Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘Ikiru’: Đi tìm ý nghĩa thật sự của cuộc sống

Bộ phim của đạo diễn huyền thoại Akira Kurosawa là món ăn tinh thần dành cho những người đang cảm thấy lạc lõng hay bế tắc trong cuộc đời.  

Tại sao bạn nên xem Ikiru? Chỉ cần hai chữ thôi: Akira Kurosawa. Ông là người đứng sau Rashomon, Seven Samurai, Ran và nhiều kiệt tác khác; thần tượng của hàng loạt nhà làm phim danh tiếng tại Hollywood cũng như trên toàn thế giới. Bạn biết Star Wars chứ? Đạo diễn George Lucas của Star Wars là người hâm mộ cuồng nhiệt của Akira Kurosawa, và thẳng thắn mà nói, nếu không có Seven SamuraiThe Hidden Fortress thì đã không có Chiến tranh giữa các vì sao.

Ngoài ra, những người yêu thích và chịu ảnh hưởng từ Akira Kurosawa còn có: Steven Spielberg, Martin Scorsese, Francis Ford Coppola, Sergio Leone, Ingmar Bergman… Ông được Spielberg ca ngợi là “Shakespeare về hình ảnh trong thời đại của chúng ta”.

Kurosawa thường được biết đến qua những bộ phim samurai đặt trong xã hội ngày xưa, song ông cũng có những tác phẩm lấy bối cảnh đương đại. Điển hình là Ikiru (Sống), ra đời năm 1952, xoay quanh nhân vật chính là một công chức tồn tại một cách vô nghĩa trong bộ máy quan liêu của Nhật Bản thời hậu chiến. Bất hạnh đột ngột giáng xuống khi ông hay tin mình bị ung thư giai đoạn cuối và thời gian còn lại chỉ còn tính bằng tháng. Vội vã trong muộn màng, ông bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống của bản thân.

Dựa trên cảm hứng từ tiểu thuyết Cái chết của Ivan Ilyich của văn hào Leo Tolstoy, nhóm ba người Akira Kurosawa, Hideo Oguni Shinobu Hashimoto đã cùng nhau viết nên Ikiru. Biên kịch Oguni có công lớn khi đề xuất một cấu trúc tự sự phá cách. Theo đó, phim chia thành hai phần, phần đầu cho người xem một bức tranh toàn cảnh hầu như dưới góc nhìn nhân vật chính, phần sau lại cung cấp một bức tranh ghép hình từ nhiều góc nhìn khác nhau. Cách làm này giúp Ikiru không bị biến thành một “bài học đạo đức” đầy giáo điều, mà giống như một bản “trường ca anh hùng” cổ vũ việc dám sống và đấu tranh cho điều mình tin tưởng, đương đầu mọi con mắt định kiến của xã hội.

Người sắp chết mới biết mình chưa sống

Bộ phim mở đầu với hình chụp X-quang một cơ quan trong ổ bụng, và khán giả được người dẫn chuyện thuyết minh rằng nó thuộc về nhân vật chính, một người đang có dấu hiệu ung thư nhưng chưa hề biết. Bệnh nhân ấy được giới thiệu ngay trong cảnh tiếp, với cơ thể gần như khớp đúng kích cỡ bộ phận bị ung thư ở cảnh trước. Đó là một người đàn ông nhỏ bé, khúm núm, như bị co rút cả về chiều dọc lẫn chiều ngang, bủa vây xung quanh bởi cả núi giấy tờ và các đồ đạc văn phòng. Trước khi chúng ta biết tên của ông, tấm biển trên bàn cho thấy chức vụ của ông: Trưởng Ban Công vụ.

