Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Lôi Báo': Điểm cộng cho ý tưởng - hành động kĩ xảo và điểm trừ cho kịch bản

"Lôi Báo" ra rạp vào những ngày cuối cùng của năm 2017. Bộ phim hành động của đạo diễn Victor Vũ được kì vọng sẽ là dấu mốc khép lại một năm đầy sôi động của điện ảnh Việt.

Nếu như chủ đề về chiếc áo dài và không khí hoài niệm là thứ kéo khán giả ra rạp xem Cô Ba Sài Gòn thì với Lôi Báo sẽ là dòng tagline gây tò mò: Phim siêu anh hùng made in Vietnam.

Trước hết, phải nói Lôi Báo là một tham vọng đáng khen ngợi của Victor Vũ. Trong thời điểm các nhà làm phim Việt vẫn loay hoay ” liệu cơm gắp mắm”, tìm cách cân bằng giữa phong cách cá nhân và thị hiếu công chúng, Victor Vũ đã can đảm bước chân ra khỏi vòng tròn nhỏ hẹp ấy để thử làm một cái gì đó hoàn toàn mới.

Dĩ nhiên, hơn ai hết, chính anh là người hiểu rõ nhất những lí do không nên theo đuổi dòng phim siêu anh hùng vào lúc này. Hạn chế về kĩ xảo, bối cảnh, nhu cầu thị trường sẽ khiến Lôi Báo khó có cửa trở thành bom tấn phòng vé như người anh em Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Tuy nhiên việc bộ phim vẫn đường hoàng ra rạp, bất kể nỗi lo doanh thu cho thấy cái tâm và cái tầm của một tên tuổi như Victor Vũ.

Lôi Báo dẫu không phải “sơn hào hải vị” nhưng chắc chắn là một món ăn tinh thần lạ miệng và rất đáng để thưởng thức.

Những điểm cộng cho ý tưởng, hình ảnh, hành động và kĩ xảo

Câu chuyện người hùng trong Lôi Báo bắt đầu từ một bi kịch cá nhân. Anh chàng họa sĩ tên Tâm (Cường Seven) đang là người có tất cả trong tay: Công việc thuận lợi, gia đình êm ấm, một ngày kia phát hiện ra mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Trong lúc chới với, Tâm may mắn được giáo sư Mã (Hoàng Sơn), một người bạn của gia đình gợi ý phương pháp chữa trị bằng cách đổi đầu. Ca phẫu thuật thành công, Tâm không những khỏe mạnh trở lại mà còn sở hữu nhiều siêu năng lực nhờ biến dị gen.

Nhân vật Tâm của Cường Seven.

Sử dụng những năng lực mới để cứu người, Tâm vô cùng hào hứng với vai trò “Anh hùng thị xã”. Nhưng anh không ngờ rằng việc phô trương sức mạnh sẽ khiến mình vướng vào rắc rối lớn. Những kí ức còn sót lại từ thân xác của Nghĩa bất chợt hiện về trong tiềm thức của Tâm: Tổ chức áo đen bí ẩn, người phụ nữ quyến rũ tên Tuệ (Vũ Ngọc Anh). Mối quan hệ giữa Tâm và vợ (Nhã Phương) trở nên căng thẳng đồng thời những nguy hiểm liên tiếp xuất hiện đe dọa tính mạng vợ con anh.

Gia đình nhỏ Tâm - Linh (Cường Seven, Nhã Phương).

Lúc này, nhiệm vụ được đặt ra với người hùng bình dân như Tâm đó là làm sao để cân bằng giữa ước muốn trừ gian diệt bạo với việc cứu vãn hạnh phúc gia đình đang trên bờ vực đổ vỡ.

Đạo diễn Victor Vũ từng chia sẻ: “Đối với nhân vật Lôi Báo, trách nhiệm lớn nhất là dành cho gia đình của anh ta. Trong xã hội hiện nay, con người bị chi phối bởi rất nhiều thú vui, dù đôi khi chúng chỉ là sống ảo, chúng làm ta rời xa giá trị thực sự của cuộc sống”. 

