Từ trong vai trò diễn viên cho đến nhà sản xuất, Ngô Thanh Vân đều được xem là “bảo chứng phòng vé”. Điều đó khiến bộ phim hành động Hai Phượng - dự án phim cuối cùng của nữ diễn viên với tư cách “đả nữ” - thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ giới mộ điệu. Không làm khán giả thất vọng, tác phẩm của Ngô Thanh Vân được người hâm mộ dành cho những mỹ từ như “phim hành động Việt Nam xuất sắc nhất”, “bộ phim vươn tầm Hollywood”, “tác phẩm nặng hành động, mang tính thời sự nhưng vẫn đầy cảm xúc”.
“Hai Phượng”: Bộ phim hành động vươn tầm Hollywood
Chuyện phim Hai Phượng theo chân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), người phụ nữ từng có quá khứ làm bảo kê nhà hàng, quán bar tại Sài Gòn, trở về Cần Thơ để sinh con, chăm sóc, nuôi nấng cô con gái bằng nghề đòi nợ thuê. Cuộc đời của hai mẹ con bước sang trang mới khi Mai bị bắt cóc trong một lần cùng mẹ đi chợ. Lần theo đám người bắt cóc lên Sài Gòn, Hai Phượng trở về chốn cũ, một thân một mình lăn xả, đi vào từng hang cùng ngõ hẻm để tìm con gái và đối mặt với những gã giang hồ lì lợm, nguy hiểm bậc nhất.
Xóa tan mọi hoài nghi của khán giả đại chúng về những bộ phim hành động Việt Nam, Hai Phượng đã cho thấy sự đầu tư, dụng công đến không tưởng trong từng cảnh quay đánh đấm. Hợp tác cùng giám đốc hành động hàng đầu Hollywood - người từng dàn dựng những pha hành động hấp dẫn ở 007, Fast and Furious, John Wick, tác phẩm của Ngô Thanh Vân chiêu đãi người xem một bữa tiệc hành động mãn nhãn; dồn dập, quyết liệt nhưng không gây mệt mỏi, nhàm chán, các bối cảnh được biến hóa linh hoạt cùng những góc quay đa dạng, các pha võ thuật chân thật khiến khán giả vừa thấy “đã”, vừa thấy đau…
Không ngoa khi nói rằng, Hai Phượng là bộ phim hành động Việt Nam hiếm hoi có thể vươn tầm Hollywood. Song, đó không phải là sự rập khuôn, bắt chước máy móc, ăn theo. Trên hành trình Hai Phượng tìm con từ Cần Thơ đến Sài Gòn, những cảnh đánh đấm nổi bật trên phông nền đa dạng nhưng đậm màu sắc Việt Nam: từ bờ sông, cánh rừng cho đến hẻm nhỏ trong thành phố, chuyến tàu chạy trong đêm… Không những thế, các cảnh cận chiến cũng được dàn dựng riêng với thế võ sáng tạo mới, phù hợp với vóc dáng người Việt, tôn lên vẻ đẹp của người mẹ nhỏ bé nhưng lăn xả Hai Phượng.
Yếu tố hành động là điểm mạnh của Hai Phượng, song bộ phim sẽ làm thất vọng những khán giả trông đợi một kịch bản rắc rối hay lồng nhiều twist. Nội dung tác phẩm khá đơn giản, mạch lạc và có phần dễ đoán, các tuyến nhân vật cũng không được xây dựng cầu kỳ, nhiều lớp lang. Trái lại, câu chuyện đậm tính hành trình, máy quay như được gắn vào gót chân của người mẹ Hai Phượng đi từng ngõ hẻm để tìm con. Cũng chính vì thế, những trường đoạn cảm xúc trở nên đắt giá; các ký ức đứt đoạn của Hai Phượng về quá khứ, những lời tự oán trách chính mình của người phụ nữ mất con dễ dàng lấy nước mắt người xem, ngay cả khi khán giả còn chưa kịp “hoàn hồn” bởi hàng loạt pha đánh đấm trước đó.
Đối với nhiều khán giả khó tính, bộ phim Hai Phượng vẫn còn một số lỗ hổng trong kịch bản, song đôi khi, sự vô lý của nội dung cũng là sự có lý của tình mẹ, của tâm trạng hỗn loạn, bất chấp khi người mẹ nôn nóng tìm con.