Là một người có chức có quyền, nhưng trông cách ông làm việc thì thật máy móc và nhàm chán: mở tờ giấy trước mặt, nhìn lướt, đóng dấu, chuyển sang một bên, cứ thế tiếp tục. Thỉnh thoảng lại lôi cái đồng hồ quả quýt ra nhìn. Một nhân viên đến trình bày với ông về việc mấy người phụ nữ ở bàn tiếp tân đang kiến nghị lấp một khu chứa nước thải để làm sân chơi cho trẻ con, ông không nhìn lên mà bảo: “Chuyển họ sang bên Công trình công cộng”. À hóa ra, trông bận rộn thế nhưng ông ta thật ra không làm gì cả. Ông đóng dấu những đơn từ trên bàn không phải để phê duyệt phương án giải quyết, mà để chuyển sang một bộ phận khác cho họ giải quyết.

Không chỉ nhân vật chính, mà đa số nhân viên trong văn phòng của ông ta đều vậy, buồn tẻ và bị cô lập bởi hàng núi giấy tờ, dồn ứ và cồng kềnh như bộ máy nhà nước Nhật Bản những năm 1950. Giọng người dẫn chuyện nhận xét rằng nhân vật chính chẳng có gì đáng xem, bởi ông ta chỉ như một cái xác, và thật ra thì đã “chết” từ hơn 20 năm trước. Với một người đã chết về mặt tinh thần, liệu cái chết về mặt thể xác có ý nghĩa gì không? Bao giờ ông ta sẽ biết, và khi biết, ông ta sẽ ra sao? - Khán giả tò mò tự hỏi.

Máy quay của Kurosawa rời bỏ nhân vật chính (dù sao cũng có gì đáng xem đâu?), dẫn dắt khán giả tới thứ kịch tính hơn. Một đoạn montage (chuỗi các cảnh ngắn được ghép lại bằng dựng phim để thể hiện sự trôi qua của thời gian) cho thấy nhóm phụ nữ mang đơn kiến nghị đã được chuyển qua bên Công trình Công cộng, rồi được hướng dẫn sang bên Vệ sinh Công cộng, sang Y tế Công cộng, vân vân, và cuối cùng, họ bị quay một vòng tròn về chính ban Công vụ, biết tin nhân vật chính của chúng ta không có mặt ở văn phòng hôm nay.

Chắc hẳn đã rất nhiều thời gian trôi qua, và bệnh tình nhân vật đã trầm trọng lắm rồi. Thế mới thấy tài của Kurosawa, không cần dòng chữ “n tháng sau”, không cần kể lể dông dài, mà “một mũi tên trúng hai đích” - vừa nói được sự thay đổi về thời gian, vừa mỉa mai bộ máy nhà nước cồng kềnh khiến người dân và những nguyện vọng chính đáng của họ bị mắc kẹt trong một vòng lặp tuyệt vọng.

Nhân vật chính không có ở văn phòng, và giờ ông bị nói xấu. Khán giả biết được hai “sự thật thú vị” về ông: Một là ông sắp đạt kỷ lục làm việc 30 năm không nghỉ một ngày nào, và hai là ông chỉ ăn mì udon không thêm bất cứ cái gì kèm theo. Thói quen ăn uống bộc lộ cách hưởng thụ cuộc sống, và bát mì của nhân vật càng khẳng định sự tồn tại ở mức tối thiểu của ông. Éo le thay, ông lại mắc một bệnh liên quan đến vùng bụng - nơi gắn bó mật thiết với việc ăn uống.

Tại bệnh viện, khán giả gặp lại nhân vật chính và biết rằng ông xin nghỉ việc để đi khám bệnh. Ở đây, Kurosawa lại cho ta một chuyển động tròn nữa, bằng cách chỉ đạo chuyển động của diễn viên. Trong cuộc nói chuyện với một người lạ ở phòng chờ về dấu hiệu ung thư giai đoạn cuối, nhân vật chính lo lắng di chuyển giữa các vị trí trong hai băng ghế đối diện nhau. Để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra hai người vừa nói chuyện vừa vẽ đúng một hình tròn chỉ bằng thay đổi chỗ ngồi. Nhân vật đã bị mắc kẹt trong những suy nghĩ đầu tiên về thảm kịch sắp tới.

