Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Thắng đậm với 25 tỷ đồng sau 3 ngày công chiếu, 'Pháp sư mù' vẫn có loạt ý kiến trái chiều

Chỉ cần mạnh dạn lược bỏ một số tuyến truyện, nhân vật hay thậm chí là thông điệp, bộ phim Pháp sư mù sẽ trở nên mạch lạc, súc tích và đáng nhớ hơn nhiều.

Chuyện phim Pháp sư mù theo chân bộ ba bắt ma Tinh Lâm (Huỳnh Lập), Thụy Du (Quang Trung) và Thiên Thanh (Hạnh Thảo) trên hành trình lấy lại đôi mắt cho Tinh Lâm. Nguyệt Minh (Khả Như) đã đưa nhóm Tinh Lâm đến gặp cậu Út Quái (Đại Nghĩa) để tìm sự giúp đỡ. Không chút nghi ngờ, Tinh Lâm làm theo những bài tập luyện của cậu Út Quái rồi dần phát hiện ra hàng loạt bí ẩn đằng sau đôi mắt mình, cũng như các oan hồn, ma quỷ luôn rình rập xung quanh cả nhóm.

Sau 3 ngày công chiếu, bộ phim của Huỳnh Lập đã đạt 25 tỷ đồng - một con số đầy ấn tượng cho phim Việt vừa mới ra rạp. Không quá lời khi khẳng định rằng Pháp sư mù của Huỳnh Lập là một nước cờ táo bạo. Cùng lúc khai thác đề tài tâm linh, kinh dị, kết hợp thể loại bắt ma bằng pháp thuật và chất liệu dân gian Việt Nam, cộng với hệ thống nhân vật và tuyến truyện đồ sộ, bộ phim chia rẽ khán giả thành hai thái cực: một bên ca ngợi, thích thú, bên còn lại đánh giá là hài nhảm.

Bi, hài trọn vẹn, cốt truyện sáng tạo và thông điệp sâu sắc

Với phiên bản điện ảnh được đầu tư mạnh tay, Huỳnh Lập không giấu diếm tham vọng xây dựng một thế giới độc nhất của pháp sư, ma, quỷ, cô hồn… Ngay cả trường đoạn chiến đấu giữa phe chính diện-phản diện cũng khác biệt với những pháp thuật để trấn yêu hay triệu hồi thiên binh.

Ở Pháp sư mù của Huỳnh Lập, khán giả dễ dàng nhận thấy màu sắc dòng phim bắt ma với hình ảnh pháp sư sử dụng bùa để trấn yêu, pháp thuật triệu hồi thiên binh, những cô hồn, âm binh nhiều màu sắc. Nhưng bộ đôi Huỳnh Lập-Lý Minh Thắng cũng sáng tạo với chất liệu dân gian Việt Nam như bài đồng dao quen thuộc Cô dâu chú rể. Chi tiết đốt vàng mã để cấp thêm vũ khí cho thiên binh khiến khán giả thích thú. Kết hợp yếu tố hài hước, kinh dị và tâm linh vào cùng một câu chuyện không phải việc dễ dàng. Thêm vào đó, Pháp sư mù còn cùng lúc muốn làm bật lên thông điệp về niềm tin giữa người với người, tình yêu trắc trở, sự hy sinh, luật nhân-quả và lòng đố kỵ.

Những nhân vật như bà An (Việt Hương) hay người bà (NSND Ngọc Giàu) còn làm bật lên thông điệp về tình cảm gia đình. Sự vô tâm của bà An hay mối quan hệ thân thiết như máu mủ giữa Tinh Lâm và nhân vật của NSND Ngọc Giàu tạo sự đối lập đầy châm biếm và nhấn mạnh thông điệp: chữ tâm nằm ở chính các mối quan hệ thường ngày, thay vì những điều phù phiếm, xa xôi.

“Pháp sư mù” dễ bị gắn mác phim hài nhảm?

Ở chiều ngược lại, bộ phim của bộ đôi Lý Minh Thắng-Huỳnh Lập cũng bị một bộ phận khán giả đánh giá là “phim hài nhảm”, “phim tâm linh nhưng không đáng sợ”, “ăn theo thành công của web-drama” hay “đậm chất kịch”. Quả vậy, sự ôm đồm trong kịch bản khiến khán giả cùng lúc phải tiếp nhận quá nhiều thông tin và câu chuyện. Từ hành trình lấy lại đôi mắt, lòng tin giữa người với người, những âm mưu âm hiểm vì lòng đố kỵ, tình yêu hiện tại đến tình yêu tiền kiếp, bộ phim Pháp sư mù trở nên vừa rối rắm lại vừa dễ đoán. Nhiều tình tiết được đưa ra nhưng bị bỏ lửng giữa chừng gây hoang mang cho khán giả.

Bên cạnh đó, cách lý giải về căn bệnh ở mắt của Tinh Lâm, vấn đề đốt túi nilon đậm tính thời sự hay việc Phước bị bắt vì sử dụng chất cấm cũng gây nhiều tranh cãi. Nhìn chung, Pháp sư mù đã cho thấy quyết tâm cao của Huỳnh Lập trong cuộc tấn công vào màn ảnh rộng. Anh phát triển ý tưởng sáng tạo, tạo sự kết hợp độc đáo giữa những thể loại riêng biệt, pha trộn dòng phim bắt ma với quan niệm dân gian Việt Nam quen thuộc. Đáng tiếc, chỉ cần mạnh dạn lược bỏ một số tuyến truyện, nhân vật hay thậm chí là thông điệp, bộ phim sẽ trở nên mạch lạc, súc tích và đáng nhớ hơn nhiều.

Hy vọng rằng trong vài ngày tới, phim sớm cán mốc 50 tỷ đồng - con số tạm gọi là giúp đoàn phim hòa vốn và có kinh phí chuẩn bị cho dự án điện ảnh tiếp theo.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất