Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Không chỉ khán giả, cả Hollywood cũng chán phim chuyển thể tuổi trưởng thành!

Không phải đến giờ người ta mới bắt đầu nghi ngờ về sự quan tâm của khán giả tới dòng phim “chống cả thế giới” này đang giảm dần đều.

Phim “nổi loạn” cho khán giả trẻ đã “hụt hơi”

The Divergent Series: Insurgent hay còn gọi ngắn gọn Insurgent là phần phim thứ 2 được chuyển thể từ bộ 3 tiểu thuyết của nhà văn Veronica Roth. Tờ The Independent đánh giá: “Bộ phim của Shailene Woodley hoàn toàn là một tác phẩm ăn theo, nhưng vẫn đáng để giải trí.” Trong khi đó trang Variety cho rằng: “Insurgent mang kì vọng sẽ khắc hoạ trận nội chiến hoành tráng nhất trong cả series, nhưng thay vào đó những gì chúng ta thấy chỉ như cơn bão trong ấm trà.”

Mặc dù vẫn có lãi trên phạm vi toàn cầu nhờ vào sức hút của phần phim trước, tuy nhiên những nhà phê bình đều nhất trí rằng “đứa em gái nuôi” của Hunger Games này sẽ còn trượt dài nữa trên con đường lợi nhuận khi bắt chước nhiều bom tấn bằng việc chia tập cuối thành 2 nửa mà gạt đi cái đảo mắt chán ngán của người xem. Sắp tới, The Divergent Series: Allegiant đã bắt đầu được chiếu tại các rạp nhưng cho tới giờ việc quảng bá cho bộ phim này vẫn rất lặng lẽ, như cánh chim báo hiệu cơn thoái trào của dòng phim hậu tận thế dành cho đối tượng thanh thiếu niên.

Chỉ vài năm trước, cơn sốt dòng phim giả tưởng nội dung thường xoay quanh thế giới điêu tàn, thường là sau những thảm hoạ nơi những người trẻ phải chiến đấu cho mạng sống và tình yêu được vô cùng yêu thích. Nhiều bộ phim (phần lớn trong số đó là phim chuyển thể từ tiểu thuyết) đã gặt hái được nhiều thành công như The Maze Runner, The Hunger Games hay The Purge đã xuất hiện ồ ạt với các phần phim tiếp. Đó là những ý tưởng nổi loạn, đấu tranh cho tự do và khao khát tình yêu được đưa từ nguyên tác tiểu thuyết lên màn ảnh rộng của những thanh thiếu niên ham thích mới lạ và muốn bứt khỏi sự trói buộc thường nhật.

Một cảnh hoành tráng tới mức màu mè trong “The Hunger Games”

Thế nhưng cho tới nay, mọi chuyện đã khác. The Hunger Games: Mockingjay Part II kết thúc trong cái lắc đầu tạm hài lòng của khán giả (vì ít nhất là nó cũng đã hết). Cũng lấy đề tài các thanh niên nổi loạn, nhưng Allegiant theo WhatCulture.com “đã quá bận để xây dựng một thế giới mà nhân vật còn chẳng có thời gian để vui đùa”. Ai cũng đăm đăm nghi ngờ, tìm cách chống lại một ai đấy hoặc chuẩn bị để khóc than cho người nào đó hy sinh.

Tại sao khán giả trẻ chán dòng phim hậu tận thế rồi?

"The Maze Runner" là một trong số ít những phim vẫn giữ được phong độ khi làm sang phần tiếp theo.

“The Maze Runner” là một trong số ít những phim vẫn giữ được phong độ khi làm sang phần tiếp theo.

Có nhiều lí do để giải thích cho sự thoái trào của dòng phim giả tưởng dành cho tuổi mới lớn kiểu này. Để làm được một bộ phim thuộc dạng “dystopia” (thể loại phim thường lấy bối cảnh thế giới điêu tàn sau thảm hoạ) thật ấn tượng, cần đầu tư một khoản không nhỏ vào kỹ xảo và đây mới là cái khó dành cho nhà sản xuất.

