Phim Ảnh

'Love, Death & Robots': Con người trở nên yếu đuối không tưởng khi công nghệ lên ngôi

Grassie
Chia sẻ

Trong "Love, Death & Robots", trước sự phát triển kinh hoàng của công nghệ, mạng sống của loài người cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết, nhân loại phụ thuộc vào máy móc và sống trong một thế giới nguy hiểm hơn nhiều lần.

Love, Death & Robots là series phim hoạt hình ngắn có nội dung hoàn toàn độc lập, được sáng tạo bởi Tim Miller với dàn diễn viên chính Mary Elizabeth Winstead, Topher Grace, Gary Cole, Samira Wiley, Stefan Kapičić hiện đang được khán giả đại chúng dành nhiều quan tâm. 18 tựa đề phim ngắn không dành cho trẻ nhỏ chứa đầy bạo lực, giả tưởng và tình dục xoay quanh những gì công nghệ tân tiến ảnh hưởng lên cuộc sống con người, được khai thác một cách độc đáo, sáng tạo, đa dạng và rất ám ảnh.

Series phim hoạt hình của Netflix đã mang đến cho khán giả những trải nghiệm “shock tận óc” ngay từ các tập phim đầu tiên. Trong những thế giới giả tưởng hoàn toàn, con người tự mình tạo ra những cỗ máy chết chóc, công nghệ ngày càng trở nên gắn bó mật thiết với loài người về cả cuộc sống lẫn sinh mạng.

Ở Sonnie's Edge, người ta thấy một cô gái đem mạng sống vào một quái thú khổng lồ chuyên thi đấu, hay Good Hunting với nàng hồ ly tinh dần đánh mất mình trong thế giới hiện đại, phải sử dụng công nghệ, máy móc để tìm lại bản năng đi săn ban đầu.

Thông qua mỗi tập phim với nội dung độc lập, mối quan hệ giữa con người và công nghệ được hiện lên với những sắc thái khác nhau và cách thể hiện đa dạng. Công nghệ có thể đem đến mạng sống, đồng thời tước đi quyền làm người, Yến trong Good Hunting trở về làm hồ ly bằng máy móc, trong khi họa sĩ nổi tiếng Zima Blue lại “tự vẫn” để trở thành cỗ máy dọn bể bơi vô tri như ban đầu.

Những tập phim trong Love, Death & Robots vẽ ra vô số giả tưởng khác nhau, khi con người có thể sử dụng công nghệ cùng với những cỗ máy chiến để bảo vệ mạng sống của mình như Sucker of Souls, Suits, hay vươn ra tầm vũ trụ với Beyong the Aquila Rift, Helping Hand… Thế nhưng, trước sự phát triển kinh hoàng của công nghệ, mạng sống của loài người cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết, nhân loại phụ thuộc vào máy móc và sống trong một thế giới nguy hiểm hơn nhiều lần. Không những thế, các giá trị đạo đức cũng dần thui chột, con người sống như những cỗ máy, mạng sống bị khinh rẻ.

Với ý tưởng sáng tạo xoay quanh mối liên hệ giữa con người và công nghệ, những tập phim trong Love, Death & Robots nỗ lực sử dụng nhiều hình ảnh gây ấn tượng về thị giác và ẩn chứa nhiều tầng nghĩa.

Không dưới một lần, các nhân vật trong 18 tập phim hoạt hình mang bên trong mình những cỗ máy, mạng sống hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ. Có thể thấy, dù con người sống với nhau cùng hình hài xương thịt, thì tận sâu bên trong, máy móc đã sớm thống trị tâm hồn và thể xác nhân loại rồi.

Cùng với đó, hành trình tiến hóa và phát triển của con người cũng có những cách khắc họa táo bạo và kỳ quái hơn như ở Three Robots, When The Yogurt Took Over, Fish Night, Ice Age… Trong When The Yogurt Took Over, sẽ có thời điểm con người không còn muốn tư duy, họ mượn sữa chua để “thông minh” thay mình, thế giới trở nên cực kỳ văn minh, hưng thịnh với sự cai trị của sữa chua, cho đến khi sữa chua bỏ lại thế giới và vươn xa hơn đến tầm vũ trụ.

 Ice Age, loài người thời nay có thể được phát triển từ tàn tích của một nền văn minh hiện đại trong quá khứ, còn với Three Robots, sẽ có lúc thế giới trở thành điểm thăm quan lý tưởng cho robot khi con người đã hoàn toàn diệt vong. Và trong tất cả những giả thuyết ấy, con người đều trở nên ngu ngốc và mong manh không tưởng khi công nghệ lên ngôi.

Dù được thể hiện tươi sáng và hài hước, song chất đen tối vẫn luôn được thể hiện ở cả những tựa đề như Three Robots, When The Yogurt Took Over,… Điển hình như trong chuyến thăm quan thế giới của 3 con robots lắm điều ở Three Robots, sự tuyệt diệt của loài người vẫn hiện lên thông qua đống đổ nát với những bộ xương người rải rác khắp mọi nơi trong tư thế ngồi, đứng, đồ vật, đồ ăn mốc meo chỉ còn loài mèo…

Mối quan hệ giữa công nghệ và loài người được thể hiện qua nhiều cách thức, câu chuyện khác nhau trong Love, Death & Robots. Dù đứng cuối ở tựa đề series phim, song robots - đại diện cho máy móc và công nghệ - lại lồng ghép nhiều thông điệp hơn cả, và chính love - tình yêu và death - cái chết càng khắc họa rõ nét hơn sự lệ thuộc vào máy móc và sự mong manh, yếu đuối của con người khi công nghệ lên ngôi.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất