Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Khi con là nhà': Không giống như xem phim, mà như được chứng kiến một câu chuyện thật ngoài đời

"Khi con là nhà" – bộ phim mới nhất của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng được công chiếu ngày 28/12 như một món quà nhỏ bé nhưng đầy dư ba cho khán giả Việt vào dịp cuối năm này.

Bộ phim mang đề tài tình cảm cha con, một đề tài dường như đã quá quen thuộc của điện ảnh trong và ngoài nước. Nhưng điều mới mẻ của Khi con là nhà chính là việc kể lại câu chuyện về một người cha “hư hỏng” đã tìm mọi cách bảo vệ, đùm bọc cho đứa con trai bé bỏng. Không đặt nhân vật vào những giằng co tâm lí quá phức tạp, không mang đến những thước phim giật gân gay cấn, linh hồn mà nhà làm phim muốn truyền tải thông qua Khi con là nhà có lẽ chính là sự chân thật, bắt nguồn từ những tấm lòng thuần phác đôi khi đến khờ khạo của những con người nhỏ bé, nghèo nàn ở miền đất Nam Bộ.

Một ông bố nông nổi nhưng lại yêu thương con theo cách riêng

Nhắc đến tình phụ tử, người xem thường nghĩ đến một ông bố già dặn, trải đời với những gì trầm lắng nhất của một người đàn ông. Nhưng nhân vật cha - Quang trong bộ phim (do Lương Mạnh Hải thủ vai) lại là một ông bố còn khá trẻ và có nhiều thói hư tật xấu. Mặc dù xuất hiện với một vẻ ngoài lấm lem, cực khổ nhưng ông bố ấy vẫn có những nét trẻ trung, hài hước, đặc biệt lại không cưỡng nổi thú vui chọi gà và sa đà vào tệ nạn cờ bạc.

Hai cha con nhà Bi lúc nào cũng như hai người bạn, người bố thì đôi khi như một đứa trẻ ham chơi, người con tuy mới 6 tuổi nhưng lại rất biết suy nghĩ và luôn nhắc nhở ba không được ham vui. Rồi chuỗi ngày yên bình ấy phải chấm dứt khi người cha vướng vào vòng lao lí, hai cha con sống chui sống lủi ở chốn đô thị. Cái cách mà Quang bảo vệ, chăm sóc Bi (bé Duy Anh thủ vai) cũng là hành động của một kẻ nông nổi. Nhưng không thể trách con người khi hoàn cảnh đẩy họ vào bước đường cùng.

Mặc dù nông nổi và vô dụng, nhưng người cha ấy luôn hy sinh cho con, đánh lộn với kẻ khác cũng là để bảo vệ con. Cái sự hy sinh ở đây không phải là dành cho con một tương lai tươi sáng, sự hy sinh đơn giản chỉ là lo con bữa cơm qua ngày, giấc ngủ qua đêm. Những thứ tưởng như hiển nhiên bình thường ấy lại trở thành một cuộc đấu tranh sống còn mỗi ngày với hai cha con.

Không giống như xem phim, mà như được chứng kiến một câu chuyện thật ngoài đời

Bộ phim Khi con là nhà mang đến cho người xem một cảm giác chân thật đến nỗi, ta ngỡ tưởng như mình đang chứng kiến những hình ảnh thật ngoài đời, như không hề có bàn tay sắp đặt của đạo diễn. Một không khí rất nông thôn, rất bình dị và đậm chất Nam Bộ hiện lên trong bộ phim qua hình ảnh những ngôi nhà lợp lá tạm bợ, những con kênh nhỏ pha màu vàng úa, những con đường đất đầy bùn cùng những con người xởi lởi, nhiệt thành và vô cùng lạc quan.

Hai cha con nhà Bi đã quên đi cuộc sống nghèo khó, quên đi nỗi mất mát riêng để sống một cuộc đời rất tươi vui. Mặc dù phải tất tả chạy đi khắp nơi để kiếm sống nhưng họ luôn có nhau, luôn cười cùng nhau để vươn lên sống tốt hơn. Trong bộ phim này, nhân vật dường như không cần hóa trang cũng tự hiện lên với tính cách vốn có của mình. Cô Liễu hay chòng ghẹo, gợi tình nhưng vẫn là một cô gái thôn quê giàu tình mến thương. Người cha Quang lúc nào cũng xộc xệch, nhếch nhác nhưng lại nhanh nhẹn, nhiệt tình. Cậu con Bi thì ục ịch nhưng đáng yêu, rất trẻ con và ngây thơ. Khán giả cảm nhận sự chân thật nhất trong bộ phim Khi con là nhà có lẽ là ở Bi, một đứa trẻ non nớt, nhìn mọi thứ bằng con mắt ngây thơ. Bi có thể vùng vằng giận dỗi đấy, nhưng khi được hỏi “Con có thương ba không?” thì ngay lập tức câu trả lời là “Có”. Tình yêu thương mộc mạc, chân thành của cậu bé nông thôn đã khiến bao trái tim người xem thổn thức lay động.

