Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Hấp dẫn khán giả miền Nam, 'Song Lang' có làm hài lòng người xem miền Bắc?

Bộ phim "Song Lang" có vẻ như không hề chiều lòng khán giả miền Bắc, những người xem cầu toàn, trọng logic, triết lý hơn phần đông khán giả miền Nam.

Không cần phải bàn cãi nhiều, Song Lang của đạo diễn Leon Quang Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân rõ ràng là một tác phẩm đủ sức làm nôn nao bất cứ trái tim người Sài Gòn nào. Bộ phim tái hiện gần như trọn vẹn một Hòn ngọc viễn Đông của những năm 80, với đề tài chủ đạo là cải lương. Cải lương mà Song Lang vẫn luôn trân quý chính là bộ môn nghệ thuật lâu đời có nguồn gốc và phát triển chủ yếu tại miền Nam Việt Nam, từng trở thành một xu hướng giải trí giữ vị trí độc tôn những năm 80 của thế kỉ trước.

Song Lang không chỉ vẽ nên một bức tranh để người ta nhìn ngắm, mà còn giúp người xem được thực sự sống lại một Sài Gòn xưa cũ, đồng thời cũng làm hài lòng người hâm mộ điện ảnh miền Nam về mặt cảm xúc. Song, bộ phim rõ ràng không hề chiều lòng khán giả miền Bắc, những người xem cầu toàn, trọng logic, triết lý hơn.

Khán giả miền Bắc lạc lõng trong một bộ phim “quá Sài Gòn”

Cả bộ phim gói gọn trong vài khu hẻm đặc trưng của Sài Gòn những năm 80, nơi mọc lên các toà nhà chung cư ám bụi thời gian, hoen vàng vết mờ thời đại với ánh đèn vàng vọt hắt lên mặt người. Tất cả những gì ồn ào, náo nhiệt nhất có lẽ được lột tả ở rạp hát cải lương Thiên Lý bé nhỏ. Người Sài Gòn yêu cải lương, không chỉ dừng lại ở việc tối tối đi nghe hát mà còn là tình cảm chân thành dành cho những người nghệ sĩ cải lương. Không phải tự dưng mà kép hát Linh Phụng (Isaac thủ vai) được bà chủ quán yêu thích tặng hẳn cho suất đồ ăn đặc biệt đâu nhỉ? Người ta mở cải lương, nhạc nước ngoài khắp nơi. Cái không khí bao trùm cả bộ phim không phải là Sài Gòn thì còn thuộc về nơi đâu nữa!

Song Lang khiến người Sài Gòn nôn nao sống lại những ngày tháng cũ, làm người yêu nghệ thuật thoả mắt thoả tai với những cảnh phục dựng là một thời cải lương rạng rỡ; song bộ phim lại vô tình “cô lập” nhóm khán giả không có nhiều ấn tượng sâu đậm với loại hình nghệ thuật này, khán giả miền Bắc. Và thật dễ tìm thấy trong bộ phim cũng có phân cảnh một người đàn ông nói giọng miền Bắc nhìn Linh Phụng một cách mỉa mai mà trêu đùa rằng: “Kép hát cải lương à?”.

Chẳng biết vô tình hay hữu ý, khi trong nhịp phim mềm mại kia lâu lâu vẫn vang lên những bài hát hào sảng về Hà Nội. Tuy vậy, một không gian được đạo diễn quy định ngay từ đầu phải được phủ đầy âm hưởng cải lương và dân ca Nam Bộ thì một chút réo rắt của âm nhạc Hà Nội có vẻ trơ trọi hẳn.

Và một lần nữa người xem cũng không hiểu vì sao, vô tình hay hữu ý mà người đàn ông hiếm hoi nói giọng Hà Nội trong một bộ phim Sài Gòn lại chính là kẻ đã cợt nhả kép hát cải lương Linh Phụng, gián tiếp mỉa mai bộ môn nghệ thuật lâu đời của miền Nam. Rõ ràng, chi tiết đó khiến vài khán giả miền Bắc không khỏi phật lòng.

Khán giả miền Bắc kì vọng nhiều hơn hai chữ “dở dang”

Từ trước đến nay, ngay cả đối với phim tình cảm lãng mạn hay hài kịch, khán giả miền Bắc vẫn luôn ưa thích những bộ phim có tính logic cao, nặng tính triết lý, khiến người xem có cái để suy luận, ngẫm nghĩ khi trở về nhà. Đó có thể là một hành trình mà từ điểm đầu đến điểm cuối, nhân vật chắc chắn phải có sự thay đổi trong cuộc đời; hay lỡ như có dang dở, thì người xem vẫn được rút ra thông điệp sâu xa.

Thế nhưng Song Lang không phải là một quá trình, mà nó chỉ là một vết cắt nhỏ nhoi của hai số phận, giữa muôn vàn cuộc đời ngoài kia. Khán giả thậm chí không thể gán cho câu chuyện giữa Linh Phụng (Issac) và Dũng “Thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát) hai từ “lỡ dở”. Bởi đã có gì đâu mà dở dang, tình cảm của họ như một đoá hoa… chưa kịp hé nụ.

Khán giả có thể xao xuyến trước ánh mắt lúng liếng, ướt át và khoé miệng nhếch cười của Linh Phụng sau cái đêm dài tâm sự cùng Dũng “Thiên lôi”, rồi lại thảng thốt khi cả hai chẳng có đến cơ hội thứ hai để bên nhau. Mọi thứ chỉ dừng lại ở lưng chừng. Bởi tình cảm giữa họ chưa thể chạm đến hai từ “tri kỷ một dời”, không đủ lớn để có thể gọi tình cảm “sinh ly tử biệt”. Song Lang tựa như một giấc mơ ngắn ngủi đối với Linh Phụng, không thay đổi cuộc đời người ở lại một cách mạnh mẽ và rõ rệt, ngoài những cảm xúc chưa kịp “khắc cốt ghi tâm”. Và chính điều đó làm người xem miền Bắc khó chịu.

Bộ phim của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân rõ ràng đã đánh vào sâu thẳm trái tim và kí ức của người Sài Gòn, những người sẵn sàng dành trọn 90 phút để khóc cười cùng nhân vật. Thế nhưng những người xem khó tính như khán giả miền Bắc cần nhiều hơn thế, họ cần người chết đi phải để lại dấu ấn trong lòng người ở lại, cũng như bộ phim khi kết thúc nên lưu lại thông điệp và bài học thật sự đáng để ngẫm cho người xem.

Người miền Bắc cũng chẳng bao giờ chịu sống trọn với cảm xúc, họ hết so sánh Song Lang cùng Bá Vương Biệt Cơ, lại liên tưởng đến tác phẩm Chí Phèo. Song chính vì những cách cảm thụ tác phẩm không giống nhau ấy, bộ phim có được sự đánh giá đa chiều từ không chỉ giới chuyên môn mà còn có người hâm mộ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc