Năm 2016 là một năm khá “buồn tẻ” với nhiều thể loại phim: phim siêu anh hùng đi đâu cũng thấy cảnh nội chiến, phim hài thì chẳng có chiêu chọc cười nào mới mẻ, phim giả tưởng với vẻ đẹp thì càng lúc càng lúc lung linh nhưng nội dung thì hời hợt. Còn phim tình cảm, tính đi tính lại thì chỉ có mỗi mối tình đẫm lệ nhưng thiếu thuyết phục của Me Before You. Vậy Hollywood năm 2016 chán tới vậy sao?
Rất may là trong thời điểm bão hòa ấy, Hollywood được “giải cứu” bằng hai vị thần may mắn xuất hiện đúng lúc: phim hoạt hình và đặc biệt là dòng phim kinh dị. Trong khi năm 2015 chỉ có vài bộ phim kinh dị đáng chú ý là It Follows, Eathgasm, Sinister 2, thì năm 2016, đã có tới gần 10 bộ phim đặc sắc về đề tài này. Dù là siêu nhiên ma quỷ hay tâm lý rùng rợn, thì tất cả trong số chúng đều mang tới cho khán giả rất nhiều những câu chuyện vừa vặn, đáng sợ và ám ảnh mà cũng không kém phần sâu sắc.
Quá nhiều phim hay
Phim kinh dị thường rất dễ có những phần hậu truyện như Saw, Final Destination, Scream…Nhưng hầu hết trong số chúng đều chỉ được đánh giá như là những kẻ “ăn theo” kém cỏi cả về nội dung lẫn doanh thu. Đã có những phần hậu truyện nào từng được khán giả chờ đợi trong háo hức rồi cuối cùng khi ra rạp, tạo thành một “hiện tượng” phòng vé đáng sợ trị giá 100 lần số vốn mà nó được đầu tư sản xuất? Đã từng có mùa hè nào mà phim kinh dị mới là vị “chúa tể” thống trị tất cả bảng xếp hạng doanh thu, hàng loạt tít báo và thậm chí, là cả tâm trí của người xem? Có lẽ chỉ mỗi The Conjuring 2.
The Conjuring là một thành công “toàn cầu” của vị đạo diễn trẻ James Wan. Nhưng phần hậu của nó thậm chí còn là một thành công lớn hơn. Không chỉ được khen ngợi về chuyên môn với một kịch bản vừa có ma quỷ lại vừa có tình cảm lãng mạn, phim còn là một quả bom về mặt doanh thu. Kinh phí sản xuất phim chỉ vọn vẹn 40 triệu USD, nhưng lại thu về tới 319 triệu USD.
The Purge: Election Year, phần 3 của loạt phim kinh dị tâm lý, hình sự xã hội The Purge đã không dẫm vào lời nguyền “phần ăn theo càng dài càng dở”. Tuy không thực sự đáng sợ, cũng như còn nhiều lỗ hổng trong kịch bản nhưng phim vẫn ghi điểm trong mắt công chúng nhờ vào những pha hành động bạo lực đẫm máu, những âm mưu và nhiều nhân vật vô cùng thâm độc. Kinh phí 10 triệu USD nhưng doanh thu phim là 102 triệu USD, một con số quá ấn tượng nếu biết rằng Election Year là một phim bị giới hạn phát hành ở nhiều quốc gia vì vấn đề chính trị nhạy cảm.
Sắp tới, thêm ba phần hậu truyện/tiền truyện khác cũng rất có “máu mặt” là Ouija: Origin of Evil, Resident Evil: The Final Chapter và Underworld: Blood Wars. Nếu Resident Evil của nàng chiến binh xinh đẹp quả cảm Alice đã lại “tái xuất giang hồ” kể từ sau phần Afterlife của năm 2010. Thì người đẹp ma cà rồng Selena cũng không hề kém cạnh, tiếp tục mang cuộc chiến người sói và ma cà rồng tái diễn kể từ sau phần phim năm 2009. Cả hai phim đều sở hữu cho mình một cộng đồng khán giả hâm mộ đông đảo trên toàn thế giới. Tất cả đang háo hức đón chờ.
Còn về phần tiền truyện về trò chơi gọi hồn Ouija (2014) thì sao? Có lẽ phim gây hứng thú, phần nhiều là do nó sẽ được Mike Flanagan - một trong những ngôi sao tiềm năng của làng phim kinh dị đương đại với những Oculus, Hush và Before I Wake đầy ấn tượng - làm đạo diễn và đồng biên kịch. Hy vọng Ouija: Origin of Evil thành công, đây sẽ là một năm “tuyệt vời” của Mike, với 3 bộ phim kinh dị được đánh giá cao cùng ra mắt trong một năm (sau Hush, Before I Wake).
Những ngôi sao mới
Phim kinh dị có lẽ là mảnh đất rất thích hợp để các đạo diễn trẻ thoải mái sáng tạo và là cách thức gây ấn tượng hiệu quả nhất khi lần đầu “trình diện” trước công chúng. James Wan là ví dụ điển hình nhất. Trước khi cầm trịch những dự án phim bom tấn như Furious 7, Aquaman, vị đạo diễn gốc Malaysia này được biết tới nhờ tài “hù ma dọa quỷ” khán giả trong một loạt phim kinh dị như The Conjuring, Saw, Insidious. Tiếp bước anh, trong năm 2016, chúng ta còn được gặp rất nhiều vị đạo diễn mới nhưng khả năng hù dọa cũng rất “kinh hoàng”.
Tắt đèn. Mở đèn. Đèn mở. Đèn tắt…và chúng ta có một con ma thích chơi trò đuổi bắt trong bóng tối. Ai có thể ngờ rằng một đoạn phim ngắn chỉ dài có 3 phút lại có thể biến thành một câu chuyện dài 87 phút với đủ mọi cung bậc hù dọa chỉ xoay quanh những ánh đèn? Nhưng David F.Sandberg đã chứng tỏ, chỉ cần cho anh những chất liệu đơn giản và kinh phí cần thiết, thì chúng ta muốn có một câu chuyện dài hay ngắn, đều không thành vấn đề.
Trước khi phim ngắn Light Out ra mắt vào năm 2013, vị đạo diễn người Thụy Điển này hoàn toàn là một cái tên vô danh. Hẳn nhiều người phải ngạc nhiên khi biết rằng phiên bản dài hơn của Light Out ra mắt năm 2016 mới chỉ là tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh. Trước đó, David F.Sandberg hầu như chỉ làm đạo diễn cho các phim ngắn và những công việc sản xuất, biên tập và quay phim nhỏ. WB/New Line Cinema đã trao cho David vọn vẹn 4,9 triệu USD sản xuất, nhưng anh đã biến nó thành con số 65 triệu USD bằng một bộ phim kinh dị có thủ thuật và phương pháp rất đơn giản. Không chỉ thành công khi thu về con số lời quá lớn, Light Out còn được chứng nhận 76% tươi trên trang đánh giá phim ảnh Rotten Tomatoes. Vậy nên, cũng quá dễ hiểu khi trong tương lai, chúng ta sẽ còn được xem màn hù dọa thứ hai của Light Out cũng như bản thân David đang tiến hành thực hiện Annabelle 2 - một con búp bê vô tri nhưng cũng kinh dị không kém.