Rấm rứt trong suốt chặng đường cha con tìm nhau

Theo dõi bộ phim, không ít khán giả đã phải xót xa cho cảnh ngộ éo le của hai cha con, tình thế khốn khó và tiếng lòng của con trẻ đã khiến những người chứng kiến phải chùng lòng. Nhưng có lẽ đỉnh điểm của cảm xúc ấy chính là lúc con tim quặn thắt lại trước ảnh tượng hai cha con rong ruổi tìm nhau. Chẳng có một người đàn ông trưởng thành nào lại dại dột đút một con gián vào miệng, nhưng khi hiểu ra mục đích của việc làm ấy, chúng ta đã cảm thấy đau lòng không ít. Để có cơ hội đi tìm con trai, đã làm tất cả mọi thứ, đã bất chấp cả pháp luật và đánh đổi cả sức khỏe của mình.

Trong suốt chặng đường hai cha con đi tìm nhau, người xem không khỏi rấm rứt trong lòng dù nước mắt có chảy ra hay không bởi cảnh tượng ấy quá đáng thương và nghiệt ngã. Những con hẻm bé nhỏ là thế mà hai cha con không thể tìm thấy nhau, như sự trớ trêu của cuộc đời này, dù ở rất gần nhưng người ta luôn có khoảng cách. Trong chuyến tàu đêm cô quạnh giữa lòng thành phố, cùng một mép đường ướt át chật hẹp ấy, hai cha con đã đi ngược chiều nhau, tuyệt vọng và cô độc. Cho đến khi tìm được nhau, hai bàn tay đen ngầu lấm lem ấy nắm lấy nhau lại khiến người xem không kìm được lòng mình.

Thân phận những con người nhỏ bé nhưng đầy lương tâm

Cái thanh bình, nhỏ nhẹ của bộ phim có lẽ là ở chỗ không có sự đối lập gay gắt giữa những kiểu người, giai tầng trong xã hội. Không có sự phân biệt giàu - nghèo, không có những thế lực đen tối bóc lột con người, chỉ có những thân phận người nhỏ bé, nghèo nàn. Đó là cha con nhà Bi, là cô Liễu, là người bán hàng rong cưu mang hai cha con, là kẻ ăn mày giả danh… tất cả đều có chung một số phận, một địa vị. Tuy vẫn có những kẻ xấu xa tồn tại như kẻ ăn mày gian ác và đồng bọn, những người dân nhỏ bé vì ham tiền nhưng có lẽ họ cũng là nạn nhân của cái nghèo, cái đói.

Bên cạnh đó vẫn còn những con người đầy lương tâm và bao dung, những người tốt bụng đã cưu mang, giúp đỡ nhau. Cô em gái của kẻ ăn mày giả danh, tưởng chừng cũng xấu xa, tàn ác nhưng lại mến thương cậu bé Bi, nghĩ cho cậu bé và xúi cậu chạy trốn. Cô Liễu tuy không có họ hàng ruột thịt với Bi nhưng lại quan tâm, thương xót Bi nhưng tình thương của một người mẹ. Kể cả anh công an bắt giữ bố Bi cũng đầy tình người khi trìu mến giải thích rằng cậu bé không hề bị truy nã… Nếu không có những tấm lòng ấy, chắc chắn hai cha con rất khó có thể tìm thấy nhau. Bên cạnh tình phụ tử, bộ phim Khi con là nhà còn gửi gắm những giá trị về tình người ấm áp như thế.

Trailer phim Khi con là nhà.

Bộ phim Khi con là nhà chính là minh chứng cho chân lí “nghệ thuật chính là cuộc sống”. Bởi chẳng cần những kỹ xảo kỳ công, chẳng cần đến sự tạo hình màu mè cho mỗi nhân vật, sự thuần phác, tự nhiên của cuộc sống đã khiến những thước phim trở nên đẹp đẽ và sống động đến lạ kì. Tâm điểm của cuộc sống ấy là con người với tính nhân văn, nhân đạo vô cùng đẹp đẽ. Và có lẽ mỗi người xem xong bộ phim đều có một “ngôi nhà” riêng để hướng về, để yêu thương và nâng giữ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bạch Vân

Được quan tâm

Tin mới nhất