mẹ chồng vang danh xứ Huế quyền quý
Dự án Gái già lắm chiêu 3 sẽ ra mắt tới đây sẽ kể bên tai những người yêu điện ảnh về một câu chuyện mẹ chồng-nàng dâu trong hào môn hàng đầu xứ Huế - Lê gia. Tại đây, nổi lên hình ảnh một quả phụ chuyên quyền và quyết đoán là bà Thái Tuyết Mai. Bà cáng đáng sự thịnh suy của gia tộc, duy trì nề nếp uy nghiêm của dòng dõi được kế tục từ thời vua chúa đến giờ.
Tuy rằng, gia tộc của bà đã không còn sống dưới thời phong kiến, song vì vai trò phải duy trì những nếp sống thanh tao từ xa xưa, bà vẫn chịu ảnh hưởng từ những suy nghĩ quý tộc ngày trước. Khác với Mợ Ba Trân phải đau đầu vì chuyện sinh con, bà Thái Tuyết Mai luôn mang trong mình cái lo lắng mang tên môn đăng hộ đối. Chính lí do này, bà trở nên hà khắc với những đối tượng xoay quanh con trai Jack của mình.
Điều chúng ta có thể thấy cho đến hiện tại đó là việc bà luôn gây khó dễ cho nàng thơ trong mộng của con trai là Quyên, thậm chí tìm hẳn cho con trai một mẫu hình lí tưởng là Khánh My. Một mặt chăm lo cho mẹ chồng là Mệ Nội, một mặt phải chăm lo chuyện cưới xin của con trai, thị uy đối đầu với con dâu, cái lề lối quý tộc buộc bà phải quản nhiều chuyện, trói cuộc sống của bà vào những nề nếp khô khan, mà đổi lại sau cùng là sự cô độc. Chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được Thái Tuyết Mai có lẽ đã từng là một nàng dâu kham khổ, nhưng bà cố gắng vượt lên tất cả, bà không cam tâm với những gì mình phải chịu đựng, nên đã giáng những điều cay nghiệt này lên Quyên, cô con dâu tương lai.
NSND Lê Khanh chia sẻ rằng, để vào được vai diễn Thái Tuyết Mai, cô đã phải chuẩn bị rất nhiều, học tập theo lối sống của người xứ Huế thứ thiệt. Vẽ một bức tranh của chính nhân vật để dễ dàng kết nối với nội tâm nhân vật, NSND Lê Khanh đã dốc toàn bộ sức lực cho lần trở lại này. Từ những gì chúng ta được thấy qua trailer, poster của bộ phim, Thái Tuyết Mai của nữ diễn viên sẽ không phải là một người phụ nữ, một người mẹ chồng hạnh phúc, nhất là khi bà vẫn còn theo đuổi những nguyên tắc quý tộc khuôn phép.
Mẹ chồng điện ảnh chốn hào môn, là hoạ hay là phúc?
Qua hai dự án điện ảnh về hình ảnh mẹ chồng chốn quyền quý là Mẹ chồng và Gái già lắm chiêu 3, chúng ta nhận thấy một vài điểm chung ở họ, rằng nếu người nghèo khóc lóc vì đời sống kham khổ thì người giàu cũng đôi lúc than thở về cuộc sống gò bó của mình. Đặc biệt những người mẹ chồng nơi phú quý này luôn chịu cảnh phòng không chiếc bóng, cáng đáng chuyện trên chuyện dưới trong nhà. Họ bị những thế hệ đi trước, những khuôn mẫu trong gia đình trói buộc, rèn nên trong tâm tưởng của họ những định kiến nhất định đối với mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu.
Và hơn hết, họ quên mất mình cũng từng là một nàng dâu ước được mẹ chồng đồng cảm, che chở, để rồi họ lại trở thành chính hình mẫu người mẹ chồng mà họ căm ghét nhất, chuyên quyền, phù phiếm nhưng cô độc. Vậy thì, làm mẹ chồng chốn hào môn có bao giờ là điều dễ dàng khi phải đánh mất đi chính những hoài bão của mình trước đó về một gia đình đùm bọc, chở che cho nhau?
Sau cùng, cuộc chiến mẹ chồng-nàng dâu nào cũng phải đi đến hồi kết, con dâu chiến thắng, hay mẹ chồng chiến thắng đều không phải là cục diện ai cũng mong muốn, bởi lẽ nếu đã là một gia đình, xét nét, so đo chuyện thiệt hơn thì đó không phải một gia đình hạnh phúc.