Như vậy, đứng trước cán cân gia đình - xã hội, Tâm vẫn sẽ nghiêng về gia đình. Anh thậm chí có thể vì gia đình mà lựa chọn từ bỏ hoài bão cá nhân. Đây được xem là thể nghiệm mới mẻ của Lôi Báo so với các siêu phẩm anh hùng Hollywood theo đuổi thiên hướng “chủ nghĩa cá nhân”.

Ngoài ý tưởng độc đáo, không thể không nhắc đến các phân cảnh hành động, kỹ xảo trong phim. Đây chính là điểm sáng đưa Lôi Báo lên một tầm cao mới so với các phim Việt cùng thời điểm. Dưới bàn tay của đạo diễn hành động Hollywood Vincent Wang, Lôi Báo đã hoàn toàn truyền tải được không khí và nhịp kịch tính mà một bộ phim hành động cần phải có.

Cảnh cháy nổ, cảnh rượt đuổi, cảnh đấm đá từ trên cạn xuống dưới nước đều được dàn dựng đến nơi đến chốn, mảng miếng đầy đủ, tạo hiệu ứng thị giác đã mắt. Dẫu rằng ở phân đoạn cuối cùng, màn đấu tay đôi giữa Tâm và kẻ thù diễn ra chớp nhoáng phần nào gây hụt hẫng cho khán giả nhưng tổng thể đây vẫn là phần Lôi Báo làm tốt nhất, thậm chí tốt hơn cả vượt mức kì vọng.

Bên cạnh đó, hình ảnh vẫn luôn là thế mạnh trong phim Victor Vũ. Những cảnh quay thành phố Đà Lạt đẹp lãng mạn và mộng mơ trong Lôi Báo gợi nhớ đến những thước phim duy mỹ ở phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Vấn đề muôn thuở: Kịch bản và diễn xuất của dàn diễn viên

Lôi Báo cũng như các bộ phim khác của Victor Vũ đều mang đậm phong cách của vị đạo diễn Việt kiều: Lịch lãm, chuyên nghiệp, ấn tượng nhưng vẫn thiếu một chút chiều sâu về cảm xúc để chạm đến trái tim người xem. Câu chuyện gia đình trong phim chiếm đến 2/3 thời lượng phim tuy nhiên tính cách và các mối liên hệ giữa nhân vật với nhau lại hiện lên mờ nhạt, không có điểm nhấn.

Tâm là một người đàn ông có tuổi thơ buồn: bị bố bỏ rơi, mẹ mất sớm. Vì không muốn đi vào vết xe đổ của người cha mình khinh ghét nên anh đã gắng sức trở thành một người chủ gia đình mẫu mực. Tràn đầy ý thức trách nhiệm nhưng Tâm vẫn là người đàn ông trẻ dễ chênh vênh trước những cám dỗ. Đó là hào quang của sự nổi tiếng, của cảm giác được ngưỡng mộ và sùng bái. Cũng có khi là nhan sắc của một người đàn bà mới quen, thôi thúc những khao khát bản năng trong anh.

Nhân vật trung tâm của bộ phim được ưu ái dành cho một hoàn cảnh xuất thân khơi gợi sự tò mò và tranh thủ tình cảm của khán giả. Tuy nhiên khán giả chẳng mấy đồng cảm với Tâm mà ngược lại còn khó chịu với hình ảnh người đàn ông phù phiếm, non nớt được thể hiện trong phim. Những phân cảnh Tâm lên giọng cãi lại chú Mã hay giận dỗi vợ đôi phần còn gây tác dụng ngược.

Đặt ra cho nhân vật của mình những cửa ải tâm lý khó nhằn nhưng đáng tiếc kịch bản phim lại không tạo được những phân đoạn đắt giá để họ thể hiện quá trình chuyển biến, trưởng thành trong tích cách. Sự hối hận và thức tỉnh của Tâm trong đồn cảnh sát không đủ thuyết phục để khán giả chuyển từ ghét sang thương. Cuộc đối thoại giữa Tâm và chú Mã đáng lẽ là phân đoạn xúc động nhất phim thì lại trôi qua quá nhanh và hời hợt.