Nhân vật được gọi vào phòng thông báo kết quả, và cuối cùng chúng ta cũng biết tên ông: Kanji Watanabe. Bác sĩ bảo chỉ bị loét nhẹ, không cần phẫu thuật gì cả, thích ăn gì cứ ăn, nhưng Watanabe biết ông chỉ còn vài tháng để sống. Tình thế của Watanabe thật kinh khủng: Ông sắp chết khi chưa từng sống một ngày nào trong hơn 20 năm qua. Chúng ta có cả cuộc đời để tìm ra cách sống đúng, Watanabe chỉ còn vài tháng. Và hành trình muộn màng của ông bắt đầu.

Hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống

Ikiru là một bộ phim đời thường, nhưng người viết cho rằng trong nó thấp thoáng hành trình của một anh hùng cô độc thường thấy trong những bộ phim samurai hay cao bồi Viễn Tây. Khi mới biết mình mắc bệnh, Watanabe không tìm thấy sự chia sẻ nào từ gia đình, đồng thời không thấy mình thuộc về bộ máy pháp luật nên ông dứt bỏ cả hai, lang thang ngoài đường phố như một chàng cao bồi trên hoang mạc. Trên “bước đường lưu lạc” ấy, Watanabe lần lượt kết bạn với một nhà văn và một phụ nữ trẻ, mỗi người đóng góp một tác động dẫn dắt người hùng của chúng ta đến lý tưởng cuối cùng.

Người viết chú ý đến chi tiết Watanabe được thay mũ đen bằng mũ trắng, không lâu sau khi ông cùng đi với tay nhà văn phóng đãng. Điều này nhấn mạnh sự khác biệt mà ông bắt đầu có từ đây với tất cả mọi người xung quanh, và rất có thể liên quan đến biểu tượng mũ đen - mũ trắng trong phim Miền Tây ngày xưa (Akira Kurosawa vốn là người hâm mộ dòng phim này). Khi Watanabe đội chiếc mũ trắng lên đầu, hình ảnh của ông trong sự tương đồng với hình tượng người hùng Viễn Tây càng trở nên mạnh mẽ.

Nhưng Watanabe chưa nhận ra ông là người hùng của câu chuyện này. Ông chưa nhận ra mình có thể làm được những gì chỉ bằng sức mạnh cá nhân. Suốt bao năm qua, ông chỉ cố gắng tuân thủ theo những quy ước xã hội và mong đợi sự công nhận của người khác. Ông mong đợi sự hàm ơn từ con trai, mong đợi bằng khen từ cơ quan; rồi đến khi bị bệnh, vẫn mong đợi người khác chỉ dẫn cho mình một cách sống đúng. Chỉ khi ông nhận ra mình là một cá thể độc lập và phải bước đi độc lập, ông mới bắt đầu tái sinh.

Điều thú vị của Ikiru là sau mỗi chặng trên chuyến hành trình, nhân vật chính sẽ được đạo diễn “tặng” cho một vật dụng mới như biểu thị cho sự “thăng cấp” về tư duy. Trong đó, vật thứ nhất đại diện cho bản sắc cá nhân, vật thứ hai là sự có ích cho xã hội đi cùng với niềm vui thuần khiết của bản thân, và vật thứ ba là chiếc xích đu trên poster của phim.

Tại sao gần như suốt cả cuộc đời, sự tồn tại của Watanabe là vô nghĩa? Thứ nhất, ông không sống cho niềm vui của bản thân. Thứ hai, ông không làm gì có ích. Thứ ba, ông không chuyển động. Và chiếc xích đu - biểu tượng lớn nhất của bộ phim - đã bao hàm sự biến đổi của Watanabe theo cả ba ý này. Khi Watanabe ngồi đu đưa trên chiếc xích đu, ông đã chấp nhận sự chuyển động không ngừng của thời gian, sự vô thường đẹp đẽ của cuộc đời. Và ông biết điều quan trọng nhất là không phải là tương lai nơi cái chết đón đợi, mà ở chính giây phút hiện tại, nơi ông đang SỐNG.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dodieuha

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất
iPhone 18 có thể sử dụng chip A20 do Intel sản xuất