Diễn xuất tròn trịa của dàn diễn viên “Hai Phượng”
Trong vai diễn hành động cuối cùng của sự nghiệp, Ngô Thanh Vân khiến giới mộ điệu không khỏi tiếc nuối: “Đến bao giờ, điện ảnh Việt Nam mới có một Ngô Thanh Vân thứ hai?”. Màn thể hiện xuất sắc của “chị đại” trên màn ảnh rộng không chỉ đến từ thực lực và kinh nghiệm dạn dày, mà còn cho thấy sự lăn xả quyết liệt, nghiêm túc đến cầu toàn của “đả nữ” khi vào vai Hai Phượng.
Vốn không được đánh giá cao về khả năng đài từ, song xuyên suốt Hai Phượng, nhân vật của Ngô Thanh Vân gần như chẳng nói gì nhiều ngoài câu hỏi: “Con tao đâu?”. Cũng chính vì thế, khi những pha đánh đấm nhường chỗ cho diễn xuất nội tâm, người phụ nữ cứng cỏi, lầm lì dễ dàng chạm đến trái tim khán giả với những lời oán trách bản thân, cho rằng cả đời cô - ngay cả việc được sinh ra - đều là sai trái, riêng chỉ trở thành mẹ của Mai là đúng đắn.
Trong bộ phim đậm tính hành trình như Hai Phượng, những nhân vật còn lại xuất hiện không quá nhiều, song chính điều đó đã tạo nên sự vừa vặn, tròn trịa cho bộ phim. Tất cả mọi người - từ bé Mai, dân làng ở Cần Thơ, cô y tá chữa trị cho Hai Phượng, người cảnh sát phụ trách điều tra vụ bắt cóc, cho đến những gã giang hồ sừng sỏ và “chị đại” đầu trùm - đều thể hiện rất tròn vai, dù không nhiều đất diễn nhưng vẫn tạo nên chiều sâu cho nhân vật, khiến khán giả mường tượng ra cả một câu chuyện dài đằng sau mỗi chân dung thoáng qua ấy.
Đáng chú ý, bất chấp lùm xùm bủa vây, Phạm Anh Khoa vẫn được xuất hiện trong Hai Phượng, vào vai gã đàn ông từng có quá khứ tội lỗi nhưng nay đã hoàn lương. Đảm nhận một vai diễn gai góc, có đến quá nửa cảnh quay là hành động, đánh đấm quyết liệt, Phạm Anh Khoa xuất hiện thu hút với chân dung vừa bất cần, khép kín, vừa khổ sở, đáng thương, khiến khán giả tưởng chừng như đâu đó trong nhân vật có hình bóng của chính anh ngoài đời.
Bộ phim táo bạo tạo bước ngoặt cho điện ảnh Việt Nam
Với tư cách một người làm nghề có tâm, nhiệt huyết với tham vọng mãnh liệt xây dựng điện ảnh Việt Nam, Ngô Thanh Vân đã thực sự tạo nên bước ngoặt nhờ Hai Phượng. Bộ phim không chỉ dừng lại ở phần hành động xuất sắc, mà còn nỗ lực truyền tải thông điệp thấm đẫm tình mẫu tử và mang tính thời sự cao. Phim thẳng thắn xoáy sâu vào những vấn nạn nổi cộm trong xã hội ngày nay: xã hội đen lộng hành, những đường dây buôn bán trẻ nhỏ, lấy nội tạng tinh vi, quy mô lớn và nguy hiểm bậc nhất.
Hai Phượng không “gạt phăng” vai trò của lực lượng cảnh sát để làm nổi bật hình tượng nữ chính, cũng không khép lại lãng xẹt bằng sự xuất hiện bất ngờ của một nhóm cảnh sát như lỗi cố hữu trong một số phim Việt trước đó. Trái lại, bộ phim xây dựng song song quá trình điều tra, theo dõi vụ án bắt cóc quy mô lớn của lực lượng chức năng, tạo nên mối liên hệ đặc biệt giữa Hai Phượng và cảnh sát Lương, từ đó xử lý kết thúc trọn vẹn, hợp lý, làm hài lòng khán giả.
Không chỉ đơn thuần là một bộ phim hành động mãn nhãn, Hai Phượng xứng đáng là tác phẩm nâng tầm điện ảnh Việt Nam, cho thấy nỗ lực làm phim, sự dụng công, trau chuốt trong từng cảnh quay, tạo hình nhân vật, cùng với tư duy điện ảnh hoàn toàn mới của những cái đầu đứng sau.