Giá như biên kịch cho hai nhân vật này một không gian phù hợp, một tình thế phù hợp để họ tháo gỡ những hiểu lầm cũng như dành thêm thời lượng để Tâm hồi tưởng về thời niên thiếu cơ cực của mình thì xúc cảm của khán giả dành cho bộ phim sẽ tròn đầy hơn. Tuy nhiên một vài câu thoại trớt quớt ngay giữa chợ cùng một cú điện thoại không đúng lúc của băng xã hội đen đã phá hỏng không khí bộ phim. Cách chuyển tình tiết gấp gáp và vụng về khiến khán giả đáng lẽ phải khóc lúc đó thì bất đắc dĩ lại phải bật cười.

Ông Mã (Hoàng Sơn).

Nhân vật Tâm do Cường Seven thủ vai có tạo hình khá phù hợp với hình ảnh anh hùng đời thường mà bộ phim hướng tới. Gương mặt chính trực, đặc biệt là đôi mắt có hồn của nam diễn viên trẻ bước đầu đã tạo được thiện cảm với người xem. Tuy nhiên đối lập với ngoại hình nam tính, diễn xuất của Cường Seven vẫn còn non nớt và nhiều thiếu sót. Cách đọc thoại lên gân của nam diễn viên khiến người xem không chút cảm xúc dẫu anh đã cố khóc, cười, hò hét để thể hiện cảm xúc giận giữ hay đau đớn…

Vai diễn của Ngọc Anh chứa đựng nhiều bất ngờ, đủ giúp người đẹp chứng minh được khả năng diễn xuất. Tuy nhiên chính đài từ và cách đọc thoại rời rạc như học thuộc từng từ khiến cô không những không bật lên được mà còn mất điểm trong mắt khán giả.

Vũ Ngọc Anh với vai Tuệ.

Trong Lôi Báo, Nhã Phương được giao cho một vai diễn sở trường là người vợ hiền lành, dịu dàng và mau nước mắt của nam chính. Nhìn chung, nữ diễn viên diễn tròn vai nhưng lại đi vào lối mòn của các nhân vật mà mình từng hóa thân trước đó.

Nhã Phương trong vai Linh.

Về phần các nhân vật phản diện của phim, họ được xây dựng trên một phông tính cách đã quá quen thuộc với người xem. Khán giả thậm chí còn không thể ghét họ vì họ không có nổi một điểm nhấn hay nét đặc trưng trong tạo hình hay tính cách.

Không riêng gì Lôi Báo mà nhiều bộ phim Việt khác cũng gặp phải hạn chế trong việc xây dựng tính cách nhân vật. Một nhân vật thú vị, độc đáo, có sức sống có thể cứu vãn kịch bản non nớt và nhiều lỗ hổng. Đáng tiếc Lôi Báo lại là bộ phim thiếu sót ở hai khâu trọng yếu nhất: Kịch bản và nhân vật.

Kết

Với Lôi Báo, Victor Vũ đã phải rất dũng cảm để đảm nhận vai trò người mở đường cho một dòng phim chưa từng xuất hiện trong nền điện ảnh nước nhà - Phim siêu anh hùng. Những cách tân của anh về hình tượng nhân vật nhằm phù hợp với văn hóa và lối nghĩ của người Việt cũng là một sáng tạo đáng khen ngợi. Tuy nhiên, nếu muốn đi trên con đường chông gai này, thiết nghĩ Victor Vũ vẫn cần có thêm thời gian để chuẩn bị và đào sâu thêm về mặt nội dung và đường dây cảm xúc của bộ phim.

Trailer phim Lôi Báo.

Xin mượn một câu nói của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài phỏng vấn phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh để khép lại bài viết: “Khán giả điện ảnh hôm nay không chỉ cần tiếng cười hay những cảm giác mạnh. Có những nhu cầu sâu xa về mặt tâm hồn. Nhu cầu này không nổi lên trên bề mặt, nhưng nó vẫn hiện diện trong tâm tư con người Việt Nam. Nó mỏng manh mơ hồ như sợi tơ, nhưng nếu các nhà làm phim biết cách chạm tới, nó sẽ ngân lên”. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thu Phương

Được quan tâm

Tin mới nhất
Tiếc cho Đoàn Văn Hậu