Cận cảnh con quái vật máy trong “The Maze Runner”

Những bộ phim hậu tận thế cho teen thường đi theo kiểu mẫu một nhóm thanh niên do chán chường mà đứng lên lật đổ chế độ độc tài kiểm soát họ (mặc dù không ai nói ra thì người ta cũng thừa biết sự tồn tại của chế độ đó đã tạo nên một xã hội tương đối ổn định). Tuy nhiên không thể duy trì tinh thần sôi sục sẵn sàng kháng chiến khi nhân vật của bạn thiếu đi lí do tại sao lại làm thế. Nhiều người cho rằng, quyết định giết Tổng thống Snow của Katniss đã đẩy cả một thế giới vốn trật tự vào hỗn loạn một lần nữa. Suy cho cùng, đây vẫn là sự phản kháng mang tính nhất thời của một cá nhân, như một lỗ thông hơi cho những xung đột xã hội lái khán giả khỏi những vấn đề của hiện thực. Quyết định của “phe yếu” đại diện cho thứ chính nghĩa trong phim vốn được bộ phim ca ngợi ngày càng bị khán giả đặt dấu hỏi. Dù lấy chất liệu giả tưởng, nhưng khán giả rõ ràng là thông thái hơn, khi họ không muốn bỏ tiền để xem một tác phẩm có thông điệp mơ hồ.

Thêm vào đó, mô tuýp tình yêu tay ba, hy sinh một còn hai, đoạn kết hai người tay trong tay hạnh phúc đã không còn được yêu thích trên màn ảnh nhỏ. Người ta đã không còn muốn thấy những nam thanh nữ tú nắm tay nhau đánh lại một người đàn ông hoặc đàn bà tóc chải mượt ăn mặc khôi hài nữa. Trong khi ngay cả những khách hàng mục tiêu là thanh thiếu niên cảm thấy bớt thích thứ tình cảm thiếu chiều sâu này, thì không có lí gì để tin rằng những khán giả trưởng thành hơn lại đột nhiên thấy thích series The Divergent vì chuyện tình trong phim. 

Nội dung đi theo lối mòn, thiếu gắn kết và không thể hiện được hết những gì mà tiểu thuyết nguyên tác truyền đạt đã vô hình chung kéo khán giả ra xa khỏi dòng phim này. Không chỉ mảng điện ảnh, mà tương tự bên tiểu thuyết những năm gần đây cũng vắng bóng những tác phẩm giả tưởng mang chủ đề hậu tận thế dành cho teen có thể làm mưa làm gió. 

Vẫn có một khoảng cách lớn giữa tiểu thuyết và điện ảnh chuyển thể. “Ender's Game” không phải là một bộ phim quá dở, nhưng đáng tiếc không khai thác được tầng ý nghĩa sâu sắc trong nguyên tác.

Về mặt kinh tế, để có được thế giới “ảo” mà như thật, đòi hỏi một khoản chi không nhỏ cho xây dựng kĩ xảo. Một khi CGI đã không đủ độ “thật”, tức là bộ phim đã hỏng một nửa, vì nội dung là thứ quá dễ đoán. Cũng vì điều này mà nhiều nhà sản xuất ngại ngần khi bắt tay vào thực hiện một bộ phim kinh phí lớn. Phong trào “cắt xẻ” kéo dài diễn biến phim thành 2 phần lê thê cũng góp phần càng về sau này càng khiến doanh thu của các phần sau “kém tắm” hẳn. The Giver, The Mortal Instruments: City of Bones hay Ender's Game khá khôn ngoan khi biết tự lượng sức mà dừng lại ở một tập phim.

"Chappie", một bộ phim dễ thương và mới mẻ cũng thuộc dòng phim dystopia.

“Chappie”, một bộ phim dễ thương và mới mẻ cũng thuộc dòng phim dystopia.

Kết luận

Thất bại của The Hunger Games (kể cả khi tất cả những phần trong series vẫn có lãi) và thất bại đang được báo trước của Divergent không có nghĩa mọi bộ phim giả tưởng thuộc dạng “dystopia” sẽ chết trong tương lai. Mới đây nhất The 5th Wave cũng được đánh giá khá khả quan (cho dù còn lâu mới có chuyện làm phần 2 khi Rotten Tomatoes “thẳng tay” cho rating 17% ). Tuy nhiên thị trường dành cho phim teen đã bắt đầu chuyển qua những tác phẩm mềm mại hơn trong nội dung ( Paper Town, The Fault in Our Stars…), điều này cho thấy nếu các tác phẩm giả tưởng hậu tận thế nhắm vào đối tượng trẻ không có những cuộc cách mạng trong chính cấu trúc, thật khó có thể đoán về tương lai của chúng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất